Điện ảnh Việt Nam khởi sắc Xuân

|

Cách đây hơn 20 năm, trong một dịp đầu Xuân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An, lúc đó là Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, đã làm đôi câu đối dán ở cổng hãng, trong đó có một vế: Điện ảnh Việt Nam khởi sắc Xuân. Từ đó, mỗi độ Xuân về, những người làm điện ảnh lại nhớ đến câu đối ngày ấy và thầm mong cho nền điện ảnh Việt Nam sớm khởi sắc.

Bức tranh với những gam mầu sáng

Có thể nói năm Ất Mùi vừa qua đối với Điện ảnh Việt Nam là một năm khởi sắc! Khởi sắc trước hết trong lĩnh vực doanh thu, với bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, chỉ trong hai tuần chiếu ra mắt đã thu về hơn 70 tỷ đồng. Nhớ lại cách đây 12 năm, Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng do Hãng phim Giải phóng sản xuất đã đạt mức doanh thu 12 tỷ đồng, một kỷ lục của điện ảnh Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới. So sánh doanh thu phim của Victor Vũ và Lê Hoàng sẽ thấy điện ảnh Việt Nam đã có bước tiến thật vượt bậc như thế nào trong việc thu hút người xem đến rạp. Chưa cần bàn đến chất lượng nghệ thuật và nội dung, riêng chuyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gây nên một cơn sốt phòng vé trong thời gian qua đã là một hiện tượng đáng mừng. Nó chứng minh cho công tác tiếp thị trong điện ảnh quan trọng như thế nào! Nó cũng chứng minh cho thấy, đâu chỉ có phim với những cảnh “nóng”, bạo lực, chuyện xì-căng-đan trong thế giới showbiz, chuyện đại gia - chân dài mới thu hút khán giả trẻ? Hay như bộ phim về đề tài chiến tranh tưởng chừng khô khan như Người trở về của nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền lại lấy được không biết bao nhiêu nước mắt của người xem. Theo như báo chí phản ánh thì trong năm vừa qua, những bộ phim như Nhà tiên tri, Thầu Chín ở Xiêm..., cũng đã làm nhiều người xem rơi nước mắt. Một đặc điểm nữa là, năm qua nhiều đạo diễn làm phim truyện đầu tay khi tuổi đời còn rất trẻ (chỉ trên dưới 25); đó là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là một thách thức đáng kể đối với những người trẻ làm phim khi chưa có nhiều trải nghiệm đời sống.

Trường hợp Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã mở ra một mô hình mới chưa có tiền lệ từ trước tới nay trong Điện ảnh Việt Nam khi tư nhân huy động vốn của Nhà nước chứ không phải ngược lại. Nếu tiếp tục mô hình này, Nhà nước cần ban hành một quy chế để tất cả các hãng phim tư nhân đều có thể tham gia.

Nhận diện Điện ảnh Việt Nam đương đại

Trong bức tranh đa diện của điện ảnh ngày nay, để nhận diện Điện ảnh Việt Nam đương đại không khó. Thay vì như trước đây chỉ có một diện mạo, đó là những phim do Nhà nước sản xuất phục vụ những mục tiêu chính trị là chính, thì nay diện mạo đó tuy vẫn còn được duy trì dưới dạng phim đặt hàng kỷ niệm những ngày lễ lớn, nhưng số lượng đã thu hẹp đáng kể (mỗi năm chỉ có 2 - 3 phim). Bên cạnh đó là một diện mạo khác của dòng phim phục vụ nhu cầu giải trí mà quy luật cung cầu được xác định bởi thị hiếu của người xem (đa số là người tuổi teen ở các đô thị lớn). Cũng cần nhắc đến một dòng phim khác, thường được gọi là phim độc lập của một số đạo diễn trẻ như Cha con và… của Phan Đăng Di (tham dự LHP Berlin trong chương trình thi xét giải chính thức), Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp (giành một số giải phụ tại các LHP quốc tế, nhận được đánh giá cao từ ban giám khảo và giới phê bình).

