Để dẫn gió lành, cần lắm lá xanh

|

Sau một thời gian tư duy theo mét vuông, tăng tối đa diện tích bê tông hóa để đạt lợi ích cao nhất, nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu quan tâm phát triển đô thị xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, để chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với PV Báo SGGP, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, từ bất cập trong thực tiễn và thách thức trong quy hoạch, quản lý đô thị, đã đến lúc cần xây dựng một chiến lược xanh bền vững cho đô thị Việt Nam.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: PHANBOOK

* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển công trình xanh trong các đô thị Việt Nam?

* TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN: Khái niệm phát triển đô thị và nông thôn một cách bền vững và thân thiện với môi trường được hình thành và phát triển từ thập niên 1950.

Các mục tiêu phát triển bền vững được phổ cập hóa ngày càng rộng rãi trên thế giới từ cuối thế kỷ 20, với các hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về môi trường, với các chương trình hành động về vấn đề con người và môi trường, cùng sự ra đời và ứng dụng các tiêu chí công trình xanh tại nhiều quốc gia.

Do khó khăn kinh tế sau chiến tranh, mãi đến đầu thế kỷ 21, Việt Nam mới đưa các quan điểm phát triển bền vững vào chiến lược phát triển. Dù vậy, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh. Việc phát triển công trình xanh đang thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích, với kết quả khá khiêm tốn. Tính đến năm 2023, số lượng công trình xanh của Việt Nam chỉ đạt con số khiêm tốn, tầm 300 công trình với tổng diện tích khoảng 7,2 triệu m² sàn xây dựng.

Tuy vậy, chiến lược phát triển xanh đang từng bước được đưa vào chiến lược phát triển quốc gia tại Việt Nam.

* Tầm quan trọng của không gian xanh trong quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị sinh thái, theo ông, đã có sự thay đổi như thế nào?

* Trong giai đoạn đầu phát triển, từ sự bùng nổ phát triển đô thị những năm đầu thập niên 1990 đến khoảng một thập niên gần đây, các nhà đầu tư có phần thiên về tư duy mét vuông, chú trọng việc gia tăng tối đa diện tích bê tông hóa để đạt lợi ích cao nhất.

Nhưng gần đây, khi các hệ lụy do tác động môi trường của xu hướng bê tông hóa ngày càng hiện rõ, qua tình trạng gia tăng kẹt xe, ngập lụt trong đô thị, mọi người đang quan tâm nhiều hơn đến phát triển xanh, phát triển bền vững, đến việc làm sao ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đưa ra các tiêu chí phát triển công trình xanh và đô thị xanh hoặc đô thị sinh thái như là các giá trị đặc biệt quan trọng của các dự án đô thị.

Từ kinh nghiệm thực tế, việc xây dựng công trình xanh có thể cần tăng thêm khoảng 3-8% so với vốn đầu tư thông thường, nhưng lợi ích lâu dài là bên cạnh việc giảm tác động môi trường, vẫn có thể tiết kiệm kinh phí vận hành, có thể giúp giảm đến 30% năng lượng sử dụng, giảm đến 40% lượng khí thải CO2, tiết kiệm đến 50% lượng nước sử dụng, giảm đến 60% chi phí xử lý chất thải...

* Với những đồ án quy hoạch đô thị xanh, dự án xanh được phê duyệt, làm sao để đảm bảo tính thực thi? Ông có thể chia sẻ thêm một số mô hình, kinh nghiệm phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái mà chúng ta có thể tham khảo cho các đô thị lớn như TPHCM?

* Để có thể nhanh chóng gia tăng diện tích xanh cần thiết cho đô thị, cụ thể như nhu cầu xanh tăng gấp 20 lần trong trường hợp TPHCM, cần có những biện pháp tổng hợp như bảo vệ các không gian xanh công cộng còn lại, không cấp phép cho các dự án xâm hại không gian xanh.

