Chuyện cây cà-phê tổ đất Mường Ảng

|

Cuối những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, cà-phê được trồng ở Mường Ảng. Nhưng mới hơn chục năm trở lại đây cà-phê mới đem lại giá trị kinh tế vượt trội, trở thành cây trồng chủ lực giúp hàng nghìn gia đình ở Mường Khoe xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu vững chắc…

Người dè sẻn từng bát, nhưng nước cho cây phải tưới hằng ngày

Đưa chúng tôi đi một vòng qua khu vườn cà-phê thuộc xã Ẳng Nưa đến đầu thị trấn Mường Ảng, ông Nguyễn Thế Trung, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng mới khẽ kể những kỷ niệm tuổi thơ. Ông bảo rằng, những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên ở vùng đất này đều gắn với cây cà-phê thân thuộc, gần gũi.

Ông Trung ngày nhỏ thường theo cha mẹ đi làm cỏ, đào hố trồng cà-phê nên giờ đã ngoại tứ tuần mà vẫn nhớ như in kỹ thuật đào hố trồng cà-phê đạt tiêu chuẩn phải là 50*50*50 (có nghĩa là dài, rộng, sâu đều phải 50 cm mới đạt yêu cầu); rồi cả cách làm cỏ dưới gốc cây mới trồng cũng đòi hỏi xới khẽ nhẹ tay để không chạm rễ, long gốc… Năm theo năm, hết mùa làm cỏ đến mùa hái quả, lớp lớp người Mường Ảng như ông Trung đều được nuôi lớn nhờ công trồng, chăm sóc và thu hái cà-phê. Bởi thế, với người Mường Ảng thì cây cà-phê “thân như người thân trong đời. Khi đi đào hố làm cỏ, lúc lại chơi đánh trận giả, chơi trốn tìm trên vườn cà-phê… tuổi thơ của chúng tôi lớn lên trên những vườn cây ấy”, ông Trung tâm sự.

Cũng gắn bó với cây cà-phê, thế nhưng với những người như ông Nguyên, bà Sáu, ông Phanh ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa thì cây cà-phê còn thân như người bạn tri kỷ. Thế hệ công nhân nông trường Mường Ảng ngày ấy đã gửi trọn niềm hy vọng cơm áo, gạo tiền nuôi dạy đàn con thơ…

Bắt đầu trồng vào năm 1982, ông Trần Minh Nguyên, bà Nguyễn Thị Sáu và rất nhiều công nhân, nông dân ở Nông trường Mường Ảng ngày đó đều không biết cà-phê là cây như thế nào. Khi cán bộ nông trường triển khai, họ phát cho mỗi gia đình một túi hạt và nói rằng “đấy là hạt cà-phê”. Rồi sau đó, nông trường mời kỹ sư từ dưới xuôi lên hướng dẫn công nhân cách làm tum bầu đặt hạt vào ươm cây. Làm theo hướng dẫn là mỗi tum một hạt, những công nhân nông trường lại hồi hộp mong đợi từng ngày được nhìn mặt cây. Khi đạt chiều cao từ 30 cm thì công nhân đem trồng quanh các khoảnh vườn, đất nương gần nhà.

Trước yêu cầu trồng, chăm sóc cây cẩn thận bảo đảm cây ra hoa, đậu quả để lấy hạt làm giống cho mùa sau, những người đã gieo hạt ươm cây càng lo lắng hơn. Kể lại những ngày chăm cây mong có hạt làm giống, bà Sáu nhớ như in quãng thời gian chờ đợi từ hơn 40 năm trước: Chúng tôi chăm sóc cây từng li từng tí. Có năm khô hạn, nước ăn cho người phải dè sẻn từng bát nhưng nước cho cây thì chúng tôi vẫn phải tưới hằng ngày. Qua mùa hạn năm 1985, cây bắt đầu nở hoa. Từng chùm bông trắng muốt nở từ thân đến cành khiến người nhìn không khỏi xuýt xoa. Bà con người dân tộc H’Mông, dân tộc Thái ở mấy bản quanh huyện còn đi bộ hàng chục cây số từ trên núi xuống xem cây ngắm hoa mà ngạc nhiên, thích thú lắm. Lứa hạt đầu tiên thu về, các nữ công nhân của nông trường như bà Sáu lại tỉ mẩn chọn từng hạt tròn mẩy gói ghém cẩn thận chờ mùa gieo hạt vào tum.

Hầu hết các cây cà-phê tổ thuộc giống cà-phê Arabica ở Mường Ảng có tuổi đời hơn 40 năm, cao quá đầu người vẫn xanh tốt, cho quả trĩu cành.

Cây như hiểu lòng người nên gắn bện, sinh sôi

Năm qua năm, mùa gối mùa như thế từ những hạt cà-phê đầu tiên gieo ươm thành công ở mảnh đất Mường Khoe, được công nhân nông trường ngày ấy chăm bẵm, ươm thành triệu triệu cây cà-phê hôm nay. Đứng trước vườn cà-phê xanh ngút ngàn, bà Sáu khẽ nói: Hạt giống đầu tiên chúng tôi ươm trồng là giống Arabica thế nên bây giờ cả vùng này đều một dòng giống ấy. Ban đầu gia đình tôi ươm giống cấp cho các gia đình cùng công nhân, sau thì bà con trong vùng cũng về xin, mua giống. Cùng với việc để hạt làm giống, tôi còn hướng dẫn mọi người cách chọn hạt, làm tum ươm cây. Tính tuổi đời thì cà-phê trong vườn nhà tôi, vườn nhà ông Phanh đã hơn 40 năm rồi đấy. Các vườn cây khác trong xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Ẳng Tở là thế hệ “cây con”, “cây cháu” của các cây cà-phê tổ trên đất này.

