Kỳ 1: Tiếp lửa cho thanh niên khởi nghiệp
Lập thân, lập nghiệp là khát khao tươi đẹp của tuổi trẻ nhưng ở mảnh đất đi lên từ gian khó như Mộc Châu, nó còn là sự tiếp nối truyền thống cách mạng, lý tưởng của thanh niên Việt Nam qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều đoàn viên thanh niên đã tiên phong đưa những ý tưởng mới vào sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển.
Hồi sinh từ sức trẻ
Ngày 8/5/1959, trong chuyến đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu, Bác Hồ đã ân cần dặn dò: “Mộc Châu là cửa ngõ của Tây Bắc, vì vậy Mộc Châu phải phấn đấu xây dựng để phát triển hơn nữa. Muốn vậy, cán bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu phải đoàn kết, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và chăm lo sức khỏe nhân dân...”; “xây dựng bản, mường sạch sẽ”. Sau chuyến đi này, theo lời hiệu triệu của Bác, hàng nghìn chiến sĩ bộ đội, thanh niên đã lên với Tây Bắc, trong đó có Mộc Châu để xây dựng kinh tế mới.
Những ngày tháng 5, trong cơn mưa đầu hạ, chúng tôi gặp gỡ ông Phùng Văn Khởi (quê Thạch Thất, Hà Nội) - một trong những thanh niên năm xưa theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ lên xây dựng Nông trường Mộc Châu. “Ngày đó, nơi đây chỉ có mía và bạt ngàn lau sậy, cuộc sống vô cùng gian khó. Theo lời kêu gọi của Đảng và Bác kính yêu, thế hệ thanh niên chúng tôi đã lên đường lấy nông trường làm nhà, lấy Tây Bắc làm quê hương, chung sức cùng đồng bào các dân tộc Mộc Châu xây dựng kinh tế mới...”.
Thấm thoắt vài thập kỷ cũng trôi qua, thế hệ thứ hai của ông Khởi đã trưởng thành. Năm 2021, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Bảo vệ thực vật, cậu con trai cả Phùng Văn Khả quyết định từ bỏ công việc trợ giảng tại Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) để về lập nghiệp ở mảnh đất mà trước đây cha mình đã chọn. Trở lại Mộc Châu, Khả quyết định tận dụng phần đất nông nghiệp rộng 3.000 m2 của gia đình để trồng mận, mô hình phổ biến tại địa phương. Khác với các hộ gia đình chung quanh, Khả đã mạnh dạn vay vốn để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và tưới nước tự động nhằm tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao, chàng thạc sĩ trẻ còn vận dụng nhiều kiến thức mới nhằm cân bằng hệ sinh thái, hướng tới nông nghiệp sạch. Năng suất thu hoạch năm nay dự kiến đạt khoảng 8-9 tấn thay vì 5 tấn như trước kia.
Phùng Văn Khả ứng dụng công nghệ cao vào vườn mận của gia đình. |
Rời việc làm kinh tế, Khả lại khoác lên mình “tấm áo” mới, Phó Bí thư Đoàn Thị trấn Nông trường Mộc Châu. Người cán bộ trẻ quyết tâm thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Mộc Châu nhằm giúp nông dân trong khu vực cải thiện năng suất cây trồng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập. Khả cho biết, hiện HTX có 8 xã viên trong đó có 5 đoàn viên thanh niên phụ trách. Bên cạnh cây mận chủ lực, trên 6 ha đất của HTX còn có diện tích trồng cam Canh, cà chua… Dự kiến, vụ mùa năm nay HTX sẽ thu hoạch khoảng 50 tấn mận, 30 tấn cam Canh và 100 tấn cà chua…
Sức trẻ trên nền tảng truyền thống
Sự tiếp nối của sức trẻ trên mảnh đất Mộc Châu không chỉ có trong câu chuyện của những gia đình năm xưa lên Tây Bắc xây dựng kinh tế mới mà nó còn hiển hiện từ sự đổi thay của gia đình các dân tộc anh em lâu đời sinh sống trên mảnh đất này.
