Khó khăn còn đó…
Từ nghịch lý giữa tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu (XK), dẫn đến Việt Nam đang phụ thuộc nhiều hơn nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu (NK) cho chế biến XK nông, lâm, thủy sản. Ðiều này trái ngược xu hướng giảm tại các nước châu Á. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến XK thủy sản (VASEP), trong năm 2016, XK sang các thị trường chính đều gặp khó khăn do thuế chống bán phá giá (CBPG) cao tại Mỹ, tôm NK bị siết chặt kiểm tra tại các thị trường Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản và Australia. Trong quý I-2017, tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam đạt 1,52 tỷ USD. Hiện nhiều khó khăn tác động đến sản xuất, XK thủy sản năm 2017: nguyên liệu giảm, giá tăng; Mỹ áp thuế CBPG của tôm, cá tra cao; Australia, Hàn Quốc, EU… siết chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Áp lực cạnh tranh, thuế CBPG, rào cản kỹ thuật sẽ khiến cho XK tôm sang Mỹ trong năm 2017 không duy trì được tăng trưởng mạnh như năm 2016. Trước những biến động chính trị, đồng euro mất giá, XK thủy sản sang EU khó có thể bứt phá…
Ðối với ngành hàng lúa gạo, theo ông Sergio René Araujo Enciso, chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), XK gạo Việt Nam hiện nay bị cạnh tranh gay gắt từ các nước XK gạo lớn trên thế giới như: Thái-lan, Ấn Ðộ và các nước mới tham gia XK gạo như Campuchia và Myanmar. Ðồng thời, các nước NK gạo truyền thống của Việt Nam đã áp dụng các chính sách hạn chế NK gạo, tăng cường siết chặt NK gạo qua đường biên giới và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt.
Còn theo ông Marion Klaver, Công ty Fresh Studio, trong vài năm gần đây, các nhà XK Việt Nam mở cửa thành công sản phẩm rau quả ở một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm rủi ro. Tuy vậy, với kim ngạch XK được nhận định sẽ đạt 3 tỷ USD trong năm 2017, Việt Nam vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ bé (2%) trên thị trường XK rau quả trị giá hơn 140 tỷ USD của thế giới. Việt Nam chiếm thị phần đáng kể nhất tại Trung Quốc, nhưng có khuynh hướng giảm từ năm 2009 đến nay. Sự đầu tư mạnh mẽ của khu vực tư nhân, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao (CNC), và nhu cầu lớn, đa dạng của thị trường trong nước là thuận lợi đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn điểm yếu, đó là sản xuất phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn non nớt trên thị trường quốc tế. Việt Nam cũng quá yếu về năng lực bảo quản, nên nông sản khó vận chuyển đến các thị trường xa…
Cải thiện chất lượng, mở rộng thị trường
Trong tháng 5-2017, ngành rau quả nổi bật lên trong các tiểu ngành nông sản Việt Nam với kim ngạch XK rau quả cả nước đạt khoảng 344 triệu USD, đưa giá trị XK rau quả trong năm tháng đầu năm nay đạt khoảng 1,38 tỷ USD, tăng 38% so cùng kỳ năm 2016. Tính ra, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoảng 8,2 triệu USD.
Theo TS Nguyễn Hữu Ðạt, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với con số tăng trưởng ấn tượng này, trong năm 2017 ngành rau quả hoàn toàn có thể cán mốc 3 tỷ USD kim ngạch XK đã đề ra. Mặc dù XK sang thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40%), nhưng con số này có giảm so các năm trước đây, cho thấy các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã có sự đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro khi quá phụ thuộc một vài thị trường. Dù kim ngạch XK vào các thị trường khó tính trên chưa lớn, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính giúp tăng uy tín nông sản Việt Nam.
