Khởi nghiệp trên đất đảo Lý Sơn

|

Lý Sơn (Quảng Ngãi) - quê hương đội hùng binh Hoàng Sa luôn có sức hút mãnh liệt. Trầm tích lịch sử, văn hóa của đất đảo ẩn chứa bao năm mở ra nhiều tiềm năng, kỳ vọng mới. Nhiều người trẻ chọn con đường trở về đất đảo lập nghiệp. Hành trang của trí thức trẻ là tư duy mới, năng lực, sự dấn thân đầy tâm huyết để khởi nghiệp trên chính quê hương của mình.

Người trẻ trở về

“Chị hít vào thở nhẹ ra, không sao có em hỗ trợ rồi chị sẽ quen thôi”, “Anh thả lỏng người nhé, cứ ngắm nhìn, thưởng lãm đại dương”…, những câu nói quen thuộc của nhóm thanh niên trẻ không còn xa lạ với du khách đến Lý Sơn. Giữa trời nắng trong xanh, nhóm hướng dẫn viên dìu du khách lặn độ sâu 5-10 m để ngắm vòm đá dung nham núi lửa trong lòng đại dương đảo Bé, Lý Sơn.

Năm thành viên đội lặn độ tuổi ngoài hai mươi với phong cách chuyên nghiệp hoạt động dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của chàng trai đất đảo Lê Văn Thành. Sinh ra và lớn lên ở đất đảo Lý Sơn, tuổi thơ của Thành là những chiều cùng bạn lội biển nô đùa. Yêu biển, muốn quay về đảo để lập nghiệp là ước mơ luôn nung nấu. Những ngày về quê sau kỳ nghỉ hè, nhân duyên giúp Thành thực hiện ước mơ như gần hơn khi được gặp gỡ, đi cùng các chuyên gia địa chất, khảo cổ dưới nước trong hành trình nghiên cứu địa chất vùng biển núi lửa Lý Sơn. Những chuyến đi ấy đã giúp Thành dần khám phá bức tranh bí ẩn của núi lửa triệu năm, bí ẩn địa chất ẩn sâu nằm trong lòng biển đảo. Sức hút ấy khiến sinh viên trẻ Lê Văn Thành quyết tâm theo đuổi giấc mơ chinh phục miền đại dương sâu thẳm.

Sau ba năm học chuyên ngành Quản trị lữ hành, Trường cao đẳng Du lịch Huế, Lê Văn Thành quyết định trở về đất đảo. Cùng với kiến thức, đam mê của mình, chàng trai 25 tuổi mở Trung tâm lặn khám phá núi lửa Lý Sơn để khởi nghiệp. Ý tưởng, hướng đi độc đáo giúp Thành thuyết phục được gia đình, hợp tác với chuyên gia khảo cổ học và vay vốn khởi nghiệp.

“Em nói với ba em ý định, mục tiêu rõ ràng và gia đình đã ủng hộ. Mình trẻ, thích khám phá nên chọn những dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, độc đáo để thu hút khách. Lặn ngắm núi lửa trong lòng biển khá mới mẻ nhưng tiềm năng thu hút khách rất lớn. Vì vậy, em hợp tác với các chuyên gia khảo cổ học để đầu tư dài lâu”, Lê Văn Thành bộc bạch.

Giữa không gian xanh hoang dã cù lao Bờ Bãi, còn gọi là đảo Bé, nổi bật ngôi nhà sàn nhiều mầu sắc, lạ lẫm của Đặng Văn Sâm. Lấy ý tưởng từ những ngôi nhà bungalow kiểu Ấn Độ mà Sâm đã thấy khi đi du lịch Sa Pa, đảo Cát Bà, Sâm tự thiết kế, hoàn thành nhà sàn homestay mang tên Bungalow. Ngôi nhà sàn giữa thiên nhiên hoang dã của Sâm thu hút nhiều khách lưu trú.

Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh Trường đại học Nha Trang, chàng trai 26 tuổi khởi nghiệp du lịch bằng lối đi riêng. “Mình có vốn ít thì mình làm vừa đủ. Quan trọng là cách thức mình chọn để tiếp cận du lịch phải mới, mang sắc mầu riêng. Ở đất đảo thì du lịch gắn với thiên nhiên, trải nghiệm hoang dã, trải nghiệm văn hóa bản địa sẽ giữ chân nhiều khách du lịch”, Sâm nói.

Những người trẻ trở về cùng tư duy mới mẻ, cách làm khác biệt giúp quê hương định hình bản sắc riêng, độc đáo.

Ngôi nhà Bungalow của Đặng Văn Sâm thu hút nhiều khách lưu trú.

