Đảo lộn vì… núi nứt
Chiều thứ sáu ngày 28-9 nhưng quân số giáo viên, học sinh của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tìa Dình (sau đây gọi tắt là Trường tiểu học Tìa Dình), vẫn đủ cả. Trong phòng họp ban giám hiệu, phòng ăn tập thể của học sinh và cả nhà kho... giờ kê thêm bàn ghế thành nơi học tập của tám lớp với gần 200 học sinh. Công năng sân Trường tiểu học Tìa Dình được sử dụng tối đa phục vụ các hoạt động tập thể, sinh hoạt chung của 254 học sinh bán trú diện ăn, ngủ tại trường.
Đưa chúng tôi qua các phòng học bị vặn kèo, nứt nền, sập tường... thầy Hiệu trưởng Ngô Văn Vinh cho biết: Mới ổn định học tập được vài ngày thì toàn trường lại bị xáo trộn. Sinh hoạt và học tập của học sinh bị đảo lộn vì vết nứt chạy từ khe núi Chung Tò Po về trường cứ ngày càng lớn hơn. Chỉ sau một đêm ngày 8 rạng sáng ngày 9-9, mái nhà của tám phòng học khung sắt bị đẩy cong vẹo, các mối hàn bật ra, tường bị nứt nhiều và đổ, nền nhà bị nứt rộng 20-30 cm, sâu từ 1-2 m. Nhà trường đã chủ động tu sửa nhưng không bảo đảm an toàn cho học sinh bởi nguy cơ đổ sập tường và mái ở tám phòng học rất cao.
Đáng lo ngại là từ đó đến nay, mỗi ngày sự dịch chuyển địa chất tại đây vẫn diễn ra thường xuyên, làm nhà cửa tiếp tục xiêu vẹo, đồ đạc dịch chuyển theo. Dừng chân trước cửa phòng học lớp 3A1 cũ, thầy Hiệu trưởng Ngô Văn Vinh, chỉ tay vào cánh cửa lớp học: “Chiều hôm trước chúng em mới sửa được cánh cửa này thì sáng hôm sau đã không thể mở ra được nữa. Đất xoay, đất chuyển thế nào không biết nhưng cứ như có người cầm kìm kéo khóa, ép tường lại. Còn các vì kèo, sà ngang trong lớp thì đua nhau đưa mái ra ngoài tường…”.
Trụ sở của UBND xã và trạm y tế xã cũng đều bị sụt lún làm nứt tường, nứt nền. Trụ sở UBND bị nghiêm trọng hơn. Dù mới được xây dựng kiên cố vậy mà cả tòa nhà làm việc đã bị nghiêng hơn 10 độ, các vết nứt dưới nền, chân tường ngày một lớn hơn. Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mỗi ngày đến làm việc, lãnh đạo xã đều đi một vòng quanh trụ sở kiểm tra hiện trạng để khuyến cáo cán bộ, viên chức tập trung làm việc và đồng thời phải chú ý quan sát những dấu hiệu bất thường để chủ động ứng phó. Ai nấy vừa làm việc vừa lo và đều chuẩn bị tinh thần... tháo chạy, khi nghe tiếng đất chuyển dưới chân.
Trên cùng trục đường trung tâm xã, 41 gia đình ở bản Tìa Dình C (trước đây là bản Tò Po) hiện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cả bản có 44 nhà thì có tới 41 gia đình luôn thấp thỏm, lo lắng ngay cả trong giấc ngủ, bữa ăn. Cuộc sống bị đảo lộn vì nhà cửa xiêu vẹo chực đổ, người dân bản Tìa Dình C chẳng thể yên tâm mà ra ruộng, làm nương. Bà Thào Thị Pà, bản Tìa Dình C, bảo: ở nhà lo sập nhà, đi nương lại lo ở nhà vì còn con cháu, tài sản để ở nhà chứ có đem theo đâu. Người lớn biết nguy mà chạy chứ trẻ con biết chạy đường nào. Dân bản Tò Po sao mà khổ thể, không biết khổ đến bao giờ...?
Gần nhà bà Thào Thị Pà, nhà ông Giàng Giả Lềnh bị nứt, lún nhiều hơn. Cứng rắn hơn bà Pà, ông Giàng Giả Lềnh không than, không khóc mà cặm cụi lấy vữa nhét vào những vết nứt chạy ngang dọc nền nhà. Vừa làm ông Lềnh vừa thủng thẳng nói: Nó nứt thì chít lại để con rắn, con chuột đỡ vào. Khi nào mưa to nhà tôi lại sơ tán sang ở nhờ hàng xóm. Đành vậy, chứ biết làm sao?”.
Sụt lún được “báo trước”
Tìm hiểu thực trạng sụt lún ở trung tâm xã Tìa Dình, chúng tôi được biết vết nứt từ núi Chung Tò Po (nghĩa là núi sạt lở) kéo về trung tâm xã Tìa Dình đã nhiều năm rồi, song càng gần đây vết nứt lại thêm dài, thêm rộng và thêm sâu.
