Nhiều đầu mối, nông dân vẫn không biết hỏi ai!

|

Dù có hàng loạt đơn vị chức năng tư vấn, hỗ trợ, nhưng điều nông dân cần đích thực lại vẫn thiếu vắng. Điều này lý giải một phần cho sản lượng, chất lượng nông sản vẫn thấp, đầu ra bấp bênh.

Khi cần chẳng biết hỏi ai

Ông Nguyễn Văn Tuyên ở Đại Từ (Thái Nguyên) là chủ trang trại, thường xuyên nuôi hàng nghìn con lợn nái siêu nạc chia sẻ: “Năm 2012, khi mới nuôi lợn, tôi chưa có kinh nghiệm nên khi lợn bị dịch bệnh, cứ từ từ chết. Lúc đầu, tôi tự ra hàng mua thuốc về cho uống và nhờ cán bộ thú y địa phương thăm khám, kê đơn thuốc và cả tiêm nhưng vẫn không khỏi. Dịch bệnh lây lan nhanh khiến cả trăm con lợn chết làm cho gia đình tôi “trắng tay” vì lợn”. Để gây dựng lại đàn lợn nái như ngày hôm nay, ông đành tự học hỏi, tìm tòi…

Ông Ngô Xuân Cường - Chủ Trang trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình (Phúc Thọ - Hà Nội) có 1.500 con lợn rừng nuôi bằng rau, củ tự trồng cho biết: “Để đưa được thịt lợn vào siêu thị thì phải được cấp chứng nhận trang trại an toàn dịch bệch, chứng nhận bảo đảm ATVSTP và đủ các loại giấy tờ như chứng minh nguồn gốc lợn, quá trình chăm sóc, đến cả tem, nhãn mác, mã số, mã vạch cho thịt lợn… Chúng tôi cần hỗ trợ tư vấn thì chẳng có đơn vị nào làm được tất cả các dịch vụ này. Mỗi một loại giấy tờ, chứng nhận, tôi lại phải đi hỏi ở một nơi khác nhau”.

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh khác cũng ở trong tình trạng khi cần không biết hỏi ai, hoặc hỏi thì không được giải đáp, tư vấn thỏa đáng. Biết rằng, bắt tay vào sản xuất, canh tác thì phải nỗ lực tự học hỏi rất nhiều. Nhưng rõ ràng, có chỗ dựa tin cậy từ các cơ quan chức năng thì sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Nhưng, như ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nam miền Trung thì, công ty ông vừa mở rộng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khoảng 30.000 ha diện tích đất đã và đang tích tụ sẽ được trồng xoài, thanh long, chuối, đinh lăng… Nhưng khi bắt tay vào, ông Anh phải thừa nhận, rất khó tìm kiếm các kỹ sư giỏi chứ chưa nói tới các dịch vụ cần thiết cho sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao.

Luẩn quẩn trồng cây gì, nuôi con gì?

Hiện nông dân, chủ trang trại, chủ HTX sản xuất nông nghiệp rất cần các dịch vụ tư vấn thiết thực từ con giống, vật tư (thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn), quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản, thực phẩm… Đặc biệt, khi xảy ra dịch, bệnh với cây trồng vật nuôi, họ rất cần được tư vấn, hỗ trợ chữa trị nhanh. Ngoài ra, việc tư vấn về nhu cầu thị trường cũng hạn chế, nên khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực gì, nhiều người cũng chỉ làm theo “cảm tính”.

Hiện nay, các đơn vị đang triển khai những nhiệm vụ và dịch vụ hỗ trợ nông dân cũng không phải ít. Bộ NNPTNT phụ trách lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và ở cấp cơ sở đều có các cán bộ phụ trách lĩnh vực này. Bộ NNPTNT còn có Trung tâm khuyến nông quốc gia, hàng năm đơn vị này tổ chức hàng trăm nghìn các mô hình trình diễn và cũng có cán bộ khuyến nông tới cấp xã để hỗ trợ nông dân. Bộ Công thương phụ trách mảng thị trường, Bộ KHCN hỗ trợ khoa học kỹ thuật, T.Ư Hội Nông dân có Quỹ hỗ trợ nông dân, Liên minh HTX có các tổ hợp tác, tổ dịch vụ… Tuy nhiên, cái nông dân cần thực tế lại vẫn thiếu. Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào (Lâm Đồng) cho biết: “Tôi đã được tham quan mô hình HTX ở Canada. Ở đó nông dân chỉ lo sản xuất, không phải lo bất cứ điều gì bên ngoài. HTX lo toàn bộ từ giống, vật tư, quy trình chăm sóc, bảo quản, chế biến, tiêu thụ… Nông dân vẫn có thu nhập ổn định”.

TS Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, cho rằng, nông dân ở nước ta hiện chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, trong khi đội ngũ chuyên gia, tư vấn chuyên nghiệp cũng thiếu và yếu. Đang có xu thế xuất hiện nhu cầu lớn về những HTX sinh ra để phục vụ đầu ra cho xã viên, đặc biệt ở những nơi kinh tế hàng hóa phát triển mạnh như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ...

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu nông dân không tự thành lập được các tổ hợp tác, tổ dịch vụ, HTX… để tự giải quyết những nhu cầu cấp bách như nghiên cứu thị trường, cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ đầu ra, chắc chắn câu chuyện được mùa thì mất giá và điệp khúc trồng cây gì, nuôi con gì sẽ vẫn là vòng luẩn quẩn.