Lắng sâu nguồn cội

|

Một nếp thờ cúng tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng hướng về nguồn cội; một nét riêng không thể trộn lẫn song lại thống nhất nơi sâu thẳm giá trị nhân văn trong bày tỏ tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu xứ sở; muôn sắc màu khác biệt mà lại chung khởi nguồn khát vọng đủ đầy, hạnh phúc và những điều tốt lành dành cho nhau mỗi khi Tết đến Xuân về… Khi lắng đọng trầm tư, khi rộn ràng bung nở, tất cả cứ hòa quyện, ngân rung tự hào về một nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc với sức sống lâu bền cùng thời gian…

Món cơm cúng dresil của người Tây Tạng.

Phong tục thờ cúng tổ tiên còn nguyên giá trị

Với mỗi gia đình người Việt, bàn thờ cùng bát hương thờ cúng tổ tiên là một thiết thân không thể thiếu. Mọi gia đình, dù nhà cửa có chật chội thì vẫn dành nơi cao ráo, trang trọng nhất, sạch sẽ nhất đặt bàn thờ. Nhà giàu có bàn thờ kiểu nhà giàu, nhà nghèo có bàn thờ kiểu nhà nghèo. Chỉ đến khi chiếc bàn thờ nghiêm ngắn đặt trong gian nhà được xem là trung tâm của gia đình, chỉ đến khi chiếc bàn thờ nho nhỏ gắn trên tường, thẻ hương nghi ngút khói sát tận trần nhà, phải kê ghế cao mới đứng lên đặt nải chuối, lọ hoa, đĩa trầu cau,… thì gia chủ như mới thấy yên tâm.

Đạo hiếu là lòng thành, lễ vật là tùy tâm, khi thắp nén tâm nhang đứng trước bàn thờ tổ tiên, dẫu mâm cúng phong phú hay đạm bạc, sơ sài thì mỗi người vẫn thấy tâm trí được bằng an, thấy cha mẹ, ông bà như đang ở bên, phù hộ, và mình có cơ hội bày tỏ lòng ghi nhớ công ơn... Khi trong gia đình có việc hệ trọng như làm nhà mới, dựng vợ gả chồng, sinh con, đi làm ăn xa nhà, thi cử, ốm đau,... thì gia đình không quên thắp nén hương vừa để báo cáo với tổ tiên, vừa cầu mong tổ tiên phù hộ. Tâm niệm ấy đã theo người Việt đến mọi nơi. Như khi tới thăm gia đình một số gia đình người Việt sống xa xứ, tôi đã được mục kích những chiếc bàn thờ trang trọng. Nhìn chân hương mới tàn, tôi hiểu đối với họ, tổ tiên vẫn ở bên, quê hương vẫn ở bên.

Từ khi con gái lớn du học Ấn Độ, hằng ngày bố con tôi vẫn chát qua Viber. Một lần cháu kể đang học cách nấu cơm cúng của người Tạng ở vùng cháu đang học, tôi không ngạc nhiên, vì biết tính con hay tò mò, thích lọ mọ nấu nướng. Cháu kể ở đây có một món đặc biệt gọi là “dresil” - cơm cúng, món này chỉ làm vào ngày lễ cúng Phật, cúng tổ tiên. “Dresil” là cơm nhưng nấu có nho khô, hạt điều, vài loại hạt đặc sản của Tây Tạng mà vùng cháu không có, phải nhập. Cúng xong, người làm cơm cho cơm vào hộp đem đi mời mọi người. Khi xúc cơm vào lòng bàn tay người được mời, phải nói rõ đây là cơm cúng ai. Nhận cơm rồi, người được mời sẽ lầm rầm cầu nguyện điều may mắn tốt lành cho người được cúng và thân nhân người được cúng, xong thì mới ăn. Và họ chỉ nói chuyện sau khi các nghi thức hoàn tất.

Mấy tháng sau cháu ra ở ký túc xá nhà trường, ngày giỗ mẹ tôi, thấy cháu nhắn tin: “Hôm nay con làm cơm cúng bà nội bố ạ. Cúng xong, con xúc cơm vào hai hộp, một hộp mời mọi người trong ký túc xá, một hộp để mời mọi người trong lớp. Học viên trong lớp con đến từ nhiều nước khác nhau nên chưa biết phong tục này, trước khi con đưa cơm ra mời, thầy giáo người Ấn giới thiệu để cả lớp biết. Mọi người thích thú, vui vẻ bố ạ.

