Xuân ấm về trên tay

|

Đi thăm, tặng quà, chia sẻ khó khăn với người yếu thế là việc quanh năm, suốt tháng của những người làm công tác thiện nguyện. Trong những ngày sắp Tết, công việc này càng bận rộn và ý nghĩa. Trong niềm vui sum họp, lòng người ai cũng mong muốn được gửi trao nhiều hơn.

1. “Để biết niềm vui, phải biết chia sẻ. Hạnh phúc sinh ra từ hai thứ đó”, 15 năm gắn với hoạt động bảo trợ người yếu thế, ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) luôn tâm đắc và thấm thía câu châm ngôn giản dị này. Ông bảo: “Hoạt động từ thiện - xã hội, người khác nhìn vào thì tưởng là mình đang “đi cho”. Nhưng thật ra, tham gia rồi mới biết, khi “cho đi” chính là lúc chúng ta “nhận lại”. Mà cái “nhận lại” ở đây là niềm vui, hạnh phúc, sự thanh thản trong tâm hồn - lớn lao và ý nghĩa lắm, tiền bạc cũng không mua được”.

Quan niệm “no ba ngày Tết” đã in sâu trong tiềm thức của người dân mình, nên Hội càng phải cố gắng hơn để giúp cho người khuyết tật, trẻ mồ côi - vốn số đông còn sống trong sự nghèo nàn ở nông thôn, miền núi - cũng được đón cái Tết thêm ấm áp, đủ đầy. Muốn vậy, việc vận động tài trợ, chọn lựa địa bàn, đối tượng, tổ chức tặng quà đã được các cấp Hội chuẩn bị từ những tháng cuối năm.

2. Phải chăng vì thế, những chuyến đi của Hội thường in những kỷ niệm đặc biệt. Để rồi, khi nhớ về là như một lần giở lại từng nỗi niềm. Đó là khuôn mặt rạng ngời của đôi vợ chồng mù ở Cao Bằng khi dắt nhau lần sờ trên bức tường thoảng vôi mới của căn nhà Đại đoàn kết được Hội, chính quyền địa phương và bà con họ tộc hỗ trợ xây dựng; là niềm vui của cậu bé khuyết tật ở Tuyên Quang được mẹ chở đến nhận quà Tết, cứ hát một cách say sưa; là câu nói đầy mừng rỡ “Tết này tôi có thể tự đi chơi được rồi” của người đàn ông khuyết tật ở miền quê nghèo Nghệ An khi được tặng chiếc xe lăn sau hơn nửa đời di chuyển bằng hai chiếc ghế gỗ quanh bốn bức tường nhà, muốn đi đâu phải có người bế, cõng…

Đó còn là nỗi thắt nghẹn trong lòng khi chứng kiến sự bất lực đến tuyệt vọng của cặp vợ chồng nghèo người dân tộc Nùng ở huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) với ba đứa con khỏe mạnh đang tuổi ăn tuổi lớn bỗng đổ bệnh rồi trở thành tàn phế. Trong ngôi nhà sàn gió thốc đã ọp ẹp vì năm tháng, ba đứa con đều ở tuổi mười chín, đôi mươi - đứa nằm co quắp trong mảnh chăn cũ xỉn bên góc bếp, đứa ngồi đờ đẫn trên chiếc xe lăn mới được tặng, đứa ủ rũ trốn nơi góc nhà. Bệnh tình các con đã vô phương cứu chữa, giờ người cha chỉ mong làm được ngôi nhà nho nhỏ ở mặt đất, để các con ít nhất cũng có thể di chuyển được trên chiếc xe lăn, nhưng cũng chỉ dám ước vậy thôi, chứ lúc này, cái ăn đã khó khăn... Và rồi, tròn một năm sau, cũng vào những ngày giáp Tết, những người cán bộ Hội trở lại mảnh đất ấy để cùng chung niềm vui mừng ngôi nhà mơ ước đã hoàn thành. Khuôn mặt người cha rạng rỡ dõi mắt theo cậu con trai đang lăn xe khắp khoảnh sân xi-măng bằng phẳng.

3. Cặp vợ chồng nghệ sĩ Minh Khang - Thúy Hạnh là một trong những nhà tài trợ nhiều năm đồng hành cùng Hội. Cuối năm dù bận rộn đến mấy, nhạc sĩ Minh Khang vẫn sắp xếp thời gian trực tiếp đi đến những vùng quê xa xôi, khó khăn nhất. Anh nhớ chuyến cùng Hội đi tặng quà Tết 2016, giữa hôm miền bắc vào đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống chỉ còn 9 - 10 độ C, đoàn anh chị em nghệ sĩ từ TP Hồ Chí Minh xuống đến sân bay Nội Bài ai cũng bị “sốc” nhiệt độ, nhưng vẫn hăng hái đi thẳng lên điểm trao quà tại huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) sớm đến mức, nhiều bà con còn chưa kịp đến. Chẳng kịp nghỉ ngơi, mọi người lập tức lao vào cùng sắp xếp, chuẩn bị quà. Đến lúc trao quà xong, bà con nhiều người còn cố nán lại xin chụp ảnh chung, hỏi chuyện các nghệ sĩ vì “các cô chú đẹp quá, thân thiện quá…”. Mưa phùn gió bấc lạnh thấu xương, trời bắt đầu sẩm tối, nhưng anh chị em ai cũng vui vẻ đứng lại cùng bà con. “Khi ấy, chẳng còn thấy đâu khoảng cách về tuổi tác, địa lý, nghề nghiệp, chỉ còn lại tình cảm ấm áp, thân thiết của những người đồng bào”, nhạc sĩ Minh Khang tâm sự.

Niềm tin của nghệ sĩ Minh Khang - Thúy Hạnh cũng như hàng nghìn nhà tài trợ khác đã được Hội gây dựng nên bằng hiệu quả các hoạt động gần 25 năm qua. Từ việc tìm hiểu nhu cầu, mong muốn, khả năng của đối tượng, đã hình thành những suất học bổng trọn gói cả năm học, cấp học cho trẻ mồ côi hiếu học; chương trình phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật vận động, mổ mắt thay thủy tinh thể cho người mù nghèo; hoạt động hỗ trợ sinh kế, cải thiện sinh hoạt cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và gia đình họ… cùng rất nhiều chương trình khác giúp đối tượng thoát nghèo, ổn định cuộc sống và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Một cái Tết nữa đã cận kề. Niềm tin từ cộng đồng tiếp tục được gửi trao về Hội, để hôm nay trên các cung đường, những chuyến xe chở nặng ân tình đã bắt đầu lăn bánh.