Mặt khác, các DN Việt Nam phải chủ động hơn trong liên kết thực hiện các chương trình quảng bá phù hợp, tham gia và thâm nhập từng bước vào khâu phân phối tại chính thị trường NK để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, DN cần hợp tác với nhà nông, hỗ trợ họ tham gia hợp tác hóa để sản xuất cây ăn quả ở quy mô lớn hơn, tiền đề để nguyên liệu sản xuất ra đồng nhất, có chất lượng, phục vụ cho XK. Hiện mặt hàng rau quả Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ, trong đó có nhiều thị trường đòi hỏi cao về chất lượng như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…
Theo giới chuyên gia, thách thức, khó khăn và đồng thời là sức ép theo chiều hướng phát triển đi lên đối với nông sản Việt Nam là phải có sự cải thiện về chất luợng sản phẩm, nghĩa là phải đồng nhất, ổn định, tốt, có quanh năm và đạt chuẩn VSATTP. Các DNXK rau quả của Việt Nam cần cố gắng tăng lượng XK tại thị trường khó tính, chủ động liên kết thực hiện các chương trình quảng bá, đồng thời các DN cũng nên tham gia và thâm nhập từng bước khâu phân phối tại chính thị trường NK để bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của XK sang các thị trường này.
Theo Phó Vụ trưởng Kinh tế của Văn phòng Quốc hội Lê Văn Bình, giải bài toán tăng trưởng ngành nông nghiệp, cần đầu tư công có chọn lọc, tập trung các hàng hóa - dịch vụ công trọng điểm: cơ sở hạ tầng nông thôn, cảnh báo thời tiết sớm, dịch vụ hành chính, nghiên cứu cơ bản; tập trung nâng cao năng lực và kết nối con người, tổ chức, hệ thống; tăng cường năng lực và tổ chức quản lý rủi ro VSATTP; xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua công nhận và bảo vệ sở hữu trí tuệ trong ngành nông nghiệp; đổi mới quản lý chất lượng và bảo đảm VSATTP dọc chuỗi giá trị, đặc biệt là đầu vào sản xuất nông nghiệp và các đầu mối thương mại nông sản lớn, để lương thực - thực phẩm sạch từ nguồn cung.
Hướng tới nông nghiệp công nghệ cao
Trong mười năm qua, chưa khi nào nông nghiệp rơi vào cảnh khó khăn như năm 2016. Lần đầu, ngành nông nghiệp rơi vào cảnh tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm 2016, năng suất lúa thu - đông không đạt như dự kiến. Sản lượng lúa cả năm chỉ tăng 200.000 tấn so dự báo trước đó, làm giảm sản lượng lúa cả năm 1,5 triệu tấn, giảm 3,3 % so năm 2015. Ðặc biệt, sản lượng lúa năm 2016 của đồng bằng sông Cửu Long, cũng giảm 1,37 triệu tấn…
Nhìn lại năm 2016, tăng trưởng kinh tế đạt 6,21%. Chính phủ nhận diện một trong hai nguyên nhân dẫn đến con số này là do sự sụt giảm của nông nghiệp. Năm 2016, thiên tai gây hậu quả nặng nề, làm thiệt hại lên đến 38,981 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD), tương đương gần 1% GDP, con số cao nhất từ trước tới nay.
"Phi nông bất ổn" là điều mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn nêu ra khi đề cập vấn đề nông nghiệp và năm 2017 được khởi động bằng những hoạt động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển trở lại của ngành nông nghiệp, với quyết tâm cao nhất từ trước đến nay của Chính phủ. Kết quả là những tháng đầu năm 2017, khu vực nông nghiệp tăng mạnh so cùng kỳ năm 2016, quý I tăng 2,03% (cùng kỳ giảm 1,31%); kim ngạch XK nông sản bốn tháng đạt 10,76 tỷ USD, tăng 9,1%. Tình hình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng CNC. Ngày càng có nhiều DN đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học CNC, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương.
Trên thực tế, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả CNC, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia trước mắt và lâu dài… Chính phủ khẳng định, ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, DN nào làm nông nghiệp CNC.
Tuy nhiên, TS Phùng Ðức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn cần cú huých mạnh hơn nữa, với chiến lược bài bản và kiên trì hơn nữa để thật sự trở thành trụ đỡ bền vững cho nền kinh tế.