Nhìn bức ảnh con gửi, thấy mâm cúng nho nhỏ có quả kiwi, trà bơ Tạng, bánh mỳ Tạng, nước trà Việt, cơm cúng Tạng, nén hương cắm vào cốc nến Ấn Độ mà tôi ứa nước mắt. Sống xa nhà mấy nghìn cây số, tới ngày giỗ bà nội, cháu vẫn không quên mà còn tự làm giỗ. Thực ra chưa bao giờ tôi dạy cháu phải làm gì với người thân đã khuất, nhưng có lẽ từ nhỏ đến lớn, nếp nhà đã hằn sâu trong ý thức của cháu. Nay đi học xa, đến ngày giỗ bà nội, chỉ cần cháu nhờ bố thắp nén hương trên bàn thờ ông bà là đã tốt rồi, nhưng cháu đã tự làm.

Có lẽ không người Việt Nam nào không biết đến câu tục ngữ “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Câu tục ngữ ra đời từ thời không phải nồi cơm của gia đình nào cũng có thể giúp mọi người no nê, nên khi quây quần bên mâm cơm, mỗi người phải biết nhường nhịn. Ăn trông nồi là nhìn vào nồi cơm có nhiều hay ít mà quyết định sẽ ăn như thế nào, để còn dành phần người khác. Dù là người “ăn thủng nồi, trôi rế”, thì cũng nên nhìn trước, nhìn sau để ăn mà vẫn biết dành phần người khác, nhất là người già, trẻ em. Còn ngồi trông hướng, là khi ngồi phải xem “hướng bàn thờ”. Ngồi quay lưng, làm việc gì đó mà “chổng mông” vào hướng bàn thờ là điều cấm kỵ.

Theo sách Phong tục Việt Nam của Toan Ánh thì: “Trước bàn thờ gia tiên là nơi gia trưởng tiếp khách, hoặc hằng ngày uống trà làm thơ… Ở căn nhà chính này, trừ ngày giỗ tết, đàn bà con gái không được bén mảng”. Cuộc sống phát triển, nhiều quan niệm mới đã ra đời và làm thay đổi nhiều điều, nhiều cấm kỵ khắt khe trong phong tục, tập quán nay không còn phù hợp cũng mai một dần. Trong khi cái ăn không còn là nỗi lo canh cánh của các gia đình thì một số nghi thức trong thờ cúng tổ tiên nay đã đơn giản hơn, nhưng điều quan trọng là phong tục ấy vẫn giữ nguyên giá trị.

Và đêm giao thừa, khi con cháu quây quần đông đủ, bàn thờ gia tiên được sắp đặt nghiêm ngắn, sạch sẽ, thắp nén hương dâng lên tổ tiên là thêm một lần thể hiện tình cảm gắn bó gia đình, cũng là lời nhắc nhở con cháu hãy làm thêm nhiều điều tốt đẹp để xứng đáng với tổ tiên, không làm xấu hổ tổ tiên.

Nguyễn Hòa

Bánh Tét làng Chuồn

Bánh tét làng Chuồn ở An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) là vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của người Huế trong ngày Tết. Tên tuổi của bánh tét làng Chuồn nổi tiếng khắp cả nước bởi một thời từng là món “bánh tiến vua”.

Chuyện xưa kể rằng, từ hàng trăm năm trước, làng Chuồn đã cho khoanh vùng chừng 20 mẫu ruộng để chuyên cấy loại nếp thơm ngon, còn gọi là nếp Tây. Từ thời các vua, chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở xứ Đàng Trong, mỗi năm làng phải cống nạp cho vua hai thúng lúa và thúng nếp từ ruộng Cửa để vua ăn vì đây là gạo, nếp ngon nhất Huế. Phải lấy nếp này làm bánh tét, dâng lên triều đình để các vua, quan ăn Tết. Cũng bởi là loại “bánh ngự” nên bánh tét làng Chuồn được làm ra khá cầu kỳ. Đã qua hàng trăm năm, những người già trong làng tiếp tục thổi lửa, giữ nghề gia truyền bằng chất lượng nếp và kỹ thuật gói bánh công phu khiến cho hương vị bánh thật đặc biệt.

