(Tiếp theo và hết)
Trong 27 năm kể từ ngày thành lập (năm 1997), 28 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Những mất mát ấy cho thấy tính manh động của tội phạm ma túy, sự khốc liệt trong công tác đấu tranh, phòng và chống lại loại hình tội phạm này. Và với những khó khăn vô vàn trước mắt, công tác phòng, chống ma túy cần thiết phải có quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia ủng hộ của toàn xã hội. Nó không còn đơn thuần là cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ trang với tội phạm liên quan ma túy.
Khốc liệt trong đấu tranh với sự biến hóa của tội phạm
Gặp chúng tôi tại trụ sở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trung tướng Cục trưởng Nguyễn Văn Viện giản dị và dễ gần. Khác với mường tượng ban đầu về cuộc gặp, vị Trung tướng vốn đã từng có thời gian dài gắn bó với công tác phòng, chống loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này từ cơ sở lại không nói nhiều về sự khó khăn, gian khổ mà mình đã trải qua trong quá trình công tác. Cuộc nói chuyện sáng 5/11/2024 ấy bắt đầu từ những hy sinh…
Nhìn vào con số 28 liệt sĩ, chưa kể thương binh của lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy sau 27 năm thành lập Cục, có thể hiểu ra một thực tế, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, thì trình độ của tội phạm, nhất là tội phạm ma túy cũng tăng lên tương ứng, sự manh động của chúng cũng ngày thêm quyết liệt.
Cùng với sự tích cực đấu tranh của cơ quan chức năng, nhìn vào số lượng các vụ án đã triệt phá vài năm gần đây, có thể thấy rằng thay vì những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy nhỏ, lẻ thì giờ đây các đối tượng đã tổ chức thành những đường dây có mối liên hệ rộng, liên kết chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi hơn trước rất nhiều.
Đơn cử như vụ án liên quan tới trùm ma túy Vũ Hoàng Oanh (Oanh “Hà”), khi cơ quan chức năng phát hiện các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở một số tỉnh phía nam và khu vực Hải Phòng, Hà Nội và tiến hành lập chuyên án đấu tranh, trong quá trình bắt giữ, khai thác một số đối tượng thì chỉ biết rằng, kẻ cầm đầu thường xuyên chỉ đạo đường dây bằng số điện thoại có mã vùng từ Mỹ. Đối tượng ấy ban đầu được cho là một nhân vật ở Colombia.
Sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, khi cả đường dây được cơ quan chức năng bóc gỡ, chân dung nhân vật được dựng lên lại là bà trùm vốn đã quá quen với lực lượng phòng, chống ma túy của chúng ta. Bằng sự phối hợp nhịp nhàng và quyết liệt, lực lượng phòng, chống ma túy của ta đã buộc “bà trùm” Vũ Hoàng Oanh phải tra tay vào còng tại Campuchia vào một ngày cuối tháng 9/2022. Tại chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về Việt Nam do Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh Hà) cầm đầu, cơ quan chức năng đã khởi tố 38 bị can về các tội danh mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Kết thúc điều tra, ngày 19/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận điều tra đề nghị truy tố 35 bị can (1 bị can chết, 2 truy nã). Tổng số lượng thu giữ 166,14 kg ma túy các loại, chứng minh đường dây tội phạm ma túy do Vũ Hoàng Oanh cầm đầu đã vận chuyển trái phép 1,6 tấn ma túy từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và vận chuyển ra nước ngoài tiêu thụ.
Kết quả khám phá chuyên án trên đã tạo thêm niềm tin trong phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy với lực lượng chức năng của Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, chặn được nguồn ma túy đặc biệt lớn từ Campuchia qua các tỉnh tuyến biên giới Tây Nam về Việt Nam, góp phần bảo đảm tình hình an ninh - trật tự khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam nói riêng cũng như địa bàn cả nước nói chung.
Chủ mưu người nước ngoài từng là cảnh sát
Chuyên án triệt phá đường dây Kim Soon Sik cùng đồng phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai năm 2020 là một trong số những chuyên án khá đặc biệt.
Ngày 19/7/2020, tại Tân Cảng Cát Lái, phường Cát Lái, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Viện đã trực tiếp chỉ đạo công tác khám xét khẩn cấp container đã kẹp chì, làm thủ tục thông quan để vận chuyển bằng đường biển đi Hàn Quốc. Quá trình khám xét đã phát hiện, thu giữ 39 kg ma túy tổng hợp được cất giấu trong khối đá granit nặng 2,8 tấn, tổng cộng có 10 khối đá nặng 28 tấn.
Chuyên án đã bóc gỡ, khởi tố 24 bị can về tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức, tổng số thu giữ 168 kg ma túy các loại. Trong đó có đối tượng Kim Soon Sik là đối tượng chủ mưu cầm đầu đã từng công tác trong lực lượng Cảnh sát Hàn Quốc 20 năm. Việc đấu tranh khai thác rất khó khăn, tuy nhiên, sau khi đã gặp trực tiếp Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, kết hợp đấu tranh khai thác với động viên đối tượng, Kim Soon Sik đã khai nhận toàn bộ về đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi Hàn Quốc.
