Vẽ bản đồ cho công nghiệp sáng tạo

|

Một doanh nhân, khi bàn về công nghiệp sáng tạo, đã lập tức đánh đồng với hoạt động đổi mới, sáng tạo tại doanh nghiệp. Đó là thực trạng chung khi mà trên thực tế, khái niệm “ngành công nghiệp sáng tạo” vẫn còn khá mơ hồ.

Trăn trở từ định danh đến tạo sức hút

Trên thế giới, ngành công nghiệp sáng tạo đang đóng góp tới 10% GDP toàn cầu và mang lại giá trị thương mại khoảng 592 tỷ USD. Nhưng tại Việt Nam, theo một thống kê chưa chính thức, tỷ lệ này mới dừng lại ở con số 3 - 5%. Một con số vô cùng ít ỏi, nhưng nếu nhìn vào bức tranh chung thì có thể thấy, chúng ta đã có những điểm sáng.

Monkey Juniors - phần mềm giáo dục sớm cho trẻ, Design Bold - phần mềm thiết kế dành cho doanh nghiệp, hay cơn sốt game Flappy Bird cách đây vài năm, đó đều là những ứng dụng được sáng tạo bởi các khởi nghiệp (startup) còn rất non trẻ của Việt Nam nhưng đã trở thành những phần mềm được ưa chuộng nhất trong các kho (store) ứng dụng toàn cầu. Giữa một trung tâm thương mại lớn ở TP Hồ Chí Minh, du khách có thể bị hút ngay vào một gian hàng bày bán nông sản Việt, nhưng được đầu tư thiết kế mẫu mã bao bì đẹp… Sự tham gia của ngành thiết kế bao bì, của những chiến dịch truyền thông xây dựng thương hiệu đã giúp gia tăng giá trị cho nông sản lên nhiều lần.

Nhưng, làm sao để những điểm sáng này không còn đơn lẻ mà trở thành ngọn lửa nội lực của ngành công nghiệp sáng tạo? Nhất là khi chúng ta không chỉ có tiềm năng trong ngành công nghiệp game và phần mềm, mà còn đầy triển vọng ở rất nhiều lĩnh vực khác như kiến trúc, thủ công mỹ nghệ…

Trước hết, cần định danh rõ ràng, nhất quán, đề ra được những chính sách phù hợp kích hoạt ngành công nghiệp đầy hứa hẹn tạo nên những giá trị tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế này. Theo định nghĩa của UNCTAD (Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc), tại Việt Nam, các chuyên gia xếp 15 ngành sau vào công nghiệp sáng tạo: Thiết kế, tạo mẫu công nghiệp; Thiết kế đồ họa; Quảng cáo và marketing; Truyền thông; Báo chí, xuất bản; Nội dung số; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Âm nhạc; Thiết kế games và phần mềm; Điện ảnh, truyền hình; Kiến trúc; Ẩm thực; Tư vấn sáng tạo.

Và một điều quan trọng hơn nữa, ai sẽ đầu tư cho công nghiệp sáng tạo? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Tất Thứ, Chủ tịch & Chuyên gia trưởng KNV Group, một trong những người rất tâm huyết đưa khái niệm công nghiệp sáng tạo về Việt Nam, phân tích: Ngành công nghiệp sáng tạo khá mới mẻ, đi cùng với đó là những thách thức và biến động không nhỏ, bởi vậy, nhóm doanh nghiệp nhà nước sẽ không lựa chọn. Đối với những doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, thì họ chưa tìm thấy sức hút bởi quy mô của ngành còn nhỏ. Còn lại là những doanh nghiệp nhỏ, tuy có tìm thấy tiềm năng và khá hứng thú nhưng lại khó nhập cuộc bởi nguồn lực hạn chế.

Bởi tất cả những điều này, có thể hiểu vì sao tỷ lệ đóng góp vào GDP của ngành công nghiệp này vẫn nhỏ đến vậy.

Hệ sinh thái sáng tạo - tại sao không?

Nhìn từ góc độ kiến thiết ngành, có thể thấy, bàn tay bà đỡ của Nhà nước chưa vươn đến với công nghiệp sáng tạo. Kinh nghiệm của các nước có ngành công nghiệp sáng tạo cho thấy, cần phải có một cơ quan quản lý tập trung. In-đô-nê-xi-a có Bộ Công nghiệp Sáng tạo và Văn hóa đảm nhiệm việc quản lý và quy hoạch sự phát triển của công nghiệp sáng tạo. Khi có cơ quan này, những vấn đề khó khăn, như: quy hoạch ngành, chính sách ươm tạo và hỗ trợ sẽ được đề ra hợp lý; vấn đề sở hữu trí tuệ cũng sẽ được góp phần hóa giải… Đây chính là điểm sống còn, bởi trong ngành công nghiệp sáng tạo, tài sản lớn nhất mang lại giá trị thặng dư là chất xám và sự sáng tạo.

Sau tất cả những yếu tố “cần” nói trên, yếu tố “đủ” còn lại chính là làm sao kết nối tất cả những mảnh ghép cần thiết đối với phát triển công nghiệp sáng tạo. Chỉ khi đó, những doanh nhân đam mê sự sáng tạo mới có thêm niềm tin để dấn thân.

Để tạo được động lực cho ngành công nghiệp sáng tạo, chúng ta cần phải xây dựng một bản đồ quy hoạch chung cho ngành công nghiệp sáng tạo. Có thể bắt đầu từ 15 ngành cơ bản đã được định hình rồi kết nối sang những ngành khác để tạo nên hệ sinh thái.