Ánh Viên và ước vọng chuẩn mực

|

Quyết định đưa Ánh Viên sang Mỹ tập huấn dài hạn cách đây 5 năm đã đem đến sự thay đổi mang tính bước ngoặt, từ đó tạo nên một mẫu hình trong quy trình phát hiện và đào tạo tài năng theo đúng chuẩn quốc tế, với sự hội tụ đỉnh cao của các yếu tố khách quan, chủ quan.

Khi mới 15 tuổi, kình ngư người Cần Thơ đã nổi lên như một tài năng trẻ độc nhất vô nhị của bơi lội Việt Nam. Chuyện đầu tư chuyên biệt cho Viên sớm được đặt ra, cụ thể là đưa ra nước ngoài tập huấn. Thế nhưng, muốn thế, phải đáp ứng được điều kiện kinh phí: không dưới 100.000 USD/năm (hơn cả tổng kinh phí thường niên của môn bơi). May mắn, khi ban huấn luyện vừa đề xuất, lãnh đạo đã ủng hộ ngay với phương án đôi bên cùng hợp sức, ngành thể thao chi 60.000 USD, còn đơn vị chủ quản Quân đội chi 40.000 USD.

Tuy vậy, đó mới chỉ là điều kiện cần. Bên cạnh tố chất, niềm đam mê..., điều kiện đủ còn là khả năng thích nghi, sự bền bỉ phi thường với quy trình chuẩn quốc tế.

Sáu năm trước, Ánh Viên hãy còn đang ngụp lặn ở bể bơi nhỏ cũ ở quê nhà. Năm năm trước, khi sang Mỹ, Ánh Viên đã choáng ngợp trước điều kiện hoàn toàn khác biệt tại đây. Viên phải mất nhiều thời gian để thích nghi được với điều kiện, quy trình tập huấn khắc nghiệt chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế, mà “ngay cả chuyện ăn cũng giống như một cuộc chiến đấu”. Để có sức đột phá, Viên phải tập thể lực không khác gì một VĐV nhiều môn phối hợp, hết nâng tạ lại chạy đua trên máy. Khắc nghiệt nhất chính là bài tập bơi ngược dòng. Trên một đường bơi chuyên dụng có máy đẩy nước với tốc độ cực mạnh, tài năng trẻ đất Cần Thơ phải cố gắng bơi ngược cho bằng được, và “nhiều lần bị dòng nước hất đập đầu đau đến chảy nước mắt”.

Hành trình tập huấn dài hạn của Viên khởi đầu trong những sự âu lo và hoài nghi của chính giới chuyên môn. Hiếm người dám tin một kình ngư Việt Nam có thể vươn ra quốc tế trên nền tảng chung quá tệ của môn bơi, mà việc giành một tấm huy chương ở SEA Games đã là cả một kỳ tích. Tuy nhiên đến giờ, khoản đầu tư kỷ lục (đã lên tới 13 tỷ đồng) của thể thao Việt Nam đã cho thấy sự đáng giá đến... từng đồng. Giá trị mang tên Ánh Viên vượt xa sự hình dung ban đầu bằng những thành quả ngoạn mục như hai tấm HCĐ ASIAD 2014, tám HCV kèm tám kỷ lục SEA Games 28, 1 HCB, 1 HCĐ Cúp thế giới 2015, và mới đây nhất là tấm HCV lịch sử tại Giải vô địch châu Á 2016.

Tại Olympic London, Ánh Viên dự tranh chỉ với mục tiêu vượt lên chính mình. Viên còn run rẩy đến mức không thốt nổi một câu khi nhìn thấy thần tượng Mai-cơn Pheo (Michael Phelps) ngoài Cung thi đấu. Đến Olympic Rio, cô đã có thể hoàn toàn tự tin tuyên bố mục tiêu vào chung kết, và thật sự chỉ còn cách nó đúng 0,31 giây.

Nhiều người vẫn còn tiếc. Giá như được đưa vào quy trình chuẩn quốc tế sớm hơn chứ không phải đến năm 15 tuổi, rất có thể một tấm HCV Olympic đã nằm trong tay Ánh Viên...