Là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi NÐ 86, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, NÐ sửa đổi tập trung bổ sung quy định để quản lý chặt hơn nữa vấn đề xe "dù", bến "cóc"… Riêng xe HÐVT, hiện có hiện tượng xe 50 chỗ có tới 50 HÐVT.Thực chất đây là xe chạy tuyến cố định nhưng lách luật bằng cách trên xe in sẵn nhiều HÐVT, khi hành khách lên xe mới ghi tên vào HÐVT. Dự thảo NÐ 86 sửa đổi đã bổ sung quy định HÐVT phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Ðối với mỗi chuyến xe đơn vị KDVT chỉ được ký kết một HÐVT. Xe tám chỗ trở lên, trước khi thực hiện HÐVT phải có thông tin đến Sở GTVT về HÐVT. Trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau. Nhằm chống xe "dù", bến "cóc", doanh nghiệp (DN) không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều người thuê vận tải khác nhau. Bổ sung quy định xe HÐVT được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đỗ theo quy định của UBND các tỉnh. Trong NÐ, thay thế xe HÐVT cũng sẽ cập nhật việc sử dụng HÐVT điện tử. Số lượng xe HÐVT như Grab, Uber… cũng do các địa phương cùng tham gia quy hoạch.
Với xe buýt, tần suất không quá 30 phút/chiếc chỉ phù hợp đô thị lớn, nhưng với các khu vực không đông dân là lãng phí. Vì vậy, NÐ sửa đổi có quy định ủy quyền cho UBND các tỉnh tự tính toán và quy định. Sở GTVT địa phương thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe HÐVT đến UBND xã, phường, thị trấn nơi đơn vị KDVT đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý.
Ðể quản lý xe HÐVT trá hình, trên thực tế chúng ta đã từng có các NÐ 91, NÐ 93 rồi NÐ 86 bổ sung nhiều quy định nhưng vẫn không giải quyết được. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam (Vata) Nguyễn Văn Thanh cho biết, trong lần sửa đổi này, Vata đã gửi bản kiến nghị gồm 23 vấn đề, chỉ cần ban soạn thảo xem xét một vài trong số 23 kiến nghị đó thì những bất cập sẽ được giải quyết ngay. Vata phản đối việc người dân đứng dọc đường bắt xe, nhưng có thể thấy nhiều người không muốn vào bến xe mua vé và xe HÐVT đáp ứng được yêu cầu đó. Với Uber, Grab, đó là việc áp dụng công nghệ cao vào KDVT hết sức văn minh, khách hàng, người dân được lợi… thì không nên hạn chế.
Ðể giải quyết được tận gốc xe HÐVT trá hình, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nên nghiên cứu gọn lại các loại hình vận tải, theo hướng tìm ra những loại hình nào phục vụ được hành khách hằng ngày một tốt hơn, thuận tiện hơn, văn minh hơn thì tạo điều kiện cho phát triển. Cái DN cần là điều kiện kinh doanh bình đẳng. Hạn chế taxi truyền thống thì phải hạn chế Grab, Uber, hạn chế xe vào bến thì phải hạn chế xe HÐVT. Xe chạy tuyến cố định và xe HÐVT phải cạnh tranh chất lượng, dịch vụ, giá cả. Nhà nước cần quản lý được thuế và doanh thu. Nếu vẫn còn hiện tượng trốn lậu thuế, vẫn còn bến "cóc", xe "dù" thì vẫn mãi luẩn quẩn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines, bày tỏ, vấn đề của chúng tôi cũng tương tự như câu chuyện cạnh tranh giữa Uber, Grab và taxi truyền thống. Tuy nhiên, trong khi xe cố định nộp đủ các loại thuế, phí thì xe HÐVT lại lách được rất nhiều, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Chúng ta phải tiến tới liên thông giữa Bộ GTVT, Bộ Tài chính nhằm quản lý doanh thu, bảo đảm các chế độ chính sách, nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Thứ trưởng GTVT Lê Ðình Thọ cho biết, tới đây, Bộ GTVT sẽ phối hợp Bộ Tài chính để quản lý hiệu quả hơn. Không chỉ Uber, Grab mà tất cả loại xe ứng dụng công nghệ đều phải đăng ký kinh doanh. Các cơ quan chức năng không thể tuần tra xử phạt liên tục, nhưng khi phát hiện được các đối tượng này vi phạm, phải xử phạt nặng. Nếu trốn thuế mà bị phát hiện sẽ rút giấy phép ngay. Khi quản lý chặt được về thuế thì bến "cóc", xe "dù" sẽ giảm. Kể cả xe HÐVT, xe buýt muốn đón khách cũng phải đỗ đúng điểm và được giám sát bằng thiết bị giám sát hành trình.