“Bác sĩ Tình, tình nghĩa”

|

“Đời sống vất vả, chỉ một căn bệnh nhỏ cũng đủ làm mỗi nếp nhà trở nên khó khăn hơn. Tôi tự nhủ, mình có kiến thức y khoa, lại thêm trách nhiệm của một quân nhân, nên tôi không cho phép mình đứng ngoài sự vất vả, bệnh tật của bà con được”. Đó là lời tâm sự chân thành của thiếu tá Hồ Văn Tình, người tiếp đón hàng trăm lượt bà con đến khám, chữa bệnh hằng tháng tại Đồn Biên phòng Kỳ Khang.

Bệnh xá quân - dân

Ngày cuối tuần, con đường dẫn vào đồn biên phòng Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trở nên nhộn nhịp khác thường. Con đường nằm giữa cánh đồng đang trổ đòng vương mùi lúa thơm, người dân kể cho nhau nghe câu chuyện gắn bó về tình quân dân “cá nước”. Những câu chuyện nối tiếp theo bước chân đến đồn biên phòng, nơi đang diễn ra hoạt động khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí định kỳ hằng tháng cho người dân trong xã.

Để có đủ không gian cho việc khám, chữa bệnh, các cán bộ, nhân viên đồn biên phòng Kỳ Khang phải di chuyển dụng cụ, thiết bị máy móc lên trạm quân - dân y, cách đồn 100 m. Vậy nhưng căn phòng vẫn trở nên nhỏ hẹp khi đón hàng trăm lượt người dân đến khám. Dù lượng người đến khám đông nhưng dưới sự điều tiết cẩn thận, tỉ mỉ của cán bộ, nhân viên đồn, các lượt khám vẫn diễn ra theo thứ tự một cách ổn định, chủ yếu khám, chữa bệnh cho người dân sở tại với quy mô năm phòng, 14 giường bệnh.

Theo lời giới thiệu của thượng úy Nguyễn Trường Khuê (Đội trưởng vận động quần chúng - Đồn Biên phòng Kỳ Khang), chúng tôi hướng sự chú ý đến bàn khám ở trung tâm căn phòng, một cán bộ đang kiểm tra huyết áp và tư vấn cho bệnh nhân. Đó là thiếu tá Hồ Văn Tình, bác sĩ của đồn. Anh là người nỗ lực phát triển bệnh xá quân - dân đặc biệt trên vùng đất nghèo khó ven biển Hà Tĩnh.

Chúng tôi lặng lẽ ngồi phía dưới hàng ghế cùng người dân đến khám bệnh. Đến khám bệnh lần này hầu hết là những người cao tuổi. Họ ngồi theo thứ tự và tỏ ra gần gũi, thân mật trong lúc đợi đến lượt khám. Những lời thăm khám giữa bác sĩ và người dân gần gũi như những lời trò chuyện của thành viên trong gia đình. Và cũng thật đặc biệt, hầu như gặp người nào, bác sĩ Tình cũng nhớ bệnh án của người đó. Nở nụ cười trên môi, bác sĩ Tình hỏi chuyện một bà cụ đến khám: “Dạo này mẹ thấy trong người thế nào? Huyết áp đã bình thường chưa ạ”.

Người được bác sĩ Tình khám là bà Nguyễn Thị Ký, người thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang, năm nay đã 76 tuổi, là bệnh nhân quen thuộc của bệnh xá Đồn Biên phòng Kỳ Khang. Bà tâm sự với chúng tôi: “Hồi còn trẻ tôi hay đau đầu lắm. Có ngày đi làm đồng, đầu đau như búa bổ, đồ vật cứ quay tròn chung quanh. Mãi sau này nhờ bác sĩ Tình, tôi mới biết mình bị rối loạn tiền đình. Bác sĩ Tình tốt lắm, dặn tôi cách luyện tập, ăn uống, còn phát thuốc miễn phí cho nữa”.

Người con của làng

Hơn 30 năm công tác tại các vùng biên giới, thiếu tá Hồ Văn Tình hiểu đời sống tâm lý, sinh hoạt của bà con nhiều vùng, đặc biệt là vùng quê nghèo xã Kỳ Khang. Đời sống khó khăn, những thói quen, tập tục còn lạc hậu khiến việc khám, chữa bệnh định kỳ chưa được bà con quan tâm. Nhiều trường hợp do chủ quan, bà con để bệnh tình chuyển biến xấu mới chịu đến trạm xá, gây khó khăn và nguy hiểm trong việc chữa trị.

Nhiều câu chuyện thương tâm do thiếu kiến thức phòng, chữa bệnh khiến bác sĩ Hồ Văn Tình day dứt. Lương tâm, trách nhiệm của một bác sĩ quân y khiến anh không thể ngồi yên. Anh đề xuất thủ trưởng đồn biên phòng và chính quyền địa phương về ý tưởng thành lập đội tuyên truyền y tế. Bởi chỉ khi thay đổi được thói quen, tập tục chữa bệnh, người dân sẽ tự giác giữ gìn, chăm sóc sức khỏe bản thân. Ngày đội được thành lập, thiếu tá Tình xác định rõ nội dung tập trung mà đội tuyên truyền hướng đến phải cụ thể và thiết thực với đời sống của người dân vùng biển xã Kỳ Khang. Cụ thể là cách phòng và sơ, cấp cứu những bệnh thường gặp khi ra khơi, trồng và sử dụng một số loại thuốc nam cơ bản, giữ gìn vệ sinh, cải tạo môi trường…

