Sau cơn ốm

|

Một Sớm đầu năm, mẹ và em gái hay vào chùa. Và nơi hai người đến ở mãi vùng ven nên khá xa. Tuy vậy, mẹ chỉ đến duy nhất ngôi chùa này và đã hơn hai chục năm như thế! Vì tình thâm với sư cụ trụ trì và vì thích sự vắng vẻ, yên tĩnh ở đây. Mẹ bảo chùa ở phố vốn đông người đến nên ồn ào phát ngốt lên được. Nhà trọn lỏn ba người lại thiếu mất hai nên tôi côi cút hẳn. Có mỗi cái TV, tôi bật lên rồi chuyển kênh liên hồi và từng khung hình, choáng nháy, xuất hiện rồi biến mất. Tôi cũng vặn âm thanh to hơn bình thường để có cảm giác, còn một ai đó nữa, trong ngôi nhà này. Chứ không phải trụi lủi có m

Tôi thấy tôi đang rất chán tôi, nhưng, chẳng biết làm gì và chẳng thể làm gì. Rượu đã rót ra ly và tôi, đã đưa lên môi hàng mấy lần nhưng đành, không cách gì nhấp được. Buồn quá và nhớ Bội quá! Giờ, hẳn mẹ con cô ấy đang sửa soạn cho mâm cỗ đầu năm. Căn bếp luôn có tiếng hát, sự ấm áp, lửa đỏ cùng những sợi khói mờ xám, tỏa lan loanh quanh. Những sợi khói, đôi khi, làm cay mắt. Có một thằng bé kháu khỉnh và nghịch ngợm với đôi má của trẻ con cao nguyên lúc nào cũng hồng au, luôn làm vướng chân mẹ. Và có Bội: tình yêu của tôi. Là sự thánh khiết đời tôi cùng hết thảy những hân hoan và muộn phiền. Bữa cơm cúng rước chiều qua, ở nhà. Mẹ nhìn tôi cắm cúi ăn, rất lâu rồi mới nói. Giọng đặc nghẹn:

- Con định cứ sống thế này mãi à? Cứ nhùng nhằng với mẹ con cô Bội như thế đến bao giờ hả?

- Thì mẹ tính xem. Con thì chẳng thể yêu được ai khác và mẹ lại chẳng thể nào chấp nhận được cô ấy. Còn biết làm gì? Bỏ không xong. Lấy chẳng được. Thì nhùng nhằng…

Tôi tưởng mẹ đã nổi giận như những lần trước đó. Mỗi lần nhắc tới Bội và với cái lối trả lời dấm dẳng như thế của tôi nhưng lạ thật. Lần này chẳng hiểu sao mẹ im lặng. Chỉ đăm đắm nhìn tôi rồi thở dài, rất khẽ. Cái cách mẹ như thế lại khiến tôi chùng lòng. Không chịu được tôi bỏ dở bữa ăn, đứng dậy, chạy nhanh về phòng riêng. Bụng chỉ muốn đá văng một cái gì đó, cho nó vỡ ra tan tành. Ngẫm ra cũng cần lắm chứ! Một điều gì. Hoặc như là tình cảm. Hoặc như là sự buộc ràng. Phải bị làm cho mất đi. Phải được xóa nhòa. Phải đành, thôi thì vụn vỡ. Một lần. Dẫu cho có phải vì thế mà thống thiết đớn đau. Cũng phải một lần cho tất cả. Rồi thôi. Sắp đến giao thừa Bội gọi điện xuống chúc Tết. Tôi cười: “Không đợi được đến lúc anh lên à!”. Giọng Bội bỗng rụt rè:

- Thì… mọi năm là thế.

- Còn năm nay? Bộ em không muốn…

- Không đúng đâu. Anh biết rõ mà. Cái Tết của mẹ con em, không có anh buồn như thế nào. Nhưng…

Không đợi tôi giải thích, Bội tắt máy và tức thì gọi lại chỉ để nói: “Tết, đừng hòng em mở cửa cho anh vào nhà. Chớ có dại mà lên. Trên này đang rét lắm đấy!”. Đó là đoạn đối thoại giữa tôi và Bội, ở những giây phút cuối cùng của năm cũ. Là chuyện của hai người và đã qua. Còn bây giờ: những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới với riêng tôi, sao mà hoang mang ngậm ngùi. Trạng thái này quá khác với những năm trước. Khi vừa qua giao thừa, tôi đã vội bỏ lại phố biển của mình để lên phố núi của cô ấy với ắp đầy những hăm hở sướng vui.

Hai

Chỉ những khoảng thời gian đầm ấm bên nhau, tôi mới có thể bẵng quên đi những long đong, lận đận của tình mình. Là thế đấy. Tôi có giấu giếm gì đâu và đã sao cơ chứ! Đã hẳn, Bội đã qua một đời chồng và có con. Cô ấy là một tín đồ Thiên Chúa giáo, rất ngoan đạo. Rồi sao nữa. Tôi: Chưa một lần lập gia đình. Không hề có con cái, dẫu là vụng trộm. Và tiếp tục: Tôi còn mẹ (một người mẹ rất mực nghiêm khắc). Đâu đã đủ: Tôi còn cả một đại gia đình (một đại gia đình vô cùng nền nếp, mẫu mực và rất sùng đạo Phật) Vẫn chưa hết: Tôi thương, chiều mẹ lắm và luôn biết nghe lời. Sau rốt: Tôi rất yêu cô ấy và rất quý con cô ấy.