Tới tiểu khu Pa Khen (thị trấn Nông trường Mộc Châu) - nơi cách đây hàng trăm năm, những người H’Mông đầu tiên đã an cư. Dấu ấn văn hóa vẫn đậm nét và đang được biến thành sản phẩm du lịch qua khởi xướng của chàng thanh niên trẻ Hàng A Của - Bí thư Chi đoàn Tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Năm 2017, nhận thấy lượng du khách đến với thung lũng mận Nà Ka, đồi chè Trái tim... rất đông nhưng cơ sở lưu trú ở vùng này gần như chưa có, A Của đã mạnh dạn thuyết phục người thân đầu tư để xây dựng homestay trên phần đất của gia đình. Với tổng chi phí khoảng 800 triệu đồng, trong đó hơn 400 triệu đồng là đi vay, homestay đi vào hoạt động từ năm 2018. Sau 5 năm, A Của đã mở rộng từ một sàn thêm hai bungalow với sức chứa tối đa khoảng 100 khách. Hiện, khu nhà nghỉ đón trung bình khoảng 40-60 khách/tuần.
Khi đã bảo đảm cơ sở lưu trú cho du khách, A Của, với vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên vận động các đoàn viên trong chi đoàn cũng như người dân tiểu khu xây dựng những mô hình phát triển du lịch khác nhằm giúp họ có thu nhập và hơn nữa là quảng bá văn hóa người H’Mông. A Của đã kết hợp với một số hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, quà lưu niệm mang đậm bản sắc dân tộc. “Lấy nền tảng là phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, em cùng các đoàn viên trong chi đoàn và người dân trong tiểu khu đã có những sáng kiến như cho du khách thưởng thức các món ăn, trải nghiệm các trò chơi, vẽ sáp ong, giao lưu văn nghệ với đồng bào H’Mông…”.
A Của và các du khách tại homestay của mình. Ảnh: VÂN ANH |
Từ ý tưởng khởi nghiệp ban đầu của bản thân, sau 5 năm, A Của đã tạo ra một cộng đồng phát triển du lịch ở Tiểu khu Pa Khen, giúp các hộ gia đình gia tăng thêm thu nhập. Ở Mộc Châu, những “ngọn đuốc” như Hàng A Của, như Phùng Văn Khả... đang góp phần lan tỏa nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc lập thân, lập nghiệp làm giàu và xây dựng quê hương.
Bà đỡ của các mô hình khởi nghiệp
Trong vai trò “bà đỡ”, những năm qua, các cấp bộ Đoàn huyện thường xuyên đẩy mạnh những hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên. Nhiều chương trình tập huấn về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên nông thôn đã được tổ chức. Đến nay, Huyện đoàn Mộc Châu đã chủ động phối hợp tổ chức thành công 4 cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” cấp huyện, thu hút hơn 40 ý tưởng dự án của thanh niên trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, dịch vụ...
“Tín dụng chính sách không chỉ là điểm tựa giúp đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, vươn lên làm giàu mà còn góp phần giúp các tổ chức đoàn tập hợp, thu hút các bạn trẻ. Trong quá trình thực hiện, cán bộ Đoàn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, từ đó phối hợp cùng cán bộ ngân hàng tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển mô hình. Nhờ vậy công tác Đoàn ngày càng đi vào thực chất”, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bí thư Đoàn Thị trấn Nông trường Mộc Châu chia sẻ.
Tại các cơ sở Đoàn, việc duy trì và phát triển mô hình “Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế”, “Tổ hợp tác thanh niên” được coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Tính đến hiện tại, toàn huyện Mộc Châu có 5 tổ hợp tác thanh niên đang hoạt động và hỗ trợ thành lập mới 1 hợp tác xã thanh niên. Đặc biệt, Huyện đoàn Mộc Châu đã triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, Ngân hàng chính sách xã hội. Tính đến tháng 3/2024, dư nợ của Đoàn thanh niên thông qua chương trình ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội đạt hơn 86 tỷ đồng. 1.500 đoàn viên, thanh niên được vay vốn phát triển sản xuất.
Tuy còn rất nhiều việc phải làm, nhưng đồng chí Phạm Tú Uyên, Bí thư Huyện đoàn Mộc Châu tin tưởng: “Xác định đồng hành cùng thanh niên trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên đã và đang trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Vừa nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, lập nghiệp, vừa thiết thực hỗ trợ thanh niên có thêm động lực, quyết tâm để nuôi dưỡng đam mê và khởi nghiệp thành công”.
(Còn nữa)