Những ước mơ nối tiếp
Hoàng Xuân Vinh thừa nhận rằng cuộc sống của anh đã có những thay đổi, sau khi trở về từ Olympic với tấm HCV lịch sử, cùng vị thế kỷ lục gia của Thế vận hội. Anh luôn trở thành tâm điểm mỗi khi xuất hiện. Số tiền thưởng lên tới gần sáu tỷ đồng càng khiến Hoàng Xuân Vinh phải “đau đầu nghĩ xem dùng vào việc gì sao cho thật ý nghĩa, có ích với gia đình và cộng đồng”.
Tuy nhận được rất nhiều lời mời đóng quảng cáo, tài trợ… nhưng Xuân Vinh dành sự quan tâm lớn nhất cho công tác từ thiện. Chỉ trong thời gian ngắn, anh cùng HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung đã lập quỹ từ thiện “Vinh quang và sự biết ơn”. Đây là một “chiến dịch” thiện nguyện lớn mà Xuân Vinh ấp ủ nhiều năm, với mong muốn tri ân quê hương đất nước, đặc biệt là vùng đất Quảng Trị - nơi anh sinh ra và lớn lên. Xuân Vinh hy vọng quỹ từ thiện sẽ nhận được sự chung tay, chia lửa của cộng đồng và sức lan tỏa sẽ rộng khắp.
Sau khi đi vào lịch sử thể thao nước nhà, anh vẫn còn rất nhiều ước mơ. “Tôi vẫn luôn ấp ủ mở một trường bắn hiện đại, để người dân có thể tập luyện môn bắn súng. Đó mới là dấu ấn để đời chứ không phải những tấm huy chương. Thành tích tại Olympic sẽ được ghi danh thật sự, khi nó tạo nên những cú huých cho sự phát triển của thể thao nước nhà”, Xuân Vinh chia sẻ.
Dung dị và đáng nể trọng. Trong lòng người hâm mộ, đó là một nhà vô địch đích thực.
Lê Văn Công với niềm tự hào chinh phục đỉnh cao... và giây phút bình yên bên gia đình nhỏ.
Phần thưởng xứng đáng
Nếu như Hoàng Xuân Vinh là một hình ảnh đẹp hoàn hảo, mẫu mực, thì ý chí chiến đấu vượt qua số phận của lực sĩ Lê Văn Công là một tấm gương sáng trong thể thao. Hành trình chinh phục đỉnh cao của đô cử quê Hà Tĩnh thật sự là một cuộc vượt khó thần kỳ.
Đã bốn tháng qua, tấm HCV Paralympic với Văn Công vẫn như một giấc mơ. Chàng lực sĩ nặng chưa đầy 49 kg chia sẻ, đã rất xúc động khi lá cờ Việt Nam được kéo lên ở đấu trường Paralympic. Đó là thời khắc trong mơ từ rất lâu. Trong giây phút tự hào và rất đẹp ấy, Văn Công không quên dành lời cảm ơn tới những người thầy, tới ngành thể thao và người hâm mộ nước nhà. Anh đặc biệt nhớ tới vợ và con – những người đã luôn ở bên cạnh anh lúc khó khăn nhất.
“Con trai lớn của tôi năm nay sáu tuổi, mới vào lớp 1, còn con gái gần hai tuổi. Tôi hứa sẽ đưa con tới trường ngày khai giảng, nhưng đã không làm được vì bận thi đấu. Tôi đã quyết tâm giành huy chương mang về tặng con như một lời xin lỗi và đã thực hiện được” - Văn Công nghẹn ngào kể lại.
Nhận số tiền thưởng kỷ lục lên tới gần một tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau, điều đầu tiên mà Văn Công nghĩ đến là làm từ thiện. Từng trải qua những ngày tháng vất vả, cơ cực do bị teo đôi chân, Văn Công càng thấu hiểu sự thiệt thòi của những người khuyết tật như anh. Chàng trai quê Hà Tĩnh tin rằng dù những đóng góp của mình không nhiều, nhưng đó là tấm lòng, là lời kêu gọi chung tay của cộng đồng với những hoàn cảnh khó khăn.
Người ta vẫn thường nói, trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả. Số phận đã lấy đi đôi chân của Lê Văn Công, nhưng số phận cũng để lại cho anh rất nhiều: Tố chất bẩm sinh của một nhà vô địch, hạnh phúc luôn tràn ngập trong tổ ấm rộn tiếng cười và cả một trái tim nhân hậu.