Thay vì đăng ký những lớp học thêm, bồi dưỡng kiến thức cho con em, xu hướng lựa chọn của các bậc phụ huynh đang dần thay đổi sang các sân chơi thể chất, lớp học kỹ năng với mong muốn con em mình không bị thiếu hụt kiến thức xã hội.
1/Ảnh hưởng từ lối sống hiện đại và các phương pháp nuôi dạy trẻ toàn diện, nhiều bậc phụ huynh đã dành trọn ba tháng nghỉ hè để hướng cho con em phát triển thể chất và bộc lộ năng khiếu thay vì dồn dập đăng ký các lò ôn luyện, lớp học hè do sợ hổng kiến thức. Các sân chơi thể thao, lớp học kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao cũng được đa dạng hóa để đáp ứng được nhu cầu đang ngày càng tăng này.
Tại Hà Nội, nhiều trại hè đã được tổ chức với hoạt động phong phú, kích thích sự sáng tạo của trẻ như tìm hiểu về Trái đất với phòng thí nghiệm, làm quen với lập trình robot... Các lớp học liên quan đến mặt tâm thức, cảm xúc như nghe kể chuyện, phát triển khả năng nói, kỹ năng thuyết trình... Ngoài ra còn có hoạt động đi tìm năng khiếu như chơi nhạc cụ, ca múa hát, vẽ tranh... Những trại hè này không nặng về kiến thức, trẻ được thỏa sức sáng tạo và tiếp cận với trải nghiệm đem lại sự hứng thú.
Bên cạnh đó, các trung tâm thể chất, sân chơi thể thao cũng là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh. Đại diện của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ em Natrumax Star Football, anh Vũ Như Thành cho biết: “Từ cuối tháng 5, các phụ huynh đã đăng ký lớp học cho con em, độ tuổi rất rộng từ 3 đến 14 tuổi. Dựa theo số lượng từng đợt đăng ký mà trung tâm sẽ phân chia theo lớp, độ tuổi thích hợp để bảo đảm các em có những trải nghiệm tốt nhất khi tham gia khóa học”.
Đối với mỗi bộ môn thể thao khác nhau, các trung tâm sẽ có những bài học tăng cấp độ theo thời gian, giúp các em phát triển về cả tư duy lẫn thể chất, quan trọng nhất là rèn luyện để tăng sự dẻo dai, sức đề kháng.
Bơi là một trong những môn được đăng ký nhiều nhất vào dịp hè. Lớp học bơi trang bị những kỹ năng bơi lội cơ bản, nhận biết nguy hiểm, hướng dẫn xử lý một vài tình huống thường gặp trong thực tế. Chị Vũ Thị Minh (Hà Nội) chia sẻ: “Bơi là một trong những kỹ năng thiết yếu mà ai cũng cần trang bị, tranh thủ mấy tháng hè mình cũng đi học cùng con, vừa giúp con tự tin, vừa giúp con không còn sợ nước như trước. Con nhà mình năm nay 13 tuổi đã bị coi là học bơi muộn, nhiều gia đình đã cho trẻ đi học từ 4-5 tuổi”.
Cung Thiếu nhi Hà Nội những ngày đầu hè cũng rộn ràng các chương trình chiêu sinh thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh với đa dạng các câu lạc bộ từ mỹ thuật, luyện trí não như chơi cờ vua đến thể chất như các môn võ, aerobics...
2/Tham gia các sân chơi hè dù với bộ môn nào cũng giúp trẻ học tập và trang bị những kỹ năng mềm cần thiết. Không chỉ được rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, việc học tập ở một môi trường mới còn giúp trẻ mở rộng quan hệ bạn bè, cởi mở hơn trong giao tiếp và làm việc nhóm. Duy trì các thời gian biểu tại các sân chơi hè còn giúp trẻ giữ được thói quen lập kế hoạch, thiết lập thói quen, quản lý thời gian. Việc đối mặt nhiều tình huống mới còn giúp trẻ hình thành phản xạ, cách xử lý vấn đề. Những kiến thức thực tế, được tiếp thu ngay từ cuộc sống nhằm rút ra giải pháp sẽ là những bài học đáng quý nhất và gần gũi nhất có thể giúp trẻ nhớ lâu thay vì chỉ đọc và tự hình dung qua sách vở.
Kỳ nghỉ hè đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học sinh lấy lại năng lượng cho năm học mới. Sau một năm học tập căng thẳng và bận rộn, các em cần có thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi cả về thể chất và tinh thần. Tạm ngưng tiếp thu kiến thức văn hóa, đổi lại các em sẽ có thời gian tham gia những sân chơi mới thực tế hơn, khám phá được chính bản thân mình và thỏa sức đam mê với những hoạt động yêu thích. PGS, TS Trần Thành Nam cho rằng, kỳ nghỉ hè là một cơ hội tốt cho năng lực tư duy phản biện của trẻ được hình thành và phát triển. Khi trẻ “không bận học” thì sẽ thật sự được tự do suy nghĩ theo cách riêng, khơi nguồn cho sáng tạo.
Ngoài hai buổi trong tuần cho con đến câu lạc bộ cờ vua, chị Hà Thị Ánh (Thái Nguyên) đã biến chính khu vườn và căn nhà của mình thành sân chơi cho con trong kỳ nghỉ hè để con không cảm thấy nhàm chán, sa đà vào điện thoại, máy tính điện tử. Chị trang bị thêm sách truyện phù hợp lứa tuổi, mua thêm cây và nuôi thêm thú cưng và giao nhiệm vụ chăm sóc cho con.