Khai thác và bảo tồn nguồn lợi từ biển

Nhiều năm qua, Lý Sơn có sức hút mãnh liệt, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư cùng du khách trong nước, quốc tế. Quê hương hùng binh Hoàng Sa với bề dày lịch sử, văn hóa dân gian ẩn chứa tiềm năng, khát vọng phát triển. Sinh sống trong từng nếp nhà, người trẻ Lý Sơn ước mơ khởi nghiệp, lập nghiệp, góp sức cho quê hương. Tư duy, ý tưởng khởi nghiệp của người trẻ Lý Sơn mang đậm bản sắc xứ đảo.

Với cô gái nhỏ nhắn, đôi mắt sáng Lê Thị Thanh Thanh, nâng tầm giá trị những sản vật quý của đất đảo ngấm sâu vào giấc mơ khởi nghiệp. Mỗi năm, người dân Lý Sơn thu hoạch được hơn 500 tấn rong biển các loại ở đảo và khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sản vật biển được bán cho các thương lái và phân phối đi các nơi giá mua thấp. Mong muốn nâng giá trị rong biển và tiếp cận thị trường lớn, Thanh bắt tay thử nghiệm sản phẩm rong biển lên men, sấy khô. Trong lần sản xuất đầu tiên, Thanh sản xuất 400 hộp rong biển lên men, bán với giá 37.000 đồng/hộp được du khách đón nhận.

“Bà con ở đảo bán sản vật của đảo hàng thô nên giá thấp, lại không để được lâu. Mình muốn thu mua rong biển của người dân giá cao, chế biến, sản xuất nâng giá trị rong biển. Vừa là giúp người dân có thể sống bằng nghề hái rong biển, vừa xây dựng được thương hiệu cho đặc sản đảo Lý Sơn”, Thanh Thanh chia sẻ.

Qua nhiều chương trình khởi nghiệp, tiếp cận nhà đầu tư, Thanh Thanh nhận được tài trợ 450 triệu đồng từ chương trình Ươm tạo Startup Incubation Program SIP100 của Trường đại học Ngoại thương. Với số tiền này, cô gái trẻ xây dựng mô hình hoạt động thương hiệu Vinarongbien, từ sản xuất đến phân phối trên đảo Lý Sơn.

“Sau sản phẩm rong biển lên men, sấy khô, em tiếp tục đẩy mạnh đa đạng hóa các sản phẩm rong biển như nước uống thảo dược, trà rong biển, mặt nạ… Em sẽ đọc, tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về dự án để phát triển thương hiệu Vinarong bien”, Thanh Thanh quả quyết.

Không giẫm chân lên “nghiệp” của bà con đất đảo, những người trẻ Lý Sơn khởi nghiệp bằng phương thức hiện đại, gắn với kiến thức, tư duy mới của mình. Bắt đầu bằng tri thức, các bạn lựa chọn trên tiêu chí bảo tồn biển, xây dựng thương hiệu từ chính những sản phẩm của quê hương. “Chạy theo năng suất, sản lượng nhiều người phun thuốc, kích thích đủ loại. Mình lo ngại hành, tỏi Lý Sơn không còn sản phẩm sạch nữa. Sau thời gian đầu tư, mình chọn hướng đi mới là trồng và sản xuất hành, tỏi hữu cơ. Sạch là tiêu chí cốt yếu trong chiến lược của mình để giữ vững thương hiệu và phát triển mạnh hơn. Không chỉ cung ứng trong nước mà hướng đi phải nâng giá trị sản phẩm theo chuẩn quốc tế với chiến lược xuất khẩu, tham gia thị trường nước ngoài”, “Vua tỏi” Nguyễn Văn Định cho biết.

Khởi nghiệp từ những ý tưởng độc đáo, sự lựa chọn của người trẻ Lý Sơn còn gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn lợi từ biển cả. Các hình thái kinh doanh được người trẻ đất đảo lựa chọn khởi nghiệp là du lịch xanh, bảo tồn san hô, trầm tích thiên nhiên, nâng giá trị sản vật biển Lý Sơn.

“Nguồn lợi từ biển rất lớn. Thí dụ như mình làm du lịch thì phải bảo vệ đa dạng sinh thái biển, giữ các loài cá, thảm thực vật, rạn san hô. Mình giữ biển thì mới khai thác, đưa du khách tham quan, lặn ngắm. Nhóm tụi em liên kết với chính quyền địa phương, chia sẻ với người dân để cùng nhau bảo tồn, khai thác biển phát triển du lịch”, Lê Văn Thành khẳng định.

Những người con của đất đảo hùng binh Hoàng Sa bước chân quay về cùng khát vọng gìn giữ, dựng xây quê hương. Họ chính là những người trẻ chuyên nghiệp, nghĩ mới, hành động mới vì sự trường tồn và phát triển của quê hương.