Theo làn khói bốc lên sau những rặng tre già, chúng tôi men dọc con đê quanh làng, nghe thoảng trong gió mùi thơm của đậu xanh, thịt mỡ và hương nếp. Ở ngôi làng nhỏ này có hơn 70 hộ dân và họ có cuộc sống khá ổn định khi bánh tét ở đây đã có thương hiệu là ngon nhất Huế. Cha truyền con nối, mỗi nhà có ba, bốn thế hệ cùng làm bánh tét. Mỗi năm cứ dịp Tết đến, nhà nào làm ít cũng gói một nghìn chiếc bánh tét, nhà làm nhiều thì 4.000 - 5.000 chiếc bánh. Những đứa trẻ giúp mẹ lau lá, người phụ nữ trong gia đình trổ tài đảm đang, khéo léo khi vo gạo nếp, xào nhụy và bàn tay vững chãi của người đàn ông làm công đoạn cuối cùng là gói những chiếc bánh tét chắc chắn, đẹp mắt.

Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT


Quá quen với cảnh người dân Huế về tận làng đặt mua từng thúng bánh tét lên cúng Tết, người đàn ông của ngôi nhà đầu tiên ở làng Chuồn đón chúng tôi với nụ cười niềm nở. Gần 80 tuổi, gắn bó với nghề làm bánh từ lúc tóc còn để chỏm, ông Đoàn Rạng tiết lộ việc giữ bánh đến 20 ngày mà vẫn nguyên hương vị ban đầu. Theo ông Rạng, nếp làm bánh tét phải là nếp ngon đều hạt, giã trắng, sàng kỹ tấm cám. Nếp được ngâm kỹ, vo thật sạch, để ráo nước. Lá gói bánh là lá chuối sứ không già lắm. Nhụy cũng chọn loại đậu xanh mỡ, ngâm kỹ. Mỡ lợn là loại mỡ giấy xắt thỏi dài vuông vức góc cạnh. Để bánh có mầu xanh tự nhiên còn phải bỏ một lượng lá “mật lục” vào nồi trước khi nấu. Trong quá trình nấu bánh, phải thay nước ít nhất hai lần để khỏi úa mầu lá. Giữ lửa đều 12 giờ đồng hồ làm cho bánh nhừ, giữ được lâu nên hạt nếp vẫn không “sống” trở lại. Buộc bánh vừa phải, không quá chặt để hơi nóng thấm vào kẽ hở bánh làm mềm nếp.

Vị mềm dẻo của bánh, vị béo bùi của nhụy bánh, cay cay của hành tiêu… tạo nên sức hấp dẫn rất riêng của bánh tét làng Chuồn. Món ăn này giờ không còn nằm gọn trong mâm cỗ của người Huế, mà đã ra các tỉnh và đến thị trường các nước trên thế giới. Người dân làng Chuồn cũng thích ứng khá nhanh khi có sự điều chỉnh để bánh vừa hợp khẩu vị của khách nước ngoài, vừa kéo dài hương vị tết ở quê nhà.


NGUYỄN CÔNG HẬU

Nỗi niềm “Phong slư ”

“Phong slư” là cách gọi của người Tày miền Tây Cao Bằng (cũng là tên phổ biến ở các tỉnh khác như Bắc Cạn, Lạng Sơn...). Ở nhiều huyện miền Đông, người dân gọi là “Fảng lài”. Cả hai phương ngữ đều chung một ý nghĩa: những bức thư tình với giai điệu dạt dào về tình yêu dang dở, bị chia cắt.

Là thể thơ thất ngôn truyền thống, “Phong slư” thường được chia bốn câu thành một khổ. Mỗi bài thơ có thể ngắn nhưng cũng có thể dài cả trang giấy, tùy theo cảm xúc và sự sáng tạo của người viết. Chỉ chắc chắn rằng, “Phong slư” phải là thơ tình yêu, thơ đẹp: “Qua tháng Ba đến mùa làm việc/Ra đồng cả ngày thương nhớ nàng/Ong ve gọi râm ran réo rắt/Tiếng bổng tiếng trầm trên núi non...” (bản dịch của Lê Chí Thanh).

Vì ý nghĩa này, bài “Phong slư” được thể hiện trên giấy hồng điều. Bởi theo người Tày, đó là mầu sắc của tinh túy, là sinh lực của mộc và lửa, thể hiện cho sức sống của tình yêu đôi lứa. Chữ viết trong thơ tình của họ cũng nắn nót, càng cầu kỳ lại càng thể hiện sự chân thành. Giống như nhà nghiên cứu bản địa Hoàng Đức Hiền nhận định: “Dù tình yêu trong “Phong slư” là nỗi buồn của những đôi trai gái không đến được với nhau nhưng ở đó vẫn hàm chứa một sự mong đợi, một niềm hy vọng nơi tình yêu vĩnh cửu”: “Em hờn anh gửi “Phong slư”/lại cười đằm thắm duyên như đang nồng”.