Xác định được nội dung tuyên truyền, nhưng khó khăn nhất với bác sĩ Tình và các cán bộ đội vận động quần chúng đồn biên phòng Kỳ Khang lúc này là việc tuyên truyền có hiệu quả. Cuộc sống mưu sinh vươn khơi bám biển, nhiều gia đình không thường xuyên ở nhà, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động. Bác sĩ Tình nhớ lại: “Ngày ấy, tôi cùng các đồng chí đội vận động quần chúng phối hợp cùng chính quyền địa phương gõ cửa từng nhà để tuyên truyền cho bà con. Nhiều gia đình, chúng tôi phải đi ba, bốn lần mới gặp được chủ hộ. Ban đầu, bà con còn nhiều e ngại nhưng qua tiếp xúc, trò chuyện, người dân cũng hiểu hơn về hoạt động của chúng tôi. Đặc biệt, có những tình huống chữa trị khẩn cấp đã giúp bà con thêm tin, yêu hoạt động của thầy thuốc áo lính”.

Anh Tình còn nhớ lần xuống thôn Trung Tân để tuyên truyền, khi trời bắt đầu nhá nhem tối, đoàn chuẩn bị ra về thì có một người phụ nữ chặn đầu xe lại. Vẻ mặt người phụ nữ hốt hoảng mong nhận được sự giúp đỡ của đoàn. Theo lời kể của người phụ nữ, sau khi ăn loại ốc lạ, chồng và con chị bị đau bụng dữ dội và nôn nhiều. Bác sĩ Tình phán đoán đây là biểu hiện của ngộ độc hải sản. Anh đã kịp thời sơ cứu nhanh, gây kích thích nôn để loại bỏ phần thức ăn gây dị ứng khỏi cơ thể rồi đưa người bệnh lên tuyến trên tiếp tục điều trị. Sau tình huống chữa trị khẩn cấp ấy, bà con bắt đầu quan tâm hơn đến việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm và những nội dung tuyên truyền của các cán bộ, chiến sĩ.

Những ngày làm việc của bác sĩ Tình hiếm có lịch cố định. Nhiều lần, vừa đặt lưng lên giường, anh Tình đã phải bật dậy vì cuộc gọi của người dân báo có người nhà bệnh cần cấp cứu gấp. Anh lại tất bật gói ghém đồ nghề xuống với bà con. Có khi gặp ca bệnh nặng, anh lại cùng gia đình đưa bệnh nhân lên tuyến trên. Trở về đơn vị thì trời đã gần sáng, anh lại chuẩn bị đồ đạc để xuống làng theo lịch hẹn trước. Bác sĩ Tình dần trở thành người thân quen như “người con” trong nhà của bà con xã Kỳ Khang. Có tuần bác sĩ Tình không xuống làng, bà con còn lên tận đơn vị thăm vì sợ anh có chuyện gì.

Không chỉ quan tâm đến sức khỏe bà con, bác sĩ Hồ Văn Tình cũng là người quan tâm đặc biệt đến đời sống của các em nhỏ ở xã Kỳ Khang. Trong xã có cháu Đặng Thị Tình gia đình quá khó khăn, được đội vận động quần chúng đưa về bệnh xá để đồng chí Tình kiểm tra sức khỏe, khám bệnh theo định kỳ. Mỗi tháng, anh và các đồng đội trích một phần lương của mình để chung tay giúp cháu Tình được đi học với số tiền 500 nghìn đồng trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Cháu đã sống với đồn biên phòng được hơn bốn năm. Ngoài ra, cứ đến các dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu hay Tết Nguyên đán, các em nhỏ trong xã lại nhận được những phần quà ý nghĩa do bác sĩ Tình và các đồng nghiệp trao tặng.

Cảm kích trước những đóng góp của bác sĩ Hồ Văn Tình với việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân xã, ông Nguyễn Đình Hoán, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Khang chia sẻ: “Thiếu tá Hồ Văn Tình gắn bó với mảnh đất Kỳ Khang từ lâu, đồng thời cũng hết sức nhiệt tình, trách nhiệm nên được bà con trong xã vô cùng quý mến. Mỗi tháng, bệnh xá của Đồn Biên phòng Kỳ Khang thường xuyên tổ chức khám, chữa bệnh cho khoảng hơn 200 lượt người dân. Sức khỏe của người dân được cải thiện tốt như hiện nay có công rất lớn từ bác sĩ Tình và các đồng nghiệp”.

Chia tay Đồn Biên phòng Kỳ Khang, cơn gió Lào nổi lên khô rát, hằn thêm sự khắc nghiệt của mảnh đất nơi đây. Những việc làm bình dị của thiếu tá, bác sĩ Hồ Văn Tình và đồng đội đã góp phần làm khởi sắc cho vùng quê được xếp vào hạng đặc biệt khó khăn. Ghi nhận những đóng góp của anh và đồng đội trong công tác chăm sóc sức khỏe của đơn vị và địa phương là nhiều giấy khen, bằng khen của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Nhưng trên hết, chúng tôi tin rằng, phần thưởng ý nghĩa mà anh có chính là tên gọi thân mật “Bác sĩ Tình, tình nghĩa” mà nhân dân Kỳ Khang dành tặng.