Ông Giàng Tráng Lồng, Bí thư Đảng ủy xã Tìa Dình chậm rãi kể về lịch sử bản sạt lở Tò Po dưới chân của ngọn núi cùng tên mang cái nghĩa sạt lở luôn ám ảnh người dân nơi này. Chuyện rằng, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi thấy bãi màu dưới chân núi Chung Tò Po bằng phẳng, rộng rãi thì gần chục hộ dân ở bản Tìa Dình đã rủ nhau đến dựng nhà. Ban đầu chỉ có mấy gia đình trẻ tách hộ ra ở riêng, vừa dựng nhà vừa làm nương ngô, nương sắn. Sau rồi người cùng bản, anh em họ hàng cũng chuyển về ở cùng dưới chân núi Chung Tò Po, đến năm 1964 thì bản Tò Po chính thức được thành lập với hơn 20 gia đình. Cuộc sống tuy không sung túc nhưng người bản Tò Po chẳng mấy khi phải ăn vay đận tháng ba ngày tám.
Thời gian lặng lẽ trôi. 15 năm sau ngày thành lập bản (tháng 7-1979), bất ngờ xuất hiện dòng nước khổng lồ từ đỉnh núi Chung Tò Po dội về làm ngập gần hết bản, người bản Tò Po bắt đầu thấy bất an. Gần một tháng sau nước mới rút hết, các vết nứt từ núi cũng chạy về chằng chịt như rắn bò giữa bản. Nhìn cảnh bản Tò Po tiêu điều, người Tò Po bơ phờ vì lo lắng, người già trong bản Tò Po đã nghĩ “không lẽ, tên “núi sạt lở” giờ là “điềm báo ứng” với người bản Tò Po?”. Sau đó, chẳng ai bảo ai mà 100% gia đình trong bản Tò Po khăn gói trở lại bản Tìa Dình để tìm lại nơi nương náu bình yên. Cái tên bản Tò Po không còn từ ngày đó.
Thế rồi, ngày 24-11-2008 sự kiện chia tách, lập thêm bản mới ở huyện Điện Biên Đông lại một lần nữa gợi lên trong tâm trí người già về bản nhỏ Tò Po trong quá khứ chưa xa. Trong con mắt của các nhà quản lý cấp huyện, nền đất của bản Tò Po cũ được ví như “đất vàng” ở nơi núi non trùng điệp, cho nên người ta quyết định chia tách bản Tìa Dình A và Tìa Dình B để thành lập bản Tìa Dình C. Ngày công bố Quyết định 1743/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh, về việc thành lập bản Tìa Dình C với 28 hộ, 183 khẩu, nhiều bậc cao niên nén tiếng thở dài bởi nỗi lo bản sạt lở trong ký ức chưa xa...
Từ đó mỗi năm vết nứt lại rộng thêm dài, thêm rồi đến đầu tháng 9 năm nay thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà dân, trường học, trụ sở các cơ quan trong xã. Nói về thực trạng này, ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, cho biết thêm: Có nhiều vết nứt dài với chiều rộng từ 20-30 cm, chỗ rộng đến 50 cm; sâu từ 1,5-2 m; chiều dài của vết nứt khoảng hơn 1.000 m. Nhiều ngôi nhà của người dân bản Tìa Dình C ở gần vết nứt từ núi Chung Tò Po kéo về đã bị nghiêng ra ngoài 1,5 độ. Khả năng sạt lở từ vết nứt trên núi là rất cao; người dân thật sự bất an và lo lắng, chỉ mong chính quyền các cấp, các ngành và UBND tỉnh sớm có quyết định chuyển dân đến nơi an toàn.
Trò chuyện thêm với ông Giàng Tráng Lồng chúng tôi hiểu hơn về diễn biến của tình trạng sụt lún ở Tìa Dình trong những năm qua. Đó là thực trạng “thấy trước” mà không tránh trước để bây giờ sụt lún đang ngày càng hiểm nguy. Và điều khó hiểu ở đây là câu hỏi, vì sao “biết trước” thực trạng ấy mà khi khảo sát để lập bản, chính quyền địa phương không tham khảo ý kiến người dân để tìm hiểu kỹ hơn về địa chất nơi đây…?
Ngay khi nhận tin từ cơ sở, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo, lãnh đạo UBND huyện Điện Biên Đông đã tức tốc về Tìa Dình kiểm tra hiện trạng. Trong khả năng có thể và thẩm quyền cho phép, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông Bùi Ngọc La đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án huyện cùng các phòng, ban chuyên môn khẩn trương dựng tám phòng học tạm tại sân Trường tiểu học Tìa Dình để bảo đảm an toàn cho học sinh. Theo chỉ đạo của huyện, những ngày này các thầy, cô giáo Trường tiểu học Tìa Dình luôn “trực chiến” đủ 100% quân số để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sụt lún nghiêm trọng, vì an toàn cho 254 học sinh ăn ngủ tại trường đang thật sự là nỗi lo chung. Còn với người dân, dù rất quan tâm lo lắng nhưng lãnh đạo huyện không thể tự mình quyết định chuyển dân đi. Bởi đi đâu, đi bằng cách nào và kinh phí ở đâu... là vấn đề quan trọng mà xã thì không có, huyện lại không đủ khả năng…