Mùa gặt xanh dưới mặt nước biển (Kỳ 1)

|

Rong tảo biển không chỉ là thực phẩm cho người, còn làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, sợi, công nghiệp bao bì thân thiện. Trong bài viết này, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc về tiềm năng của ngành nuôi trồng rong biển của Việt Nam. Nước ta có bờ biển dài, nhiều đầm phá và hải đảo có thể trồng được 800 loài rong tảo, diện tích nuôi trồng có thể đạt 900 nghìn ha, sản lượng có thể đạt khoảng 5 triệu tấn mỗi năm, tạo ra nhiều việc làm. Theo đó, chúng ta có những mùa gặt xanh dưới mặt nước.


Kỳ 1: Tiềm năng vẫn còn để ngỏ

Nhìn sang ngành yến sào, trước kia chỉ có ở một vài tỉnh, thành phố khai thác trên vách đá nhưng đến nay đã có 50 tỉnh, thành phố nuôi được chim yến (từ miền khí hậu lạnh mùa đông như tỉnh Thanh Hóa đến vùng đất đỏ Tây Nguyên). Người dân đã làm giàu từ yến. Vậy, vì sao, ngành trồng trọt rong rêu vẫn chỉ mới được thí điểm ở vài địa phương mà chưa nhân rộng ra nhiều địa phương có biển và đầm phá.

Trồng trọt trong nước biển

Lùi thời gian, rong sụn được di giống trồng thử nghiệm Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam, Ninh Thuận) từ năm 1993 và đã thích nghi tốt, phát triển mạnh. Từ năm 1995 đến 2001, nghề trồng rong sụn ở biển Sơn Hải đã phát triển diện tích lên khoảng 15 ha. Theo tính toán của người dân, họ thu được khoảng 35-40 tấn rong tươi trên diện tích 5.000 m², thu nhập dao động từ 100 triệu đồng (lúc bấy giờ) trở lên. Tuy nhiên, do sự bồi lắng ô nhiễm từ các hoạt động nuôi tôm, việc trồng rong tại đây gặp nhiều trở ngại, các hộ dân đã phải chuyển sang trồng ở vùng nước sâu ven biển vào năm 2002.

Diện tích trồng rong vùng nước sâu tăng nhanh, từ vài hecta xa bờ ban đầu lên hơn 150 ha vào năm 2005. Nhờ vào đó, người dân Sơn Hải đã có một mùa thu hoạch bội thu từ làm nông nghiệp dưới mặt nước, tổng sản lượng đạt được 700 tấn rong khô, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình.

Ông Trần Văn Thường, một người trồng rong lâu năm ở Sơn Hải, cho hay: “Nghề đánh cá thật sự hên xui. Chúng tôi vui vì trồng trọt rong biển thay thế, có thu nhập ổn định. Cùng trồng trọt, chúng tôi đoàn kết với nhau để bảo vệ thành quả của mình. Trồng rong biển giúp chúng tôi tính toán đúng hơn về thu nhập”.

Ngày đó, ngoài việc chăm sóc, người trồng còn phải thực hiện công việc nhân giống rong. Bà Huỳnh Thị Mận, trú tại xã Phước Dinh, người có nhiều kinh nghiệm trồng rong, cho biết: “Sau khi mua giống từ các nơi, chúng tôi sẽ phân chia và buộc chặt cây giống vào giàn dây dưới nước để theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Rong sụn có thể đạt trọng lượng hơn 3 kg mỗi cụm và thu hoạch sau khoảng 3-4 tháng nuôi. Ngoài số lượng rong bán, chúng tôi học cách nhân giống từ rong của nhà mình”.

Việc trồng rong sụn không chỉ đòi hỏi sự chăm sóc liên tục mà còn thay đổi cả lối sống của người dân. Nhiều gia đình đã chuyển ra sống hẳn trên bờ biển để tiện trông coi “thửa ruộng” mà họ đã cấy vào đó những mầm giống. Từ bao đời đánh bắt cá tôm ven bờ, nay chuyển sang trồng trọt họ cảm nhận sự ổn định kinh tế hơn nhiều.

Theo Viện Nghiên cứu và ứng dụng nuôi trồng thủy sản từ Đại học Nha Trang, tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 98 loài rong biển bản địa, với tổng diện tích phân bố khoảng 632 ha và trữ lượng ước tính khoảng 700 nghìn tấn rong tươi.

