Những gương mặt Tây Nguyên

|

Hình dung thường thấy về con người Tây Nguyên là những chàng trai dũng cảm, phóng khoáng “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” hoặc những cô gái trẻ trung mang nét đẹp mộc mạc, khỏe khoắn… Họ là những hình tượng đại chúng ghim sâu vào công chúng hình ảnh “người Tây Nguyên”. Song, trên mảnh đất cao nguyên hùng vĩ kia, còn có những con người đa dạng, giàu sức sống và mang giá trị biểu đạt mạnh mẽ không kém. Tự thân sự hiện diện của họ đã làm một điểm nhấn thôi thúc những người nơi khác cất bước tìm đến.

Lão nông nghệ sĩ

Lần mò trên một diễn đàn văn hóa, chúng tôi tới buôn Plei Klếch, xã Ngọc Bay (TP Kon Tum), chúng tôi hỏi nhà ông cũng như từ khóa mà chúng tôi tìm trên mạng xã hội về ông: “Nhà A Biu”+ “cồng chiêng”. Những đứa nhỏ bên đường hiểu ngay, tận tình chỉ chỗ cho chúng tôi vào nhà.

A Biu không có nhà, chỉ có vợ ông ra tiếp. Nhà A Biu treo nhiều cồng chiêng các loại. Chúng tôi ngồi vườn, đợi ông. A Biu người Ba Na, có thời gian hoạt động nghệ thuật bán chuyên. Sau ông về làm nông, sưu tập, chơi cồng chiêng, dạy cồng chiêng và sửa cồng chiêng. Cao điểm ông có tới 12 bộ chiêng. Giờ ông còn bảy bộ.

A Biu phi chiếc xe Win đen từ TP Kon Tum về khi hay tin có khách tới. Cũng chẳng cần biết khách là ai, khách từ đâu, A Biu cũng chỉ cần từ khóa “tới nghe chiêng” là tức tốc chạy về.

A Biu kể: “Năm 1974, chú ở Đoàn nghệ thuật Tây Nguyên. Năm ý miền nam có đợt thi hát. Đoàn chú về nhì. Hồi đó vui lắm”.

Theo A Biu, hồi đầu mê chiêng, ông đã từng giấu vợ bán cả bò đi mua chiêng. Nhưng không đủ tiền mua đủ bộ, A Biu phải mua từng chiếc. Song, mua lẻ gặp nhiều chiêng sai tiếng. A Biu đã từng mang cả triệu đồng đi sửa nhưng vẫn không được. Ông theo các thầy sửa chiêng học lỏm rồi tự mày mò. Lúc đầu phải chỉnh bằng cái búa đóng đinh. Sau A Biu gặp được một ông thầy sửa chiêng thích chiếc vòng tay, nên đổi cho A Biu chiếc búa sửa chiêng chuyên dụng của người Lào. Cái búa 100 năm tuổi với nhiều họa tiết li ti khiến A Biu hãnh diện vô cùng.

Hiện tại, ngoài tự chơi chiêng, A Biu cũng tới trường học gần đó dạy cho các em học sinh Ba Na về chiêng. Lắm lúc các em mang chiêng đi dự thi, về chiêng bị hỏng, A Biu lại gò mình nhiều giờ để chỉnh âm cho chuẩn để các em mang dự thi.

A Biu thật thà: “Hồi trước, do ở phố nên chú chẻ cái nan cũng không biết. Mà ở đây, không biết đan lát thì khó cưới vợ lắm cháu ạ. Nhưng cô học cùng chú từ nhỏ nên hiểu chú, thương chú, thương cồng chiêng. Đời chú may cháu ạ!”.

A Biu đánh thử chiêng cho khách phân biệt các cung bậc của tiếng chiêng.

Bác sĩ voi

Ông Đàng Năng Long, người Chăm, ở huyện Lắk (Đắk Lắk) là thế hệ thứ tư trong gia đình nuôi voi. Ông nội ông Long thường cung cấp voi cho Vua Bảo Đại. Cha mẹ ông nuôi voi có tiếng. Họ có quan hệ với vua voi người Mnông trong vùng. Ông Long kể: Trước nhà chú có 16 voi, nhưng con thì chết già, con thì chết tai nạn. Nhắc đến những con bị chết tai nạn, ông nhìn ra ngoài, chẹp và lắc đầu như thể đang tìm cách “dàn xếp” nỗi đau của mình.

