Đào tạo nhân lực để không lỡ nhịp công nghiệp bán dẫn

|

Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2045 dự kiến sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 8 này với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân.

PGS, TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia đã bắt tay để đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, đặc biệt, Malaysia đã có kế hoạch đào tạo 60.000 kỹ sư bán dẫn trong nước có tay nghề cao để giúp nước này đạt được tham vọng trở thành trung tâm chip toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nếu vẫn cứ chờ đợi có thể lỡ mất cơ hội.

Mục tiêu 50.000 kỹ sư, cử nhân bán dẫn có khả thi?

Một trong những vấn đề còn gây tranh cãi trong thời gian vừa qua là mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân của Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2045 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì. Theo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, mỗi năm hệ thống đào tạo của Việt Nam cho ra đời khoảng 1.400 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành bán dẫn, để tới năm 2030 có ít nhất 50.000 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành bán dẫn, thì năng lực hệ thống đào tạo của Việt Nam phải tăng tức thì lên từ 7-10 lần. Đây là bài toán bất khả thi, trong điều kiện thực tế của hệ thống giáo dục đại học hiện nay.

Tuy nhiên, trong một hội thảo về nhân lực cho ngành bán dẫn mới đây, PGS, TS Vũ Hải Quân cho rằng, Malaysia quyết tâm với mục tiêu nhân lực rất lớn trong khi dân số nước bạn ít hơn dân số nước ta. Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân của Việt Nam không phải theo cầu của thị trường mà chính từ nguồn cung này có thể tạo ra cầu. Ông Quân giải thích: “Nếu như trong số những người được đào tạo ra, chỉ cần số ít thành đạt mở công ty khởi nghiệp về bán dẫn thì có thể tạo ra nhu cầu không chỉ là 50.000 mà có khi lên đến cả trăm nghìn. Nhân lực ở đây không phải đi theo hàm tuyến tính mà là hàm phi tuyến”.

Cũng theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Việt Nam đào tạo nhân lực bán dẫn không chỉ để phục vụ nhu cầu của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, mà còn là có thể cung ứng cho thế giới. Trong bối cảnh nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để nắm bắt.

Còn theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao.

Tại Việt Nam, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện thực hóa mục tiêu

Để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nhân lực bán dẫn cho Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, việc hợp tác giữa 3 nhà, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường có ý nghĩa quyết định.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, các trường đại học đã tích cực tham gia ngành bán dẫn. Hiện tại, FPT đã bắt đầu đào tạo các khóa ngắn hạn, cao đẳng đến đại học. Doanh nghiệp tìm kiếm sự hợp tác đến từ mọi đối tác ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… để đẩy nhanh quá trình đào tạo với cam kết đào tạo 10.000 nhân sự cho nước nhà. “CEO Nvidia từng nói với tôi, nếu Việt Nam chuyển đổi 1 triệu nhân sự công nghệ thông tin sang làm bán dẫn, thì Việt Nam sẽ bước vào nhóm các quốc gia tiên tiến nhất”, ông Bình cho biết.

Còn PGS, TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh, công nghiệp bán dẫn là một hệ sinh thái đa ngành. Việt Nam không nên đầu tư vào khâu sản xuất bởi chi phí rất tốn kém mà nên lựa chọn khâu thiết kế. Điều này đồng nghĩa có những đòi hỏi rất cao đối với đội ngũ nhân lực, sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Chia sẻ câu chuyện thực tế tại địa phương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, TP Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 550 kỹ sư. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.

Trong khi đó, Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Trong đó, 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử. Vì vậy, Đà Nẵng quyết định xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở là nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại thành phố, đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang có quan hệ hợp tác, đầu tư.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nước (bao gồm các cơ quan trung ương và địa phương) - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, mỗi năm có thể đào tạo khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm sẽ có thể đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng.

Đến năm 2030, cả nước có thể đào tạo được ít nhất là 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Điều này cho thấy mục tiêu đến năm 2030 chúng ta sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn là khả thi.