Tôi muốn ba chúng tôi được sống chung với nhau, dưới một mái nhà như bao gia đình bình thường khác. Nhưng tôi cứ mãi nhùng nhằng. Cứ mãi để cho mình tuột trôi theo những niềm vui và hạnh phúc, những khi được sum vầy. Và buồn nhớ, khổ đau cùng hụt trống những khi không có mẹ con cô ấy. Một sự nhùng nhằng kéo dài có trên ba năm. Mẹ mỏi hết muốn mắng. Bội mỏi hết muốn tôi lên và ngay lúc này, tôi cầm mãi một ly rượu trên tay, mỏi, một ngụm cũng không sao nhấp nổi. Có cần gì Bội cấm cản, tôi chắc, chẳng còn một lần nào lên trên ấy với em và thằng Tường. Và mẹ tôi chẳng còn can cớ gì, để phải thêm nữa những lần thở dài khiến tim tôi, cứ phải đập dồn những nhịp nhói buốt, đớn đau.

Ba

Tôi ốm thật. Ốm, rất hẳn hoi ở ngay giữa cuộc đời chứ không phải là trong giấc mơ. Lại ốm rất nặng nữa chứ! Có người phát hiện kịp chứ không ngay trong năm mới, gia đình đã phải lo tang ma cho tôi rồi. Tôi bị một cơn trụy tim kết hợp với huyết áp tăng đột ngột, do thời tiết. Rất may, không phải vì rượu dù thi thoảng tôi cũng có lai rai và rất ít ỏi trong những lần hiếm hoi như thế, tôi cũng có say. Và như thế suốt khoảng thời gian đầu năm, tôi ở trong bệnh viện. Chưa đến mùng năm, bác sĩ đã cho về để ăn Tết muộn. Nhưng, tôi viện cớ mình còn mệt nên muốn được ở lại để theo dõi thêm. Bác sĩ đồng thuận ngay nhưng với mắt nhìn tra hỏi. Cả mẹ và các anh chị em tôi cũng những ánh mắt tọc mạch thế, khi biết chuyện. Chỉ có thằng cháu mười bảy tuổi, con ông anh cả là chẳng tỏ thái độ gì. Ra vẻ lớt phớt nhưng rất thấu hiểu. Cứ nhơn nhơn rỗng ruếch nhưng lại rất sẻ chia, thương cảm. Thằng này cũng hay! Tết nhất mà chẳng ham thích đùm túm bạn bè chơi bời đây đó. Chỉ luẩn quẩn bên ông chú dở hơi, mới rõ tài. Vác hẳn một cái ghế xếp vào nhà thương ở với chú. Thêm iPad cho mình và cả chồng sách báo cho người ốm. Mỗi sáng dậy, việc đầu tiên là nó rờ ngực tôi rồi ghé tai cúi sát tim, nghe ngóng:

Sắp khỏi hẳn rồi. Sắp chạy gắn máy lên với cô Bội được rồi.

Chuyến này chú mày đi xe đò.

Làm gì mà mất phong độ thế!

Mày quên à! Phong độ thì nhất thời mà đẳng cấp thì vĩnh cửu.

Đẳng cấp yêu?

Đúng. Thằng này thông minh.

Sau cú đau tim chóng vánh mà cực kỳ hiểm nguy, tôi mới nhận ra bấy lâu nay mình chỉ được cái khỏe xác. Vâm vấp thân hình mà tâm hồn èo uột lắm thay! Hàng bao năm hiện diện trên đời, tôi chỉ biết phơi bày ra thế gian một con người như thế này đây: Cao thước bảy tám với cơ thể cường tráng, đôi vai ngang bè, hai tay to mạnh, vồng ngực vạm vỡ, bắp chân vững chãi. Và hết. Tôi, chỉ là một cái thằng đàn ông với những thứ như thế. Cái đầu rắn đanh quyết liệt: không. Trái tim mạnh mẽ dạt dào: không. Cơn bệnh đổ vật tôi xuống rất bất ngờ, đã như một cú níu giựt tôi lại trên đường đời phẳng êm. Không cho đi tiếp mà bắt tôi đứng khựng lại. Một cách giậm chân tại chỗ. Một cuộc dừng, không ngắn chẳng dài trong không gian u xám của nhà thương với mùi máu, mùi cồn… Những tiếng rên la của bệnh nhân, vọng tới bất kể đêm ngày. Những bóng người ốm yếu, vật vờ, qua lại. Mầu áo trắng của bác sĩ, y tá và những ý niệm về sự sống, cái chết, những khắc khoải bởi còn, mất, được, thua những lẽ đời.

Những ngày ốm nằm lụi, tôi đã nhận ra nhiều giá trị, những ý nghĩa mà trước đây, mình không sao thấu hết. Như là tình yêu với Bội. Như là tổ ấm lứa đôi. Tôi cũng tìm ra được sự kết thúc là vô cùng cần thiết cho mối quan hệ dằng dịt với cô ấy, bấy lâu. Trái tim tôi hồi phục nhanh, nhờ vào những thương nhớ cô ấy, nhờ vào những hy vọng đoàn tụ. Trái tim tôi khỏe mau, nhờ vào gian bếp nhỏ vòng vèo khói và thơm sực mùi thức ăn. Nhờ tiếng cười trong trẻo của Bội, đôi má au đỏ của thằng Tường. Trái tim tôi ở đấy và cuộc đời tôi thuộc về nơi đó. Không phải nơi này: bệnh viện. Không phải ngoài phố kia: một ngôi nhà cấp bốn sơn mầu trứng sáo, những anh chị em tôi tử tế và hiền hòa sống bên nhau và bên mẹ, nghiêm khắc và đảm đang. Tôi vẫn rất thương những người thân tôi nhưng đã theo một cách khác và bằng với một trái tim khác. Một trái tim có những nhịp đập, điềm đạm và đều đặn.

Bởi, đã hết rồi những nhịp nhanh và mạnh, thường xuyên bóp thắt đến quặn đau, từ sau cơn ốm này.