Háo hức vào mùa kiệu Tết

|

Trên cánh đồng kiệu truyền thống, nông dân Hòa Vang (Đà Nẵng) đang chăm sóc những luống kiệu. Dù đất nông nghiệp ít dần, hay tuổi đã lớn, nhưng nhiều người vẫn giữ lấy cái “hẹn” trồng kiệu cho vụ mùa Tết.

Nhiều mong đợi ngày thu hoạch

Cuối thu, đầu đông, người nông dân bước ra cánh đồng với cảm giác hào hứng xen lẫn chút lo lắng. Sau mùa lúa thứ hai, mặt đất đã sẵn sàng cho vụ rau cuối năm, một vụ quan trọng, mang theo hy vọng cho những ngày Tết sung túc.

Ông Nguyễn Châu, tổ 8, thôn Thạch Nham Tây (Hòa Nhơn, Hòa Vang) nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn rắn rỏi, gắn bó với ruộng đồng. Như bao nhiêu năm nay, mảnh ruộng gần một sào của ông được hai vợ chồng vun luống gieo kiệu cho vụ đông xuân kịp thu hoạch dịp Tết.

Kiệu được xuống giống từ tháng 8 âm lịch. Sau 1,5 tháng, cây kiệu lớn được gần gang tay thì bắt đầu nhổ cỏ, xới đất đợt đầu. Bàn tay gân guốc của ông Châu tỉ mẩn nhổ từng cây cỏ xem kẽ trong kiệu. Ông nói, chăm sóc giống cây này phải bỏ nhiều công sức, nhổ cỏ bằng tay rồi mới xới đất, nếu không cỏ sẽ mọc lại rất nhanh, ăn hết dinh dưỡng làm cây không thể lớn được. Mảnh ruộng này, đã trải qua bàn tay của ba mẹ, rồi tới lượt ông. Đã bao nhiêu mùa “Tết kiệu”, gắn liền với tuổi thơ ông, rồi tuổi thơ các con, nên “đến hẹn lại lên”, cánh đồng vẫn mọc những nhánh kiệu xanh um. Từng này kiệu, sau khi thu hoạch có thể thu về khoảng 20 triệu đồng, không kể công, chi phí.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi từ xưa đến nay vẫn gọi là “Tết kiệu”, bởi ở đây làm kiệu, ăn Tết cũng kiệu này, mua sắm áo giấy, lo tiên linh ông bà cũng nhờ kiệu này, không có kiệu để bán thì trong nhà sẽ rất khó khăn. Lúc còn nhỏ, mỗi lần thu hoạch, anh em tôi lại háo hức chờ được mẹ mua đồ Tết từ tiền bán kiệu”.

Trên cánh đồng Nam Sơn, các hộ dân xã Hòa Tiến cũng đang vào vụ chăm sóc kiệu. Người dân nơi đây cho hay, từ khoảng năm 1975, những cánh đồng kiệu đã được trồng vào vụ Tết và duy trì đến bây giờ. Kiệu sẽ được chăm sóc 3 lần nhổ cỏ, xới đất, bón phân. Sau 4 tháng, khoảng giữa tháng 12 âm lịch sẽ bắt đầu thu hoạch. Kiệu tươi dịp Tết rất dễ tiêu thụ, giá cũng ổn định, mỗi kg dao động từ 25 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng.

Vợ chồng bà Lê Thị Mùi (thôn Nam Sơn) trồng khoảng 400 m2 trên đất cát từ nhiều năm nay. Cả hai đều làm nông nên mùa trồng kiệu này là một phần thu nhập của gia đình trong dịp cuối năm. “Vùng này đất cát nên mùa khô chỉ trồng các loại cây mè, đậu xanh. Kiệu được trồng một vụ là vào dịp này. Nhiều năm nay kiệu thu hoạch về đều được các hộ, thương lái đến lấy nên không cần mang ra chợ bán. Cũng đủ để gia đình có được kinh phí trang trải mua sắm Tết”, bà Mùi tâm sự.

Giữ giống kiệu đặc sản

Kiệu hương là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hòa Nhơn từ bao năm nay. Vào giai đoạn đất nông nghiệp nhiều, các hộ làm nông ở đây gần như đều trồng kiệu. Giáp Tết, không khí thu hoạch, mua bán tấp nập, hương kiệu cay nồng lan tỏa khắp ngõ.

Với mong muốn kiệu hương quê nhà được tiến xa hơn, cùng với sự hỗ trợ từ UBND xã Hòa Nhơn, chị Nguyễn Thị Bông đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất kiệu hương Hòa Nhơn vào năm 2019. Hiện gia đình chị đang làm theo hướng khép kín, thu mua sản phẩm từ các thành viên trong tổ hợp tác, chế biến thành phẩm cung cấp cho thị trường. Mỗi vụ, chị cũng trồng 0,5 ha kiệu, dự kiến cho thu hoạch khoảng 2,5 tạ kiệu tươi. Có lẽ tháng cuối năm đều là giai đoạn bận rộn nhất của chị cũng như bà con trồng kiệu tại đây. Bên cạnh kiệu tươi, dịp Tết, chị Bông cung ứng ra các sản phẩm: kiệu dầm mắm, kiệu chua ngọt, kiệu sấy, kiệu dầm chay. Riêng sản phẩm “Kiệu hương dầm mắm Hòa Nhơn” của chị đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Khác với các vùng khác, nông dân tại Hòa Nhơn trồng 2 vụ kiệu để chủ động nguồn giống. Tổ hợp tác có 40 hộ dân tham gia sản xuất trên 3 ha đất. Địa phương cũng mở các lớp tập huấn cách chăm sóc cây kiệu đạt năng suất cao, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tổ hợp tác đã có mã số vùng trồng, bảo đảm tính minh bạch về nguồn gốc.

Củ kiệu là món ăn thường trực mà nhà nào cũng có trong dịp Tết. Năm nay, mùa trồng kiệu Tết lại đang bắt đầu. Dù đa số chỉ còn những người lớn tuổi làm nông, nhưng mỗi hộ vẫn giữ ruộng và đến “hẹn” vẫn vun lấy vài luống kiệu, bởi đây là nghề gắn bó cả đời, bởi nhớ đến mùa kiệu Tết. Cảm xúc đó vừa mang tính trông chờ và một phần là động viên, quyết tâm, tuy ngắn nhưng luôn được trân trọng vì nó đem lại niềm hy vọng.

Chị Bông cho hay: “Các sản phẩm về kiệu chủ yếu được tiêu thụ nhiều vào dịp cuối năm, vì vậy vụ này là thu nhập chính của tổ viên. Việc chế biến thành phẩm giúp cho kiệu giữ được lâu hơn và phù hợp nhu cầu người sử dụng, có năm tôi bán ra thị trường 1.000 hũ kiệu trong dịp Tết”.