Ở nhiều khu vực như Khánh Hội, Mỹ Hiệp, Cà Ná, vịnh Vĩnh Hy và Đầm Nại, các phương thức trồng rong phổ biến bao gồm dây đơn căng theo chiều đứng từ đáy móc vào dàn nổi có phao, bên cạnh đó là trồng rong trong lồng lưới. Mặc dù dàn nổi có phao là hình thức phổ biến nhất do chi phí thấp, nhưng phương pháp này lại gặp nhiều rủi ro từ sóng biển và các loài cá ăn rong. Ngược lại, trồng trong lồng lưới tuy tốn kém nhưng an toàn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong giai đoạn 2010-2015, nghề trồng rong sụn ở Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân ven biển.

Trồng rong sụn tại Quảng Ninh với kết quả tốt.

Không phải tất cả đều theo đường thẳng

Ninh Thuận nằm trong vùng nước trồi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nguồn lợi hải sản và rong biển, bao gồm cả các loài rong lục, rong nâu và rong đỏ. Tại Ninh Thuận có một nhà máy chế biến rong sụn là Công ty CP Rau câu Sơn Hải, với công suất khoảng 3.000 tấn rong khô/năm. Tuy nhiên, do nguồn cung rong sụn trong tỉnh không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, công ty buộc phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh khác hoặc nước ngoài, khiến việc hình thành chuỗi liên kết về rong biển tại Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, người dân chưa chủ động được nguồn giống rong, dẫn đến chất lượng và sản lượng rong nuôi không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ.

Mặc dù có tiềm năng lớn trong phát triển ngành rong biển, Ninh Thuận hiện chưa có chính sách cụ thể hay quy hoạch dài hạn cho việc phát triển lĩnh vực này. Thống kê về trồng rong tảo của tỉnh Ninh Thuận năm 2013, diện tích là 206 ha, sản lượng đạt 3.900 tấn và giảm dần, đến năm 2021 diện tích chỉ còn 10 ha, sản lượng 140 tấn.

Về giống, rong nho biển đang nuôi trồng hiện nay tại Khánh Hòa có nguồn gốc từ Philippines đã được nghiên cứu và trồng thành công tại xã Ninh Ích (Ninh Hòa, Khánh Hòa), từ năm 2004. Sản phẩm rong nho tại đây được đánh giá cao về chất lượng, vượt trội so với các sản phẩm tương tự từ Nhật Bản.

Năm 2006, Viện Hải dương học Nha Trang triển khai trồng rong nho bằng phương pháp sinh sản sinh dưỡng, đạt kết quả khả quan. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng đề án cung cấp rong nho tươi cho bộ đội hải quân tại Trường Sa. Rong nho biển Khánh Hòa đã góp mặt trong thực đơn của các nhà hàng cao cấp tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, hứa hẹn trở thành thực phẩm phổ biến trong tương lai của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam. Khánh Hòa có diện tích tiềm năng trồng rong nho khoảng 400 ha, hiện tỉnh mới trồng được khoảng 100 ha, năng suất từ 10-20 tấn/ha/năm.

Năm 2021, Super Trường Phát kết hợp với Hợp tác xã Vân Đồn, đã thử nghiệm nuôi rong sụn tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long (Vân Đồn, Quảng Ninh), tại đây, rong sụn sau 5 tháng trồng, phát triển mạnh với chất lượng đạt chuẩn, đủ điều kiện chế biến và xuất khẩu.

Việc nuôi rong sụn tại Quảng Ninh đã ghi nhận thành công bước đầu khi chi phí đầu tư thấp hơn so đầu tư nuôi các loài thủy, hải sản khác. Vụ mùa rong kéo dài 3-5 tháng và có thể trồng quanh năm ở môi trường nước tốt. Đặc biệt, rong sụn được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc với giá trị cao. Hiện, giá thu mua trên thị trường khoảng 100 nghìn đồng/kg tươi, giúp hộ nuôi trồng thu hồi vốn chỉ sau khoảng 2 năm. Mô hình này hứa hẹn mở ra tiềm năng kinh tế lớn cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tạo nguồn thu ổn định.

Trở lại câu chuyện trồng rong, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Ninh Thuận cần có sự quan tâm và đầu tư từ các cơ quan chức năng để quy hoạch và phát triển bền vững ngành rong biển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp địa phương phát huy tối đa tiềm năng? Thế nhưng, đây là câu hỏi cất cặp vì ngoài khơi đã có điện gió, ven bờ đối mặt với ô nhiễm môi trường. Tỉnh Ninh Thuận chưa có ban hành chính sách riêng cho việc phát triển rong biển và chưa có sự ưu tiên phát triển lĩnh vực này.