Ươm mầm thêu trên đất Tây Nguyên

|

Nhiều phụ nữ Dao đỏ di cư từ phía bắc vào huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông mang theo nghề thêu truyền thống đậm bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Nơi đây đã trở thành một “điểm sáng”. 

Nghề cổ ngấm vào máu

Những họa tiết, hoa văn thêu trên những trang phục truyền thống của đồng bào Dao mang nét độc đáo riêng, nó không chỉ góp phần rực rỡ trong các lễ hội của tỉnh mà còn điểm tô thêm nền văn hóa đặc sắc, đa dạng của địa phương này.

Thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông từ lâu được biết đến là nơi có nhóm phụ nữ dân tộc Dao đỏ tự  lập thành một tổ thêu, làm đồ truyền thống của dân tộc mình. Các sản phẩm làm ra vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa đem bán để tăng thu nhập, nhất là gần đây du khách trên hành trình trải nghiệm tuyến du lịch “Trường ca của Lửa và Nước” của Công viên địa chất núi lửa Đắk Nông, tổ thêu truyền thống của chị em phụ nữ Dao đỏ cũng đã trở thành điểm níu chân du khách.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, trên nền vải chàm thô mộc hiện ra nào là chữ vạn mầu đỏ, quả trám mầu vàng cùng mầu xanh của hoa lá, cây cối, chim muông... tinh tế, trang nhã và có ý nghĩa rất lớn mang tính cộng đồng cao của đồng bào dân tộc Dao đỏ lại được hồi sinh, phát triển giữa núi rừng Tây Nguyên, một vùng đất mới. Không phải đến Đắk Nông, bà Triệu Thị Mú, năm nay 68 tuổi, mới cùng nhóm chị em phụ nữ người Dao đỏ lại lập thành tổ thêu. Mà từ rất nhiều năm khi còn trẻ ở quê nhà Tuyên Quang, nghề thêu truyền thống của người Dao đỏ đã được bà Mú giữ gìn và truyền nghề. 

Không chỉ cho con cháu trong gia đình, mà tất thảy người phụ nữ Dao nào thích học thêu, bà đều chỉ dạy tận tình. Mặc dù nay tuổi đã cao, cái tuổi mà mắt chẳng còn có thể xỏ kim thoăn thoắt như ngày còn thiếu nữ đôi mươi, nhưng khi nói về nghề thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình, bà hào hứng kể: “Ngay từ nhỏ đã được mẹ dạy cho cách se chỉ, nhuộm mầu vải rồi thêu thùa, bao giờ cũng bắt đầu từ những công đoạn đơn giản rồi đến phức tạp. Từ việc nhuộm sáp ong đến thêu cái túi nho nhỏ, đến cái mũ, rồi khăn đội đầu rồi sau đó là thêu những bộ quần áo để mặc ở nhà, đi chợ, đến khi thêu được đồ cưới, đồ lễ, chơi hội thì có thể cưới chồng được rồi”.

Có lẽ thế, cho nên ở tuổi lên mười, đôi tay của bà Triệu Thị Mú đã biết nhuộm sáp ong, biết tìm ra cây lá nhuộm chỉ thêu ra mầu xanh, đỏ, trắng, vàng. Ngoài những họa tiết cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ… truyền thống, bà còn lưu giữ và làm sống lại những họa tiết, hoa văn đặc sắc khác của người Dao đỏ. “Tôi rất yêu những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, những họa tiết, hoa văn nó đã in sâu vào trong tâm trí tôi, nên tôi mới có thể truyền lại nghề thêu cho con cháu mình”.

Đang chuyện trò sôi nổi, giọng bà bỗng nhiên chùng xuống: “Nhưng con gái bây giờ ít người còn thích học thêu nữa rồi. Thêu một bộ trang phục cưới cho cô dâu người Dao đỏ ròng rã cả tháng trời bán hơn hai triệu đồng. Đó là còn có người đặt, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được còn buồn hơn nữa. Sợ rồi đến lúc phụ nữ Dao đỏ chẳng còn ai biết thêu là gì”.

Nhóm Phụ nữ Dao đỏ với trang phục truyền thống của mình tự thêu. 