Từ ngày 1/6/2020 đến tháng 6/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương phát hiện, đấu tranh, khám phá 103.383 vụ, 158.744 đối tượng, vật chứng thu giữ: 2.644,83 kg (hơn 2,6 tấn) heroin; 11.996,7 kg (gần 12 tấn) ma túy tổng hợp, 9.986.827 viên (hơn 9,9 triệu viên) ma túy tổng hợp các loại; 2.854,02 (hơn 2,8 tấn) cần sa và nhiều vật chứng có liên quan. Riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khởi tố mới: 51 vụ, 294 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố: 50 vụ, 238 bị can và bắt, vận động đầu thú, thanh loại: 48 đối tượng truy nã về ma túy.
Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại…
Trong số các loại hình tội phạm, có lẽ các đối tượng phạm các tội liên quan tới ma túy được coi là dạng đối tượng manh động nhất. Cũng bởi tính chất nghiêm trọng của loại hình tội phạm này, nên những cán bộ, chiến sĩ công tác trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm ma túy luôn khiến cho người thân, gia đình và bạn bè cảm thấy “bất an” mỗi khi các anh lên đường làm nhiệm vụ. Nhưng, vượt qua sự “bất an” mang tính chất cá nhân ấy, chấp nhận đối mặt với những khó khăn, gian khổ và thậm chí là cả những hy sinh về của cải, vật chất và tính mạng mỗi người, những cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy luôn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để mang lại sự bình an cho cộng đồng, xã hội.
Trở lại câu chuyện với Trung tướng Nguyễn Văn Viện, khi được hỏi về những tâm sự trong quá trình đánh án và những phận người có liên quan ma túy, ánh mắt của vị lãnh đạo cục nghiệp vụ chống ma túy chợt thoáng buồn: “Với mỗi lĩnh vực đấu tranh, chúng ta đều có những chiến công, nhưng với lực lượng này, cũng có nhiều tổn thất”.
“Mình phải đấu tranh với những đối tượng đặc biệt nguy hiểm, mà những việc đấy thường thì có ai khoe, có ai đi kể rằng tôi đã bắt được bao nhiêu người ?!”,
“Trước đây, khi ma túy chủ yếu là thuốc phiện, heroin hay hồng phiến thì bà con các dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc thường tham gia vận chuyển, xách thuê lấy tiền công. Hình phạt khi ấy là 100 gram đã nằm trong khung án tử hình, mà ngày ấy chủ yếu bắt vận chuyển. Đồng bào dân tộc thiểu số thì vốn đã khó khăn, nhận thức pháp luật còn thấp lắm, người ta chỉ biết kiếm tiền… Ở thời điểm này, quyết tâm của lực lượng là phải bắt cho bằng được đối tượng cầm đầu. Phải tìm hiểu ngọn ngành, triệt phá tận nơi sản xuất…”.
Tới những năm gần đây, người nghiện ngày càng trẻ hóa, ma túy mới các loại xuất hiện ngày càng nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng xã hội. Nó không còn là nguy cơ tiềm tàng đối với thế hệ tương lai mà đang ảnh hưởng trực tiếp tới giới trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Và việc ngăn chặn mối nguy hại này, “một Cục Cảnh sát đâu có thể làm nổi. Nó cần phải có sự tham gia tích cực của nhiều ngành, nhiều đoàn thể trên nhiều lĩnh vực…”.
Ở cương vị là Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, có lẽ Trung tướng Nguyễn Văn Viện hiểu hơn ai hết rằng việc phối hợp cùng với các ban, ngành, các cơ quan chức năng địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ tạo bước chuyển biến rõ rệt trên từng mặt công tác là điều cần thiết. Rõ ràng, việc tham gia vận động, tuyên truyền tới giới trẻ, những người có nguy cơ trở thành đối tượng xâm nhập của ma túy dạng mới cần phải có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan khác (cơ quan đoàn thể, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…) chứ không thể chỉ là nhiệm vụ của cơ quan công an.
Không chỉ là thực hiện công tác đấu tranh, việc hoàn thành nhiệm vụ tham mưu hướng dẫn; tổ chức thực hiện; trực tiếp chiến đấu; hợp tác quốc tế; xây dựng lực lượng và bảo đảm hậu cần phục vụ chiến đấu, góp phần từng bước kiềm chế được tình hình phức tạp về ma túy, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát ma túy thẩm lậu vào nước ta, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội của đất nước còn là nhiệm vụ mà lực lượng này phải thực hiện và thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện trong tình hình thế giới biến đổi nhanh, khó lường. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng của ta với các tổ chức thế giới và cơ chế hợp tác song phương với nhiều quốc gia sẽ trở thành mũi nhọn trong quá trình đấu tranh ở thời kỳ mới.
Tiêu chí giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy rõ ràng là yêu cầu cấp thiết, cần sự đồng tâm nhất trí và tích cực tham gia của toàn thể cộng đồng, xã hội.
Chống tội phạm ma túy trong tình hình mới (kỳ 2)
Chống tội phạm ma túy trong tình hình mới (kỳ 1)