Lá thư này là lá thư thứ bao nhiêu rồi chị gửi cho em mà cuối thư, lúc nào cũng một câu hỏi về những cây sấu già dọc phố Phan Ðình Phùng có còn không? Vẫn còn chị ạ. Chính em đã nhiều lần đến con phố ấy trong những buổi trưa mùa thu để nhìn lá sấu rụng vàng. Một vẻ đẹp đến u huyền và nao lòng. Và lạ lùng sao, cái mầu vàng lộng lẫy và xôn xao của lá sấu vàng rụng mùa thu đã cuốn em vào một thế giới huyền ảo. Thế giới ấy không phải do trí tưởng tượng. Thế giới ấy chính là Hà Nội đã từng hiển hiện. Một sự thật là: chỉ cần ít phút em rời công sở chứa đầy những mệt mỏi đến dãy phố của những hàng cây ấy là em đã đến được một chốn của Thiên đường.
Nhưng lúc này, cho dù những gì em nói có thể làm chị buồn lòng thì em vẫn phải nói rằng: có không ít những vẻ đẹp làm nên Thăng Long, làm nên Hà Nội của chúng ta đang ngày một rời xa. Những lối đi bí ẩn đến Thiên đường đang bị xóa mất trong biết bao người. Em lo sợ đến một ngày chúng ta sống giữa Hà Nội mà ngập tràn nhớ nhung và tiếc thương Hà Nội. Ðã bao lần, chị viết thư cho em và hỏi: Tại sao người ta lại không có một bản thiết kế cây cho thành phố của mình. Em đồng ý với chị là có rất nhiều người yêu Hà Nội, tìm đến Hà Nội, thương nhớ Hà Nội chỉ vì một con phố mà ở đó trú ngụ một loài cây như một huyền tích: cây sưa, cây sấu, cây hoa sữa... Em vẫn thỉnh thoảng mở bức ảnh 3D do chính tay chị làm về một đại lộ hoa sưa. Ðẹp đến mê sảng chị ạ. Nhưng em đoán chắc rằng nếu chúng ta thực sự đứng trên một đại lộ hoa sưa như thế, chúng ta sẽ bị cuốn vào vẻ đẹp ấy và có khi lạc trong đó hết cả đời mình.
Có một buổi sáng, em ngồi uống cà-phê vỉa hè khi ngọn heo may đầu mùa lùa về thành phố. Và em nhìn thấy một người phụ nữ thôn quê đạp xe chở những đóa cúc vàng đi bán. Lúc đó, em đã thầm gọi chị. Lúc đó, em biết chị là một người thiệt thòi quá lớn khi không được hưởng nhận vẻ đẹp này. Lúc đó, nếu có phép thiêng em sẽ đưa chị về thành phố ngay lập tức để chị được chiêm ngưỡng hình ảnh ấy. Người phụ nữ đạp xe chở những đóa cúc vàng đi giữa một dòng xe máy, xe hơi cuồn cuộn nhưng em hình như không nhìn thấy gì ngoài người phụ nữ và những đóa cúc vàng ấy. Cái đẹp tưởng như chẳng mang lại cho ai một đồng đã nhấn chìm mọi thứ quanh nó. Hình ảnh ấy dựng lên con đường ánh sáng của một vẻ đẹp. Và ánh sáng ấy không bao giờ tắt trong em. Và lúc ấy, em mới thấu hiểu vì sao trong hầu hết những lá thư gửi cho em, lúc nào chị cũng hỏi những cây sấu trên đường Phan Ðình Phùng có còn không. Và cũng đến một ngày em hiểu đó không phải là một câu hỏi, đó là một nỗi sợ hãi. Những cây sấu kia chỉ là một thí dụ cụ thể của những vẻ đẹp bình dị đã làm nên thành phố này như những hồ nước, những đầm sen, những vườn đào, những quán phở, những dãy phố cổ, những tiếng rao đêm, những làng hoa, những sương thu, những bàng đỏ, những ngôi chùa...
Nhưng chị ơi, khi em kể với chị những thứ đó cũng là lúc lòng em hoang mang và lo sợ. Hoang mang và lo sợ đến một ngày Hà Nội không còn những di sản ấy thì chúng ta đi tìm Hà Nội của chúng ta ở chốn nào? Bởi nếu người Hà Nội bây giờ hay mai sau không còn thấy sự quyến rũ và vô giá của những thứ đó thì nghĩa là cái tinh thần, hồn cốt của Hà Nội đã mất đi. Có những người đã bực tức hỏi em rằng nếu cứ luyến tiếc những thứ mơ hồ, lãng mạn và chẳng giúp được gì cơn đói của dạ dày thì bao giờ chúng ta mới có được một thành phố giàu có, văn minh và xứng tầm với các quốc gia khác. Những lúc ấy, em như chết lặng không trả lời họ được. Không phải vì em thất bại trước họ mà vì em thất vọng về họ. Sao họ không nhìn về phương Tây - nước Mỹ, sao họ không nhìn về phương Ðông - nước Nhật. Cả hai dân tộc đó đều trở thành những cường quốc kinh tế và xây dựng được một xã hội văn minh nhưng họ đã nỗ lực với tất cả khả năng để giữ gìn những cái mà nhiều người cho là mơ hồ, là lãng mạn và không cần thiết. Nếu mỗi thành phố, mỗi quốc gia lãng quên hay đánh mất những vẻ đẹp đã làm nên văn hóa của thành phố ấy, của quốc gia ấy thì chính họ đã gián tiếp giết chết những vẻ đẹp đã làm nên văn hóa dân tộc họ!
Có lúc em cười một mình trong đêm khi đọc thư chị và đặc biệt sau mỗi lần em trò chuyện trên mạng in-tơ-nét với chị cả buổi tối để nói về một vườn cây yên tĩnh ngoại ô. Trong khi người ta chặt cây để xây những tòa nhà chọc trời thì chị em mình lại mơ thấy những đại lộ cây lộng lẫy và thương nhớ những cái cây đã biến mất, khi người ta lấp hồ nước để xây những khách sạn thì chị em mình lại chìm vào hương thơm của những đầm sen, khi người ta thi nhau mở các cửa hàng ka-ra-ô-kê thì chúng ta lại thèm nghe một tiếng rao đêm, khi không ít công dân thủ đô mang súng săn lùng những con chim thì chúng ta lại mơ những những bầy chim ngủ rợp các vòm cây thành phố...
Em vẫn mong một ngày chị trở về. Nghĩa là em vẫn tin người Hà Nội sẽ phục sinh những vẻ đẹp đã mất của thành phố. Bây giờ đã sang đông, lá bàng trên một vài phố đang thay màu và rụng xuống. Những cây bàng mỗi ngày một ít đi. Và không hiểu sao, em lại nghĩ những cái cây đang trút những chiếc lá cuối cùng giống như cái vẫy tay từ biệt chúng ta. Chị có biết không, nếu lá thư này được công bố thì sẽ có những người sẽ bực tức nói: đồ gàn dở, quan trọng quái gì mấy cái cây ấy. Nhưng sẽ có không ít người nhận ra những cái vẫy tay buồn bã ấy. Và đó là lý do em lại tin những cái cây sẽ trở về.
Hà Nội, đêm cuối năm.
Em của chị.