Ông thuộc tính từng con. Ông bảo mỗi con voi cũng như người, có tính cách riêng. Phần lớn là do người nài voi tạo ra. Ông thí dụ là nếu nài voi nào thấy thức ăn, thúc con voi đi nhanh, thì từ sau thấy đồ ăn là con voi đó nó cũng vội vàng, háu ăn như thế. Nài voi nào thấy gỗ thì né, thì con voi nó cũng thành ra lười…

Hiện tại, ông Long chỉ còn nuôi chừng dăm con phục vụ hoạt động du lịch. Từng có thời, ông Long sở hữu con voi ngôi sao, nổi tiếng với khả năng huyền thoại thổi ác-mô-ni-ca bài Một con vịt.

Đàn voi Đắk Lắk đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất. Ông Long bảo phối giống voi thành công là một kỳ tích. Có năm có con voi cái có bầu, đẻ xong thì voi con chết. Nhắc lại ông vẫn bần thần. Đàn voi nhà bị cô lập, số lượng con trong đàn ít, chúng nó không đi đâu được, thành ra toàn cận huyết. Khi thì không bầu được, khi thì thoái hóa giống, không phát triển đàn được. Để voi cái mang bầu, ông Long đã phải để voi đực và voi cái trong rừng mấy năm, ngày nào cũng có người ra thăm xem chúng có an toàn không, cần thêm thức ăn không. “Khó lắm! Nhưng để đàn voi không bị tận diệt, để chúng tiếp tục sinh trưởng và phát triển, mình phải làm thôi”, ông Long nói.

Tôi bảo ông, tôi hy vọng một ngày quay lại chốn này, thấy một em voi bé lẫm chẫm đi lại trong sân, đó hẳn là một điều kỳ diệu.

Voi dẫn khách du lịch đi tham quan huyện Lắk.

Nhìn những con voi ăn chuối, chơi đùa dưới dòng nước hồ Lắk và phục vụ khách du lịch, sẽ thật khó hình dung mỗi ngày, thức ăn cho một con voi tốn chừng 500 nghìn đồng. Ông Long nhẩm mỗi sáng thức dậy mất chừng vài triệu tiền thức ăn. Chưa kể những lúc voi bị bệnh, ông Long đã phải thả voi vào rừng rồi theo dõi chúng. Xem con voi chọn cây gì để ăn, để xoa lên vết thương, ông tỉ mẩn lấy mẫu lại, ghi lại. Dần dần, ông trở thành bác sĩ voi trong vùng khi voi có bệnh gì, các chủ voi đều nhờ ông tới xử lý. Mà thật lạ kỳ, những người thầy của ông, là những chú voi. Hiện tại, trong đàn voi của ông cũng có những chú voi bệnh người ta bỏ đi, ông nhận về, chữa lành lặn và chúng lại tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích về việc bảo tồn và phát triển đàn voi nhà.

Đã từng có lời cảnh báo về việc sử dụng voi khai thác du lịch khiến những chú voi nhà kiệt sức. Nhưng để duy trì kinh tế, đấy là bài toán khó, kể cả với một người dày dạn kinh nghiệm như Đàng Năng Long.

Hai con người, hai lát cắt rất nhỏ giữa đại ngàn kỳ vĩ. Nhưng họ mang trong mình những hương thầm, sắc ẩn của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. Họ đi những bước chân lặng thầm giữa những con đường đất bazan nhuộm đỏ dấu chân người. Họ bình tâm làm điều mình cho là đúng. Niềm tin chắc nịch như cây rừng Kon Ka Kinh. Hành động dữ dội tựa con nước Yaly.

Tây Nguyên luôn có những gương mặt giản dị, nhưng càng trò chuyện, càng thấy ngưỡng mộ những cống hiến giản dị của họ cho vùng đất này.