Con đường đất dẫn vào chợ khá dài vậy mà từ sáng sớm người bán hàng đã ngồi chật cả hai bên lối đi. Hàng hóa vẫn bày trên những tấm vải bạt trải thẳng xuống đất y như ngày nào. Bao nhiêu thứ hay hay, vừa ý muốn mua quá đi nhưng bà ngẫn ngự lại thôi vì có cần đến đâu mà mua với chả sắm. Có còn đứa nào ở nhà nữa đâu, mỗi độc mình bà thì dùng đáng là bao, vài cái nồi con con, dăm ba cái bát đĩa là quá đủ rồi…
Gió buốt lạnh làm bà run rẩy nhưng hình như nó đem theo một mùi hương quen thuộc. Phải rồi, mùi của những bếp lò rực đỏ, mùi vị của những món quà nóng hổi, mùi của những gánh hàng khô hàng xén, những cau trầu vỏ, của vải vóc mới tinh... Thứ mùi bà hay gặp trong giấc ngủ, mùi của những buổi chợ phiên xa ngái đây mà...
Bà chợt nhớ đến những năm tháng xa xôi chật vật cùng miếng cơm manh áo và gánh hàng cau, nhưng những buổi chợ phiên thế này bà vẫn thường mua cho lũ trẻ những món quà quen thuộc ấy. Thằng út hay nũng nịu vòi vĩnh theo bà đi chợ nên có nhiều phiên bà dắt nó đi cùng. Buổi sớm nó lon ton chạy lúc trước lúc sau bên quang gánh bà, trưa về nếu hàng còn ít, bà dồn tất cả làm một bên, còn bên kia đặt thằng bé vào cái thúng gánh nó đi như người ta vẫn gánh chú lợn con vậy. Những buổi chợ như thế, bà dọn hàng rồi bán mở hàng xong thể nào cũng chạy lại hàng bánh chưng, bánh rán đang làm cho thằng út ứa nước miếng, mua cho nó miếng bánh hãy còn nóng bỏng. Nó vừa ăn, vừa thổi xuýt xoa, thỉnh thoảng ngừng lại để thắc mắc xem vì sao bà không ăn bánh.
Vào những buổi chợ phiên tháng chạp, gánh hàng của bà thường tấp nập hơn. Bà lo trữ sẵn cau khô, “nhốt” dưới vỉ buồm những buồng cau tươi để dành bán Tết. Mùi thơm ngọt ngào của những túi cau khô cùng với mùi thơm ngan ngát của những bó nhang thơm đủ loại luôn đem đến cho bà hương vị của những buổi chợ cuối năm. Lúc bán hàng, bà hay đốt thử một nén hương để cho khách thử mùi thơm. Loại nhang đen có mùi hương đặc biệt ngày ấy được rất nhiều người ưa chuộng bởi nó có mùi thơm ngát, nhẹ nhàng rất lạ khiến cho chính bà cũng bị mê hoặc. Những năm gần đây, loại nhang ấy vẫn còn tuy không còn phổ biến, vào mỗi dịp giáp Tết, bà chỉ gặp một bà cụ còn ngồi bán ở góc chợ phiên. Bà cụ này còn giữ được công thức gia truyền, sắp Tết lại làm một mẻ bán cho vài người còn nhớ mùi hương xa. Bà ngồi lại trò chuyện với bà cụ và mua cho mình mấy bó thắp cho đỡ nhớ bởi mỗi lần gặp lại mùi hương ấy, nó hay gợi lại cho bà một thời gian khó. Nơi ấy, những phiên chợ mùa đông còn có biết bao gánh hàng của những người bạn thân thiết một thời mà mỗi gánh hàng đem theo một mùi hương xa vắng chỉ có thể gặp lại mỗi lần đến chợ. Bởi thế, lúc nãy khi đi ngang qua khu hàng xén, bà cứ tần ngần đứng nhìn mãi vào gian lều cũ, chỗ bà bạn năm xưa vẫn thường ngồi. Cô bán hàng trẻ tuổi cứ ngỡ bà muốn mua gì nên ra sức mời mọc. Bà ngồi xuống và thấy thấp thoáng đâu đây mùi băng phiến, dầu cao Sao vàng thơm nồng nàn trong gió lạnh. Hàng hóa bây giờ chất đầy, có thật nhiều món mới nhưng cũng vẫn còn đây chỉ, kim, cúc bấm, ghim băng… Bà ngỡ mình đang ngồi cạnh bà bạn già cùng nhau nhai miếng trầu thuốc cay nồng ấm sực, mùi hương cũ vẫn còn mà người xưa đâu khuất bóng…
Lúc ra về, đi qua khu hàng bán quần áo, nhìn những dây quần áo đủ mầu sắc bà lại nhớ đến mùi thơm vải mới của những bộ quần áo năm xưa. Có đứa trẻ tuổi độ lên mười đang hân hoan thử áo, nó đưa lên mũi hít hà bộ quần áo thơm nức vì đấy là cái áo Tết đầu tiên nó được quyền lựa chọn. Cũng tại góc chợ này, bà đã mở cái ghim băng cài túi áo để dành tiền tiết kiệm mua cho con tấm áo mầu xanh trứng sáo, lòng thầm hỏi, vải mới có gì mà thơm đến thế... Và mỗi khi trời trở lạnh, gió bấc tràn về, bà vẫn hay nhớ đến nôn nao mùi chợ, bàn chân già nua đã bắt đầu run rẩy vẫn dẫn bà đi về những góc chợ phiên thân quen một thuở…