Màu hy vọng giữa biển muôn trùng

|

Trên hành trình với biển đảo quê hương, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua chặng đường dài để đến với những hòn đảo thân thương của Tổ quốc: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây A, Trường Sa lớn. Đặt chân tới nơi nào, những người đến từ đất liền đều nhìn thấy từ xa mầu xanh của cỏ cây, hoa lá.

“Chăm cây nhiều khi hơn cả chăm bản thân”

Mỗi hòn đảo nơi chúng tôi vào thăm, điều khiến ai nấy trong đoàn đều bất ngờ, khâm phục chính là sự chịu khó, khắc phục khó khăn của thời tiết, địa hình để ươm từng mầm xanh cho đảo.

Đến Song Tử Tây trong cái nóng oi ả nhưng mầu xanh của cây phong ba, cây tra đã che mát cho chúng tôi trên mỗi con đường. Trải qua một trận bão lớn năm 2023, hầu hết cây cối trên đảo đều bị quật ngã. Thế mà hơn một năm sau, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã dựng lại cây đổ, trồng thêm nhiều cây mới. Có những cây phong ba cổ thụ đã “nằm xuống”, để cho những mầm non mới mọc lên, tạo nên dáng dấp của một người mẹ luôn dành trọn tình cảm, sự hy sinh cho đàn con thơ, tiếp tục vươn lên những mầm mới cho Song Tử Tây.

Anh Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây dẫn chúng tôi đi thăm đảo, chỉ vào những gốc cây tra cổ thụ mới được “hồi sinh” với niềm tự hào: “Nguồn nước trên đảo chủ yếu là nước mưa dự trữ. Nắng nóng kéo dài, nước càng khan hiếm, chúng tôi lấy lá tra khô ủ vào gốc cây. Khi được tưới nước, lá khô sẽ giữ độ ẩm cho gốc, đồng thời tạo chất mùn. Làm như vậy thì cứ 2-3 ngày chúng tôi mới phải tưới cây một lần”. Bên cạnh những loại cây quen thuộc như bàng vuông, phong ba, bão táp, mù u, cây tra…, quân và dân trên đảo đang trồng thêm dừa, mít, xoài, thanh long, chanh từ đất liền gửi tặng, đồng thời cũng tạo nên các vườn ươm cây giống để cung cấp cho những hòn đảo lân cận. Anh Cao Văn Giáp nhớ lại: “Trước đây chưa bão, cây phủ xanh đảo tới mức các chị đi không thấy mặt trời. Nhưng sau hơn một năm, chúng ta đã thấy cây như được hồi sinh. Bộ đội và dân cùng làm chung một việc: cùng trồng, cùng cuốc, cùng ủ từng bao đất, cùng ươm cây, cùng tưới tiết kiệm từng xô nước, chăm cây nhiều khi hơn cả chăm bản thân”.

Ngoài mầu xanh của cây cối, có lẽ điều khiến chúng tôi lưu luyến chính là những vườn rau xanh của anh em chiến sĩ trên đảo và trên cả Nhà giàn DK1. Giữa muôn trùng khơi, hình ảnh nhà giàn DK1/8 Quế Đường vững chãi, hiên ngang. Khu tăng gia của các anh được che kín, chăm sóc cẩn thận mà nói như Đại úy Nguyễn Văn Chính, cán bộ thông tin của Nhà giàn DK1/8 Quế Đường thì phải “canh hướng gió để che chắn cho rau xanh cũng như vật nuôi”. Nếu như trước đây, nhà giàn được ví như “quần đảo bão tố”, hiếm nhất là rau xanh thì bây giờ mùa nào thức nấy. Trước mắt chúng tôi nào rau muống, rau khoai, rau dền, bầu đất, rau cải, giậu mồng tơi chẳng khác gì ở quê nhà; giàn bí, giàn bầu trĩu quả; các loại cây gia vị như sả, húng quế, rau mùi tàu… mỗi thứ một ô đất rộng, chanh, ớt quả sum suê… dẫn lối cho chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến những điều thú vị khác.