“Phong slư” bày tỏ nỗi nhớ nhung một cách đầy ví von và giàu hình tượng qua câu chữ. Vì thế, nam nữ người Tày “bén duyên” phải tìm đến sự giúp đỡ của những “bậc thầy”. Họ gọi đó là “Slấy sli” - những nhà thơ bình dân “nổi tiếng thời trai trẻ” bởi vốn kiến thức chữ nghĩa và đầy trải nghiệm tinh tế. Chỉ có “Slấy sli” mới đủ khả năng viết ra được những câu từ tuyệt vời, hàm ngôn - khi thì rủ rỉ tâm tình, khi thì hóa thành dòng thác mạnh mẽ, tuôn trào: “Hãy tu thân chờ nhau bên ấy/Dẫu là không lấy được cũng cam/Yêu nhau để khắp mường được thấy/Tiếng thơm sẽ trọn vẹn mai sau” (Bản dịch của Vũ Thúy).

Ngày xưa, “Phong slư” thường để ngâm là chủ yếu. Nhưng ngày nay, bức thư của lứa đôi thông qua “Slấy sli” đã trở thành một loại hình dân ca cộng đồng. Người con trai và người con gái Tày xúng xính trẩy hội có thể giao duyên với nhau bằng “Phong slư”. Phong slư cũng được thưởng thức ở những lễ hội, dịp Tết ngày phiên...

Đề tài của “Phong slư” không còn bó buộc trong tình yêu đôi lứa mà mở rộng hơn là thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, tình yêu đất nước, cội nguồn. Và để được như vậy, ngày qua ngày, các bậc cao niên bản Tày vẫn đang gìn giữ “Phong slư” truyền lại cho con cháu như những hạt thóc giống quý hiếm.

PHONG CHƯƠNG

Tết Hồ Sự Chà

Tết cổ truyền “Hồ Sự Chà” của người Hà Nhì ở các xã Ka Lăng, Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu đến vào dịp tháng 11 âm lịch khi mùa màng đã thu hoạch xong. Tết diễn ra trong khoảng từ ba đến năm ngày tùy từng bản và bắt đầu vào ngày con rồng đầu tiên của tháng.

Theo ông Chu Nhù Tư, Trưởng bản Thu Lũm, dân tộc ông ăn tết cổ truyền thành hai lần, mỗi lần cách nhau 13 ngày bằng một vòng các con giáp. Vòng giáp của người Hà Nhì có thêm con thỏ.

Tết thứ nhất là Tất niên. Bà con mổ lợn và làm bánh dày để cúng tổ tiên. Lợn càng to chứng tỏ năm đó gia chủ làm ăn khấm khá, mùa màng bội thu. Sau khi mổ lợn, gia chủ sẽ lấy lá gan để xem. Người Hà Nhì cho rằng lá gan sẽ cho thấy vận hạn của năm tới. Nếu các lá đều, gan có mầu đỏ sẫm tức là năm tới gia chủ gặp may mắn. Nếu trong lá gan có vết như vết sẹo hoặc có những vết tụ máu đen… tức là năm đó gia đình sẽ có chuyện không may.

Lần ăn tết thứ hai bắt đầu vào ngày con rồng kế tiếp. Khi ấy người Hà Nhì chính thức vào năm mới. Dịp này, bà con chỉ mổ gà và làm bánh trôi để cúng tổ tiên.

Mâm cỗ cúng trong ngày tết của người Hà Nhì có những nông thổ sản do chính bà con sản xuất. Người chủ cúng là người phụ nữ chính trong gia đình. Trong mỗi gia đình người Hà Nhì luôn có hai ban thờ, ban thờ đằng nội được đặt ngay đầu giường ngủ của vợ chồng gia chủ, ban thờ đằng ngoại được đặt trong góc bếp nấu ăn và họ phải cúng cả ở hai ban thờ.

Bữa cơm Tất niên có đầy đủ gia đình con cháu. Trong ngày tết, người Hà Nhì cũng chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, cầu cho nhau gặp nhiều may mắn… Mọi người cũng đến nhà nhau chúc Tết và tiếp đãi nhau bằng những cỗ đầy rượu thịt. Bà con trong các bản thường tập trung ở những khu đất trống của bản chơi cù, hát đối đáp giao duyên, trai gái thì hẹn hò… Tất cả đều xúng xính trong những bộ trang phục đầy mầu sắc.

Bánh dày là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người Hà Nhì.

TRẦN TUẤN