Hoạt động chiếu bóng sôi nổi cũng là một dấu ấn đáng kể của năm qua. Nếu năm 2008, doanh thu chiếu phim ở Việt Nam chỉ đạt sáu triệu USD, thì năm 2013, con số này đã tăng 10 lần, đạt 60 triệu USD và năm 2015 này, dự báo phải hơn 70 triệu USD. Những năm qua, hệ thống cụm rạp do các nhà đầu tư trong, ngoài nước dựng lên như CGV, Lotte, Platinum, Galaxy… hoạt động rầm rộ chưa từng thấy. Tập đoàn giải trí Hàn Quốc hiện đã đầu tư xây dựng 13 cụm rạp tại bảy tỉnh, thành phố của Việt Nam và đang có kế hoạch phát triển tới 30 cụm rạp đến năm 2017; trở thành tổ hợp chiếu phim lớn nhất, tham vọng thâu tóm toàn bộ công nghiệp chiếu phim tại Việt Nam trong tương lai. Nhưng dù vận hành theo cơ chế nào, doanh thu bao nhiêu thì diện mạo điện ảnh của một quốc gia bao giờ cũng vẫn phải là những bộ phim hay.

Trong một lần đến thăm những người làm Điện ảnh Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có định nghĩa thế nào là một bộ phim hay, đại ý, phim hay là một bộ phim có một câu chuyện giản dị, không lắt léo cầu kỳ, nhưng khi xem thì cảm động và xem xong thì suy nghĩ ít nhiều. Quả thật, làm người xem cảm động được đã khó, nhưng làm cho người xem suy ngẫm được đôi điều gì đó về cuộc sống từ thông điệp của bộ phim, còn khó hơn. Ở đây, nước mắt và doanh thu chưa đủ. Muốn phim làm người xem suy ngẫm (nhất là đối với người xem có học thức) thì ngoài yếu tố hấp dẫn như người đẹp, cảnh đẹp còn cần phải có tư tưởng, triết lý đời sống gần gũi và thiết thân với người xem. Muốn có được những cái đó thì người làm ra bộ phim, trước hết là biên kịch, đạo diễn phải có trải nghiệm đời sống, có những suy nghĩ sâu sắc, không hời hợt về câu chuyện mà mình muốn giãi bày với người xem. Điều này Điện ảnh Việt Nam đang còn thiếu!

Tháng 8 năm 2015, nhân kỷ niệm 20 năm LHP Busan (Hàn Quốc), Ban tổ chức và Trung tâm Điện ảnh Busan đã lấy ý kiến từ 73 chuyên gia điện ảnh, trong đó có nhiều nhà phê bình và đạo diễn nổi tiếng thế giới để bình chọn 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Điện ảnh Việt Nam có phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng (xếp thứ 89). Danh sách sẽ được làm mới 5 năm một lần. Hy vọng 5 năm sau, Điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm nhiều tên phim trong danh sách bình chọn của một LHP uy tín hàng đầu châu Á.

Cách đây hai năm, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển Điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2020, Điện ảnh Việt Nam trở thành một nền điện ảnh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có hiệu quả kinh tế cao; đến năm 2030, trở thành nền điện ảnh có bản sắc và uy tín ở châu Á, có những tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Để làm được như vậy, Điện ảnh Việt Nam còn phải nỗ lực phấn đấu nhiều lắm. Nhưng một năm khởi sắc vừa qua cho ta niềm tin rằng, điều đó có thể trở thành hiện thực một khi chúng ta biết mình đang ở đâu, phải làm gì, để quyết tâm hơn tiến tới những mục tiêu đó.

Làm người xem cảm động được đã khó, nhưng làm cho người xem suy ngẫm được đôi điều gì đó về cuộc sống từ thông điệp của bộ phim, còn khó hơn.