Cần minh bạch trong thực hiện dự án tại số 2 Lê Văn Lương

|

Ban đầu là quy hoạch chỉnh trang đô thị để hợp thức việc thu hồi đất tại tổ 2, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giao cho nhiều chủ đầu tư (CĐT); không đôn đốc, kiểm tra, thu hồi khi CĐT chậm triển khai dự án (DA); giao quỹ đất tái định cư cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Đặc biệt, việc thu hồi và xây dựng trên khu đất tiếp giáp sẽ ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ Di tích lịch sử Quốc gia “Hầm chỉ huy Sư đoàn phòng không 361”, di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng.

Mập mờ thông tin

Theo phản ánh của các hộ dân trú tại tổ 2 (phường Trung Hòa), khu đất hiện thuộc sở hữu của các hộ nguyên là nhà công vụ của Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361 trong những năm chiến tranh.

Năm 1982, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) đã cho cải tạo khu nhà này và quyết định cấp nhà và đất cho một số gia đình cán bộ, chiến sĩ đến ở. Năm 1992, Quân chủng PKKQ đã tiến hành hóa giá nhà theo quy định, đồng thời, đứng ra làm hồ sơ, thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các hộ dân.

Năm 2001, UBND TP Hà Nội đã cấp giấy Chứng nhận QSDĐ cho các hộ tại đây. Các hộ dân cho rằng, Quyết định số 112/2002/QĐ-UB, ngày 6-8-2002, do Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thời điểm đó là ông Hoàng Văn Nghiên ký, ban hành cùng bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đã xác định diện tích nói trên là đất quốc phòng, nằm trong lô đất ký hiệu 5.6 QĐ, với tổng diện tích 2.377 m².

Từ năm 2010, UBND quận Cầu Giấy, Chi nhánh (nay là Trung tâm) Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy nhiều lần ban hành văn bản thu hồi, buộc 14 hộ dân bàn giao đất. Điều đáng nói, phần diện tích 1.554 m² thuộc lô đất ký hiệu 5.6 QĐ bị điều chỉnh trên bản đồ, đưa sang lô 5.1 NO và 5.5 NO.

Tiếp đó, tại Quyết định số 3011/QĐ-UB, ngày 10-6-2016, của UBND TP Hà Nội phê duyệt: “Quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Văn Lương” ban hành kèm bản đồ chi tiết tỷ lệ 1/500, lại đổi ký hiệu phần đất nói trên thành: N.14 và N.15. Riêng lô 5.6 QĐ đổi thành N.16, ghi rõ tổng diện tích vẫn là 2.377 m². Thực tế, diện tích lô N.16 có 934,7 m² là đất an ninh quốc phòng, phần còn lại thể hiện trên bản đồ ứng với một khu dân cư thuộc quản lý của UBND phường Trung Hòa, không phải là đất quốc phòng và cũng không có liên hệ gì tới Di tích lịch sử Quốc gia “Hầm chỉ huy Sư đoàn phòng không 361”. Trên cơ sở đó, các hộ dân đã gửi kiến nghị nêu rõ bản đồ này sai lệch hoàn toàn so bản đồ hiện trạng khoanh vùng bảo vệ di tích Hầm chỉ huy Sư đoàn phòng không 361 do Công ty TNHH MTV Địa chính Hà Nội lập năm 2012.

Cùng trong năm 2016, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 4376/QĐ-UBND, ngày 18-11-2016, chấp thuận về chủ trương cho Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis (Công ty Louis) là chủ đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ và nhà ở” tại lô đất ký hiệu N14, N15.

Trong hồ sơ pháp lý mà Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy thông báo tới người dân, Công ty Louis được giải thích là “tách từ Công ty CP Đầu tư và khai thác kinh doanh Hà Nội” - Hancom. Điều này, theo phản ánh của người dân, là nhằm hợp thức hóa việc Công ty Louis được tiếp tục thực hiện Dự án “Xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ và nhà ở” tại lô đất nói trên (do trước đó Hancom được UBND TP Hà Nội giao thực hiện DA này). Ngoài ra, Công ty Louis cũng sẽ được tiếp quản từ Hancom hơn 4.000 m² đất thuộc phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Diện tích đất được UBND TP Hà Nội cấp cho Ban giải phóng mặt bằng TP Hà Nội sử dụng làm nhà tái định cư cho các hộ dân lô N14, N15 phải di chuyển để thực hiện DA “Xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ và nhà ở”.

Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy giải thích, Công ty Louis được tách ra từ Hancom nên việc cán bộ của Trung tâm “sốt sắng” thu hồi đất “giúp” doanh nghiệp thực hiện DA nói trên là đúng quy định.