Trồng rau cũng là việc rèn luyện bản thân

Đá Thị, Đá Đông B là những đảo chìm hay An Bang là một hòn đảo nhỏ, không có nhiều diện tích để các anh trồng rau. Tới Đá Đông B, chúng tôi ấn tượng với những khoảng đất nhỏ với nhiều chậu rau xanh được các anh che chắn kỹ lưỡng khỏi gió biển. Những khóm hoa giấy, cây đu đủ, cây ớt và vườn rau nhỏ xinh trên Đá Thị, những ô đất nhỏ cũng đủ tạo nên một khoảng vườn xinh xinh của các chiến sĩ nơi Đá Đông B cùng với chuồng chăn nuôi gà, lợn, ngan… ở phía bên dưới đã khiến cho ai nấy đều ngỡ ngàng. Vượt qua điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhất là mùa khô, nắng nhiều, không có nổi một hạt mưa, các anh vẫn tăng gia sản xuất, vẫn ươm từng mầu xanh nơi đảo nhỏ thân thương.

Nhiều năm về trước, khi điều kiện trồng rau còn hạn chế, đất và giống cây chưa nhiều, các anh đã tận dụng đá san hô đập nhỏ, trộn thêm đầu cá bò gù để có thêm chất dinh dưỡng cho đất. Còn bây giờ, khi giao thông thuận tiện, đất trồng cũng như giống cây phong phú hơn, anh em chiến sĩ tăng gia và trồng được nhiều loại rau, củ hơn. Nước ngọt không bao giờ dư dả vào mùa khô nên các cán bộ, chiến sĩ đã tận dụng nước sinh hoạt để tưới cây. “Khi trời dông to, sóng lớn, chúng tôi sử dụng bạt che để ngăn gió muối, dùng nước tưới, đồng thời rửa lá, ngăn cho muối mặn không làm hỏng rau. Chúng tôi đã tận dụng mọi hố, bể ngầm để trữ nước mưa, bảo đảm cho sinh hoạt cũng như có nước tưới rau. Tự tay trồng rau cũng giống như việc rèn luyện bản thân mình. Dù điều kiện, môi trường sống có khắc nghiệt nhưng chúng tôi luôn cố gắng khắc phục, an tâm tư tưởng công tác”, Đại úy Bùi Xuân Quốc, Chính trị viên đảo Đá Thị nói.

Tháng 4 là tháng nóng nhất ở Trường Sa, khí hậu rất khắc nghiệt, nắng nóng oi bức từ 4 giờ sáng đến 19 giờ hằng ngày, song đây là thời kỳ sóng yên biển lặng, thuận lợi cho các đoàn từ đất liền đến thăm và động viên quân và dân trên đảo. Có thể nói, nguồn rau xanh ở đây dồi dào, phong phú hơn cả. Những khoảng đất rộng với nhiều loại rau, quả được các chiến sĩ chăm sóc cẩn thận, thẳng hàng, thẳng lối. Theo thống kê năm 2023, đảo Trường Sa lớn đã tăng gia được 14.900 kg rau xanh, 2.120 kg đậu phụ, 2.980 kg giá đỗ. Hiện nay quân và dân trên đảo đã tự cung cấp 100% nhu cầu rau xanh và một phần thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày.

Nhìn thấy mầu xanh êm đềm của biển cả, mầu xanh tươi mát của cỏ cây nơi hải đảo xa xôi, chúng tôi như được trở về với những điều bình dị nhất, để càng trân quý sự hy sinh lặng lẽ của những người chiến sĩ. Những mầu xanh ấy luôn mang đến sự an tâm cho người đến và niềm hy vọng cho người ở lại.

Thoảng nghe tiếng gà gáy giữa biển khơi, tiếng lợn kêu ụt ịt, tiếng chó sủa và cả tiếng gà, vịt trong chuồng… xóa tan cảm giác mình đang đứng giữa mênh mông biển trời, mà như cảm thấy đang được ở nhà.