Phục hồi thiết thực

Để giữ gìn nghề thêu thổ cẩm truyền thống, bằng sự tâm huyết, nhiệt tình, bà Triệu Thị Mú cùng những người phụ nữ giỏi nghề ở thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir đang từng ngày truyền dạy nghề thêu thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Bà thổ lộ: “Mỗi dân tộc có những sự đặc sắc riêng cho nên tôi muốn truyền lại nghề cho con cháu để lưu giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nó ở trong máu của tôi rồi”.

Đến nay tất cả con cháu bà và phụ nữ Dao đỏ ở thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đều thêu thành thạo. Nhiều người đã có thể tự tay mình thêu đầy đủ bộ váy cưới của người Dao đỏ như bạn Triệu Thị Lự, sinh năm 2000. Tham gia lớp học thêu từ các mẹ, các chị trong tổ thêu, mất ba tháng, bạn Lự biết thêu những đường cơ bản. Sau một năm, bạn đã thông thạo nghề, từ thêu những sản phẩm đơn giản như khăn, túi cho đến những sản phẩm phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế trên từng đường nét như  những trang phục đồ cưới, dự lễ. Việc tự tay tạo ra những sản phẩm thêu của riêng mình, cho gia đình là sự khởi đầu, thúc đẩy Triệu Thị Lự trong việc giữ nghề thêu trang phục truyền thống của người Dao đỏ.

Trước sự tiện lợi của những cái váy in, dập hoa văn họa tiết bán sẵn, giá thành rẻ, tiện dụng mặc trong sinh hoạt hằng ngày, bà Triệu Thị Chái, một trong thành viên sáng lập tổ thêu lo sợ nghề thêu truyền thống của dân tộc mình sẽ mai một nếu không được bảo tồn, giữ gìn, đặc biệt cho thế hệ mai sau. Bà chia sẻ: “Người Dao, mà nhất là giới trẻ bây giờ, không còn chăm chỉ kiên trì cặm cụi ngồi thêu cả tháng trời để hoàn thành cho mình một bộ đồ truyền thống. Tôi sẽ cố gắng kêu gọi các cháu, trước hết là những phụ nữ trong dòng họ mình để truyền dạy nghề thêu, để sau này không bị mai một nghề thêu truyền thống của dân tộc mình”. Bà Triệu Thị Chái cũng là một trong những người phụ nữ Dao đỏ mang theo và lưu giữ khá nhiều những vật dụng đặc trưng của người Dao đỏ trên vùng đất mới này.

Chị Sàng Thị Cháu chia sẻ: “Trong các phụ nữ của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở đây thì cô Triệu Thị Mú, cô Triệu Thị Chái là người thêu trang phục truyền thống của đồng bào đẹp nhất đấy! Không những vậy, các cô còn truyền dạy cho con cháu mình. Người dân tộc Dao đỏ mình rất hãnh diện khi mặc trên người bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nhiều du khách khi ghé Krông Nô tham quan hang động núi lửa cũng ghé qua tổ thêu để chọn mua cho mình những chiếc túi xinh xắn làm kỷ niệm. Chỉ thế thôi nhưng mọi người vui lắm, chỉ mong nhiều người đến Krông Nô du lịch, thì sản phẩm mình làm ra sẽ tiêu thụ được nhiều hơn”.

Với bạn Triệu Thị Sính, sinh năm 2000, hình ảnh các bà, các mẹ trong tổ thêu ngày ngày miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những bộ trang phục đẹp đã in sâu trong tâm thức. Nên chị không ngần ngại học hỏi cách thêu những hoa văn truyền thống của các nghệ nhân lớn tuổi. Đến nay, chị trở thành một trong những người nối nghiệp nghề thêu truyền thống của đồng bào Dao đỏ nơi đây.

Trưởng Ban tổ chức Lễ hội thổ cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, đồng bào Dao đỏ mang đến đóng góp cho Đắk Nông thêm một nền văn hóa đặc sắc, trong đó có nghề thêu truyền thống. Lễ hội thổ cẩm hằng năm của tỉnh cũng là một cách giới thiệu các sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số đến với mọi người.

Bà Triệu Thị Mú, Triệu Thị Chái đã tìm tòi, sưu tầm và phục dựng lại những hoa văn, họa tiết đã nhạt nhòa trong ký ức bao người. Các bà luôn tâm niệm, còn sức khỏe, còn người thích học là còn truyền dạy cho các bạn trẻ, để hồn cốt văn hóa của dân tộc mình không bị mai một bởi thời gian.