Điểm nhấn trung tâm

|

Khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, đó không chỉ là bước đột phá về hạ tầng của TPHCM mà còn là cơ hội để sửa sang lại bộ mặt khu trung tâm, tạo nên diện mạo đô thị hiện đại, khang trang. Khu vực trước chợ Bến Thành sẽ thành một không gian quảng trường mới, trở thành đầu mối giao thông công cộng, kết nối các loại hình giao thông, các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực.

Công trường Mê Linh. Ảnh: CHÍ HÙNG

Cộng đồng thụ hưởng Diện mạo trung tâm thành phố từng ngày đổi thay nhờ nhiều công trình chỉnh trang đô thị được hoàn thiện, đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Chị Nguyễn Thanh Thủy, ngụ quận 7, tâm sự, từ ngày khu vực công viên bến Bạch Đằng cùng với hàng loạt công trình xung quanh được chỉnh trang tạo nên không gian đẹp, ấn tượng nên gia đình cùng bạn bè thường đến đây vào mỗi dịp cuối tuần, nhất là vào ban đêm, vì có nhiều không gian hơn cho mọi người vui chơi trải nghiệm, ngắm vẻ đẹp thành phố về đêm. Có thể thấy, công viên bến Bạch Đằng đã tạo nên một không gian xanh, để người dân, du khách đến tản bộ, tập thể dục và ngắm cảnh sông nước.

Trước đây chưa lâu, công viên bến Bạch Đằng rơi vào tình trạng xuống cấp, dưới sông đầy rác, người dân và du khách thiếu không gian để thư giãn, trải nghiệm… ở khu vực trung tâm. Năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về xây dựng chính sách phù hợp đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế đầu tư để chỉnh trang, phát triển đô thị, UBND TPHCM đã báo cáo và được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện cải tạo, nâng cấp công viên bến Bạch Đằng theo phương thức xã hội hóa. Từ đó, UBND thành phố giao cho Sở QH-KT, Sở Xây dựng hướng dẫn đơn vị tư vấn hoàn chỉnh phương án quy hoạch, cải tạo chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng để tạo mảng xanh liên tục ven sông, cùng công trình cột cờ Thủ Ngữ trở thành điểm thu hút khách du lịch và cư dân.

Công viên bến Bạch Đằng và công trường Mê Linh trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, là không gian cảnh quan, văn hóa quan trọng tại khu vực trung tâm TPHCM, điểm sinh hoạt công cộng của người dân thành phố. Ngoài ra, công viên còn được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, hệ thống chiếu sáng công viên, chiếu sáng mỹ thuật hiện đại và chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như gia tăng sự tiện nghi phục vụ công cộng và tạo điểm nhấn đặc biệt vào ban đêm. Phạm vi cải tạo bao gồm toàn bộ công viên bến Bạch Đằng từ cột cờ Thủ Ngữ đến ranh dự án Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son. Dự án cải tạo công viên hoàn thành đưa vào phục vụ người dân cuối năm 2022, từ nguồn xã hội hóa.

Kết nối hạ tầng

Để hoàn thiện và kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ từ khu vực trung tâm thành phố ra bến Bạch Đằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho biết, thời gian tới trên đường Tôn Đức Thắng sẽ xây dựng hai cầu đi bộ kết nối với công viên bến Bạch Đằng, gồm một cầu cuối đường Hàm Nghi và một cầu gần Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Qua đó kết nối công viên bến Bạch Đằng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm bằng cầu đi bộ băng qua sông Sài Gòn. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường cây xanh, tiện ích công cộng, bãi đậu xe tại khu công viên bến Bạch Đằng. Thành phố sẽ làm tuyến monorail (tàu điện một ray) dọc công viên bến Bạch Đằng phục vụ cho nhu cầu tham quan, ngắm cảnh, thu hút khách du lịch và góp phần đa dạng hóa giao thông công cộng. Để đồng bộ với khu vực bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng, TPHCM đang ráo riết chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm. Đại lộ Lê Lợi là một trong những tuyến phố thương mại, dịch vụ sầm uất bậc nhất trung tâm TPHCM. Cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành (quận 1) và chỉnh trang chợ Bến Thành là nhiệm vụ khẩn trương.

Khu vực trước chợ Bến Thành sẽ thành một không gian quảng trường mới, trở thành đầu mối giao thông công cộng (nhà ga trung tâm của metro số 1), kết nối các loại hình giao thông, các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực. Diện tích cải tạo khu vực này khoảng 45.835m2 , bao gồm nền quảng trường và các đường giao thông, vỉa hè, công trình gắn với quảng trường. Phía trước chợ Bến Thành sẽ được lát nền bằng đá granite, bố trí cây xanh, thảm cỏ, hệ thống tưới, đèn chiếu sáng mỹ thuật, tiện ích công cộng (ghế ngồi, biển chỉ dẫn, máy nước uống, mạng wifi miễn phí, camera, thùng rác, nhà vệ sinh...). Theo UBND TPHCM, tất cả các hạng mục này của dự án sẽ được hoàn thành trước ngày 30-4-2025.

Sau nhiều năm chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa, công viên bến Bạch Đằng hoàn thành với quy mô khoảng 1,6ha. Trong đó, có 8.700m2 đường dạo, sân sinh hoạt bằng đá granite núi lửa và 7.000m2 mảng xanh kiểng có định hình không gian kiến trúc chuỗi hoa sen xuyên suốt công viên, tạo không gian và tầm nhìn thông thoáng về phía bờ sông Sài Gòn.