Thứ hai, điều chỉnh định hướng chiến lược quy hoạch, không tiếp tục cao tầng hóa khu vực nội thành mà chuyển áp lực cao tầng ra khu đô thị mới để không còn lý do chặt cây mở rộng đường và làm cầu. Thứ ba, dành ít nhất 2/3 diện tích cho không gian xanh công cộng khi chỉnh trang và phát triển các quỹ đất rộng còn lại trong khu vực nội thành như Thanh Đa, Khu chế xuất Tân Thuận sau khi hết hợp đồng, Khu cảng Sài Gòn và cảng Trường Thọ sau khi di dời…

Thứ tư, bảo vệ, mở rộng và phát triển hành lang xanh bảo vệ dọc theo sông rạch kết nối với nhau. Thứ năm, khuyến khích người dân tạo lập vườn xanh trên sân, trên mái và mặt tiền. Thứ sáu, đưa ra chính sách ưu đãi cho các dự án quy hoạch và xây dựng được thực hiện phù hợp các tiêu chí công trình xanh và quy hoạch xanh theo chuẩn LOTUS (do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam nghiên cứu và phát triển cho điều kiện Việt Nam), LEED, EDGE, Green Mark...

Thứ bảy, phát triển các khu đô thị mới theo hướng xanh và sinh thái, với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tiện ích hạ tầng xã hội đầy đủ theo các mô hình đô thị xanh tiên tiến tại Paris, Singapore, Thượng Hải… để khuyến khích giãn dân, giảm áp lực cho nội thành, để thực thi các chương trình xanh hóa đô thị dễ dàng hơn.

Mảng xanh của khu dân cư Sala, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Hiện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ cây xanh đô thị trên đầu người khá thấp do đâu, thưa ông?

* Với chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế từ cuối những năm 1980, các đô thị Việt Nam phát triển nhanh cùng với đà phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, xu hướng phát triển thiên về bê tông hóa để tăng diện tích sử dụng và đạt lợi nhuận đầu tư cao nhất đã làm không gian xanh ở nội thành không tăng, mà còn bị xâm hại, thu nhỏ.

Diện tích không gian xanh công cộng trên đầu người tại nội thành TPHCM chỉ đạt khoảng nửa mét vuông, trong khi mục tiêu quy hoạch hướng đến phải đạt gấp 20 lần, là 10m² không gian xanh/người dân, dù chỉ tiêu này vẫn chưa phải là cao so với nhiều đô thị trên thế giới đã đạt trên 25-30m² không gian xanh/người dân.

Tình trạng này xảy ra do tác động từ nhiều phía: Nhà đầu tư muốn tối ưu hóa diện tích sàn để kiếm lợi; nhà quản lý đô thị buông lỏng kiểm soát để xảy ra tình trạng xâm hại diện tích xanh đã có và tình trạng các nhà đầu tư né tránh, không xây dựng không gian xanh đúng yêu cầu quy hoạch của các dự án được duyệt; người dân chưa tạo đủ sức ép mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong việc giữ gìn và gia tăng diện tích không gian xanh.

* Trong khi nhiều nơi chưa được đầu tư đúng mức thì mảng xanh tự nhiên bị “đánh cắp”, thu hẹp hoặc đánh đổi vì lợi ích kinh tế. Điều này sẽ kéo theo những hệ lụy gì, thưa ông?

* Các hệ lụy của việc để cho mảng xanh tự nhiên bị “đánh cắp”, thu hẹp hoặc đánh đổi vì lợi ích kinh tế là tác động tiêu cực đến môi trường sống và đời sống kinh tế xã hội của người dân, như: Ngập lụt trong đô thị do quá tải hạ tầng trong khi thiếu không gian xanh hút thấm nước cần thiết và ngập nước cục bộ do bê tông hóa cao trên mặt đất.

Ô nhiễm không khí và tiếng ồn tăng cao do thiếu bộ lọc xanh. Sạt lở đất hoặc đất sụt và xâm nhập mặn do nguồn nước ngầm thiếu hụt vì diện tích bên trên bị bê tông hóa. Khí hậu đô thị ngày càng nóng lên do thiếu lá phổi xanh điều hòa khí hậu và dẫn gió sâu, gió lành vào trong…