Tuy nhiên, ở đây cần nói rõ, Hancom đã không triển khai bất cứ hạng mục công trình nào từ khi được giao đất năm 2010. Theo Điểm i, Điều 64 Luật Đất đai 2013, chủ đầu tư không sử dụng đất quá hạn 12 tháng liên tục sẽ phải thu hồi. Đối với DNTN đầu tư xây dựng để kinh doanh, DN phải tự thỏa thuận đền bù, bố trí nơi tái định cư… với người dân có đất bị thu hồi.

Trên thực tế, Công ty Louis là một công ty “con” của một DNTN đa ngành nghề khá nổi tiếng về lĩnh vực kinh doanh ăn uống, nhà hàng. DA mà Công ty Louis thực hiện tại khu đất nêu trên đã từng được đơn vị này quảng cáo, rao bán là các căn hộ cao cấp, biệt thự, nhà phố…

Còn quá nhiều vấn đề cần được làm rõ

Ông Nguyễn Xuân Mai, đại diện các hộ dân tại khu đất giáp Di tích lịch sử Quốc gia “Hầm chỉ huy Sư đoàn phòng không 361”, cung cấp cho phóng viên nhiều biên bản, giấy tờ liên quan đến diện tích 1.554 m² do Quân chủng PKKQ xác nhận. Những văn bản này đều cho thấy khu đất nêu trên vốn là đất quốc phòng, thuộc quản lý của Sư đoàn 361 trước khi được UBND TP Hà Nội cấp giấy Chứng nhận QSDĐ.

Tại Quyết định số 4897/QĐ-BVHTTDL, ngày 14-12-2012, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm bản đồ hiện trạng khoanh vùng bảo vệ di tích hầm sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361) cũng cho thấy, phần đất này tiếp giáp với di tích. Cũng theo Quyết định số 4897/QĐ-BVHTTDL, khu vực bảo vệ của Di tích chỉ được khoanh vùng bảo vệ I, không đề cập đến có khu vực bảo vệ II hay không. Theo Luật Di sản, việc xác định phần đất tiếp giáp có phải khu vực bảo vệ II của di tích cấp Quốc gia hay không do Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định.

Tuy nhiên, UBND quận Cầu Giấy lập quy hoạch, ban hành quyết định thu hồi đất đối với khu vực tiếp giáp di tích mà chưa có văn bản xác nhận của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch là trái Luật Di sản. Hơn nữa, việc xây dựng các công trình nhà ở cao cấp, cao tầng tại khu vực này sẽ khiến không gian di tích bị ảnh hưởng không nhỏ.

Để tìm lời giải cho những câu hỏi nêu trên, nhóm phóng viên đã có công văn đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy. Sau nhiều lần trì hoãn, chúng tôi cũng được tiếp cận với lãnh đạo Trung tâm quỹ đất Cầu Giấy và những hồ sơ, văn bản pháp lý liên quan.

Ông Nguyễn Đăng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định: Công ty Louis “được tách từ Hancom”. Công ty này cũng được giao diện tích đất tái định cư từ quỹ đất của thành phố để làm nhà tái định cư cho các hộ dân lô N14, N15. Không có chuyện Trung tâm quỹ đất vẽ lại bản đồ, cắt phần đất từ lô N16 sang N14, N15 như người dân phản ánh. Tất cả các quyết định, nhiệm vụ mà các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy thực hiện đối với việc giải phóng mặt bằng dân cư tuyến đường Lê Văn Lương đều có sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế, còn quá nhiều những vấn đề chung quanh DA này và những kiến nghị chính đáng của người dân tổ 2, phường Trung Hòa đang chưa được UBND quận Cầu Giấy giải đáp thỏa đáng. Thứ nhất, Công ty Louis có phải được tách ra từ Hancom hay không? Thứ hai, Công ty Louis có được phép kế thừa thực hiện các DA do Hancom được giao CĐT trước đó hay không? Thứ ba, Công ty Louis có được kế thừa sử dụng hơn 4.000 m² quỹ đất tái định cư tại phường Mỹ Đình 2 cho người dân bị thu hồi đất tại lô N14, N15 Lê Văn Lương hay không? Thứ tư, vì sao việc CĐT chậm triển khai DA lại không bị thu hồi mà được chuyển giao cho đơn vị khác? Thứ năm, việc CĐT rao bán căn hộ cao cấp, nhà phố thương mại, biệt thự… của DA “Xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ và nhà ở” có đúng chủ trương chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 4376/QĐ-UBND, ngày 11-8-2016, của UBND TP Hà Nội hay không? Việc này có trái với Điều 62, Luật Đất đai 2013 hay không?

Hơn thế, vấn đề ở đây không chỉ là việc bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ dân bị thu hồi đất, mà còn là bảo đảm cho việc tài sản của Nhà nước không bị chảy vào túi của một nhóm lợi ích hay cá nhân nào đó.

Nhóm phóng viên sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này.