“Thông thường là cây nhiều năm tuổi thế này thì thoái hóa, không có quả nữa, nhưng không hiểu sao cây cà-phê ở đất này vẫn cứ lên xanh và năng suất vẫn tốt lắm. Cứ như thể cây hợp đất, cây hiểu lòng người nên cây gắn bện sinh sôi. Nghĩ như thế nên chúng tôi cứ lần nữa năm này qua năm khác chẳng muốn phá cây trồng lại”, bà Sáu khẽ nói như tự hỏi.

Lời bà Sáu khiến tôi nhớ tới hai cây cà-phê ở khu trưng bày sản phẩm OCOP Mường Ảng được đặt ở hai vị trí trang trọng, dưới gốc còn có biển chữ “Cà-phê Arabica Mường Ảng - cây cà-phê tổ” được đưa từ vườn của gia đình ông Lò Văn Phanh ở bản Co Hắm về. Thoạt nhìn thì hai cây cà-phê ấy bình thường như bao cây khác song khi nhìn kỹ tấm biển “Cà-phê Arabica Mường Ảng - cây cà-phê tổ” treo sát gốc cây tôi mới nhận thấy sự khác biệt rõ ràng. Như lời của ông Lò Văn Quý, Phó Chủ tịch HĐND xã Ẳng Nưa thì gốc cây phải nhìn sát mặt đất mới thấy, chứ từ thân lên là chồi trên nền gốc nhiều năm rồi. Hỏi thêm ông Lò Văn Quý về ngọn nguồn hai cây cà-phê tổ ấy tôi mới biết, đó là hai trong số nhiều cây cà-phê đã được người Mường Ảng ươm trồng bằng hạt từ năm 1982, đến nay cây đã qua tuổi 42 rồi. Từ lứa cây này, người Mường Ảng đã để hạt ươm cây trồng được gần 3.000 ha trong toàn huyện. Xét về nguồn gốc, dòng giống thì lứa cây cà-phê đầu tiên ấy là dòng cây tổ trên vùng đất Mường Khoe!

Và như ngại điều giải nghĩa cho cây cà-phê tổ chưa thuyết phục, ông Lò Văn Quý nói thêm rằng: Cây tổ bởi cây có nguồn gốc rõ ràng; cây làm cây giống của cà-phê toàn huyện. Hơn nữa là, trong huyện Mường Ảng này thì những cây cà-phê ấy không chỉ gắn bó với đất mà còn rất đỗi thân thuộc với con người. Một đời cây nuôi lớn bao con người, bởi vậy mà cây là niềm tự hào của người người Mường Ảng!

Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng: Có nguồn gốc cây giống rõ ràng, có vùng nguyên liệu đặc trưng cho ra hạt cà-phê hương vị riêng mà không vùng nào có được, hiện tại cà-phê Mường Ảng chỉ còn đợi kết quả đánh giá, công nhận bộ chỉ dẫn địa lý của Bộ Khoa học và Công nghệ là hoàn toàn đủ điều kiện gia nhập thị trường cà-phê thế giới. Khi ấy, không chỉ có sân chơi “thị trường” rộng lớn, mà thương hiệu cà-phê Mường Ảng cũng đặc biệt riêng có.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng Tạ Mạnh Cường cho biết: Với kết quả trồng thử nghiệm bằng cách ươm hạt gieo cây từ cuối những năm 1970 của thế kỷ trước, Nông trường Mường Ảng đã khẳng định cây cà-phê thuộc giống Arabica phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng Mường Ảng. Ở độ cao từ 700-1.700 m, cà-phê Arabica Mường Ảng có hương vị đặc trưng riêng bởi được nuôi dưỡng bằng chất đất bazan màu mỡ và quyện cả hơi sương của vùng đất với tình người. Thế nhưng phận cây cũng bao phen chìm nổi trên thương trường bởi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” hay khi “được giá lại mất mùa” nên có kỳ cây được trồng đại trà khắp nơi nhưng cũng có kỳ cây bị chặt bỏ không thương tiếc…

Nhưng bằng tình yêu và niềm tin với cây, hàng trăm hộ dân ở Mường Ảng như gia đình các ông Hà Văn Hoan, Lầu Chồng Lử, Lò Văn Phanh, Mùa Súa Tòng và bà Nguyễn Thị Sáu vẫn quyết giữ cây như giữ miền ký ức với hy vọng làm giàu trên đồng đất Mường Khoe. Đặc biệt từ khi được Đảng bộ huyện Mường Ảng xác định “cà-phê là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo” thì cây cà-phê Arabica đã được chăm sóc, bảo vệ đúng với giá trị của nó. Bởi vậy mà những năm gần đây diện tích cà-phê được trồng mới của huyện tăng rất nhiều. Hiện toàn huyện có hơn 3.000 ha cà-phê giống Arabica, tập trung chủ yếu tại thị trấn Mường Ảng và ba xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Ẳng Tở; sản lượng trung bình quả tươi đạt 15 tấn/ha. Nhờ cây cà-phê, mỗi năm người Mường Ảng thu khoảng 500 tỷ đồng từ cà-phê và còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc H’Mông, dân tộc Thái từ khắp các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Thuận Châu (Sơn La), với thu nhập bình quân từ 7,5 triệu đồng đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Hơn ai hết, người trồng cà-phê Mường Ảng sẽ yên tâm sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, để cây cà-phê Mường Ảng ngày càng rợp bóng trên vùng đất xanh, thơm.