Xóa bỏ “gánh nặng” chạy biên chế giáo viên
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, việc thí điểm bỏ công chức là tổ chức sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm, mà là nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, hiện nay ngành giáo dục đang rơi vào tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Trong khi cả nước đang thừa 26.759 giáo viên (chủ yếu ở bậc THCS) thì lại thiếu đến 45.058 giáo viên (chủ yếu ở bậc mầm non). Ngành đã phải xây dựng đề án đào tạo lại gần 40.000 giáo viên phổ thông để chuyển xuống dạy mầm non thời gian tới. Nguyên nhân của nghịch lý này là do các trường - nơi nắm thực tế nhu cầu tuyển dụng thì lại không được chủ động trong việc tuyển dụng. Chính vì vậy, phải từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế để giáo viên phát huy được tính năng động.
Trước lo ngại về việc xóa biên chế sẽ khó khăn cho giáo viên, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, việc giáo viên không biên chế đã thực hiện rất tốt ở các trường tư thục: “Khi nền giáo dục từng bước hòa nhập thì giáo viên trường công cũng như giáo viên trường tư, không khác gì nhau. Tất cả đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo dục làm thước đo”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia, việc xóa bỏ biên chế giáo viên không chỉ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu mà còn có thể “triệt tiêu” được những tiêu cực trong tuyển dụng biên chế giáo viên nhức nhối nhiều năm nay. Hiện tượng giáo viên phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để “chạy” vào biên chế không hiếm ở các địa phương. Mất tiền “chạy” biên chế, khi vào được rồi, họ sẽ tìm cách để lấy lại số tiền đó bằng việc mở lớp dạy thêm, học thêm trái phép... tiêu cực này nối tiếp tiêu cực khác. PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng, hiện nay có một bộ phận không nhỏ giáo viên không thật sự say mê, tâm huyết với nghề, họ chỉ đến lớp cho có, không làm hết trách nhiệm mà vẫn nhận đủ lương so những người tận tâm với nghề. Điều đó khiến giáo dục trở nên trì trệ hơn”.
Không còn “động lực” với nghề?
Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng việc bỏ biên chế nên đồng bộ, công bằng. Nếu không thầy cô sẽ phải chịu thêm nhiều tầng áp lực, dễ chán nản và muốn bỏ nghề. Cô T.T.H. - giáo viên tiểu học tại TP Hải Dương cho rằng, nếu trường được tự quyết trong việc tuyển giáo viên theo hợp đồng thì rất dễ dẫn đến việc hiệu trưởng đã làm “vua một cõi” nay lại được thêm quyền. “Bình thường trong một môi trường giáo dục, giáo viên đã phải chịu rất nhiều áp lực. Nếu bây giờ có thêm quyền quyết định tuyển dụng, e rằng áp lực với giáo viên dưới quyền hiệu trưởng còn tăng lên rất nhiều”, cô T.T.H. nói.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Quế - giáo viên tiểu học tại Lào Cai thì lo lắng khi không còn biên chế sẽ rất khó để thu hút được thầy cô lên vùng cao dạy học: “Điều kiện trường lớp trên vùng cao vẫn vô cùng khó khăn, ngoài tình yêu nghề, yêu trẻ thì chế độ đãi ngộ và ưu tiên biên chế chính là động lực để nhiều giáo viên cống hiến ở nơi đây. Nếu không còn điều này nữa, e rằng rất khó khuyến khích được thầy cô lên vùng cao dạy chữ cho trò nghèo”.
Nói về điều này, TS Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng, hiện nay, ngoài việc đồng lương eo hẹp, giáo viên tại các trường vẫn còn ngập trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, những buổi dự giờ, đánh giá chéo, sức ép từ phụ huynh, từ cấp trên, từ chính học sinh… “Thứ níu chân giáo viên công lập hiện giờ có lẽ chỉ là biên chế. Các giáo viên yên tâm là mình sẽ không bị mất việc nên cố gắng làm việc ở trường. Nếu Bộ GD&ĐT “tháo khoán” nốt về công chức, viên chức, e rằng tỷ lệ bỏ việc của giáo viên sẽ tăng cao. Đến lúc đó, ai dạy lũ trẻ?”, TS Hương nói.
Các chuyên gia giáo dục đề xuất, việc bỏ biên chế cần thực hiện đồng bộ, công bằng cùng với những chế độ chính về lương, thưởng tốt hơn cho giáo viên để họ yên tâm cống hiến. Nếu chỉ thực hiện bỏ biên chế riêng với ngành GD&ĐT thì chắc chắn giáo viên sẽ thấy rất bất công. Thầy cô sẽ nghĩ sao khi nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý mà lại phải “mang ra” thí điểm, trong khi các ngành khác vẫn có biên chế?
“Nếu giáo viên phải ký hợp đồng thì không có lý gì hiệu trưởng, lãnh đạo các phòng, sở GD&ĐT lại có biên chế? Chính vì vậy, cần làm đồng bộ ngay điều này, hiệu trưởng cũng phải hợp đồng, nếu anh quản lý không tốt anh cũng sẽ bị cách chức, điều chuyển công tác. Việc xếp loại giáo viên nên cho giáo viên và học sinh đánh giá, xếp loại hiệu trưởng cũng cần phải lấy ý kiến từ giáo viên. Có như vậy mới minh bạch được việc tuyển dụng, tránh những vấn đề tiêu cực”, một chuyên gia đề xuất.