Mưu sinh bằng nghề thu gom phế liệu

|

Không giàu có cũng chẳng nghèo nàn, những người kiếm sống nhờ vào nghề thu gom phế liệu đã có cuộc sống ổn định từ công việc này. Đa số họ là phụ nữ, khi thành lập gia đình, gia sản chỉ có vài triệu đồng, thậm chí vài trăm nghìn đồng làm vốn để tìm đến nghề thu gom phế liệu. Đó là cách để nhanh chóng tạo ra thu nhập nuôi sống gia đình. Cũng có người tìm đến nghề thu gom phế liệu như là sự cứu cánh khi kinh tế gia đình lâm vào khó khăn.

Cảnh đời đưa đẩy

Chị Phạm Thị Hoa, 50 tuổi (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đến với nghề thu gom phế liệu khá muộn màng. Khi cuộc sống gia đình có nhiều biến cố, chồng chị bị bệnh tim phải đi viện liên miên, tiền của trong nhà thi nhau “đội nón” đến bệnh viện. Một mình chị vừa nuôi chồng ốm đau, vừa nuôi đứa con học cấp 3 và chuẩn bị cho đứa con gái lớn về nhà chồng với khoản tiền cưới không hề nhỏ. Bấm bụng nghĩ không biết mình phải làm gì để có tiền, khi trông chờ vào nông nghiệp thì không thể. Nhìn nhiều người đi thu gom phế liệu về bán cho các đại lý, mỗi ngày tranh thủ đi chút rồi về nhập hàng, thời gian còn lại lo việc đồng áng, chị cũng thử.

“Những ngày đầu cũng lắm vất vả bởi họ thường để hàng cho khách quen, mình thuyết phục mãi mới chịu bán. Phần không quen mặt hàng, không quen giá cả nên vừa mua hàng vừa lo bị lỗ. Mới đó mà đã ba năm tôi làm nghề này, giờ thì gắn bó với nó vì nhờ công việc này đời sống gia đình tôi đã bớt khó khăn”, chị Hoa tâm sự. Chị còn cho biết thêm, địa phương có rất nhiều người làm nghề thu gom phế liệu cho các đại lý, toàn đàn bà con gái, nói là nghề phụ nhưng cho thu nhập chính và đây là công việc khá giản đơn, mặc dù cũng lắm nhọc nhằn.

Khác với chị Hoa, chị Hoàng Thị Thắng, 46 tuổi đã có hơn 10 năm đi thu gom phế liệu. Trong ngôi nhà xây chưa hoàn thiện, chị Thắng không ngần ngại bộc bạch với chúng tôi: “Bản thân tôi đơn thân nuôi con, cuộc hôn nhân ngắn ngủi đã để lại cho tôi đứa con trai, nuôi con một mình cũng nhọc nhằn, cái bù lại là cháu học giỏi. Làm gì để nuôi con ăn học, đó là suy nghĩ của tôi. Và đó cũng là sự đẩy đưa khiến tôi tìm đến nghề thu gom phế liệu”.

So trước đây thì người thu gom phế liệu hiện nay nhiều hơn gấp mấy lần nhưng cũng may mắn một phần, vì lượng phế liệu từ đồ dùng công ty, vật dụng cá nhân trong gia đình ngày một tăng lên, giúp người kiếm sống nhờ nghề này cũng tạm ổn. Bạn bè chị Thắng, chị Hoa tham gia công việc này cũng nhiều, chẳng mang lại giàu sang phú quý gì nhưng nó bảo đảm cho cuộc sống gia đình nếu chịu khó làm việc.

Chăm chỉ là đủ sống

Chuyện của những người thu gom phế liệu là câu chuyện về những con ong chăm chỉ, siêng nhặt thì chặt bị. Chị Hoàng Thị Mơ, 41 tuổi (ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) có hoàn cảnh khó khăn nhất trong số người mà chúng tôi gặp. Học hết cấp 2 chị lấy chồng và tình duyên lận đận đến đời chồng thứ hai thì vẫn phải chia tay. Giờ chị Mơ một mình nuôi hai đứa con, hoàn cảnh ngặt nghèo cũng là lúc chị nghĩ đến đi buôn “đồng nát”. Và chị đến được cái đích mình đặt ra đó là nuôi sống gia đình gồm chị và hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Chị chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình: “Nhiều người thu mua phế liệu thường dùng xe gắn máy. Phương tiện của tôi là xe đạp, tôi không có tiền để mua xe gắn máy, mà nếu có thì không biết đi. Khó thì chịu khó, tôi đi xe đạp, vừa tiết kiệm lại vừa tiện dụng khi phải ghé nhiều nơi gần nhau trong cùng một địa điểm. Thường thì người bán phế liệu chỉ điểm mặt các đồ có giá trị, số còn lại như ít giấy vụn, nhựa... họ cho. Nếu mình chịu nhặt nhạnh số này thì gom cũng được tiền, tích tiểu thành đại nên nhiều lúc đây là thu nhập kha khá cho người buôn phế liệu”.

Chị Nguyễn Thị Vân, người cùng đi mua phế liệu với chị Mơ chia sẻ thêm: “Chỉ cần siêng đạp xe đi thu gom phế liệu, siêng năng nhặt nhạnh những thứ họ không dùng nhưng còn bán được là đủ sống rồi. Tôi thu gom phế liệu cũng hơn 5 năm nay, thấy đây là nghề sống được. Mình lao động chân chính, kiếm tiền bằng sức lao động của mình, tôi thấy vui với nghề này”.

Không có cơ hội “phất lên” làm giàu như các đại lý thu mua phế liệu. Người đi thu gom phế liệu vì thế có cuộc sống trung bình, gọi là thu nhập tạm ổn. Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Thắng cho hay: “Mỗi tháng ít nhất có 20 ngày làm việc, tính bình quân chung, ngày được tầm 150 nghìn đồng. Như thế tôi đã kiếm được 3 triệu đồng/tháng. Mà không phải thời gian 20 ngày đó được sử dụng hết, sáng tôi đi tầm 8 giờ sáng, sau đó nhập hàng lúc 2 giờ chiều, thời gian còn lại làm việc khác như khai thác rừng, cạo mủ cao-su... Cuộc sống như thế này là ổn lắm rồi, chỉ mong trời cho sức khỏe chứ trời mưa nắng chi thì nghề thu gom phế liệu cũng không kiêng thời tiết”.

Xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) là nơi có gần 20 người tham gia thu gom phế liệu với số lượng lớn. Ở đây bắt đầu hình thành hình thức thu gom có phương tiện vận chuyển là ô-tô tải. Cách làm này vừa đỡ tốn sức vận chuyển lại có thu nhập tăng thêm nhờ lượng phế liệu lớn, giá có khá hơn. Chị Trần Thị Hường nói: “Chúng tôi thu mua vài ngày tại một địa bàn sau đó chung tiền thuê xe vận chuyển đến nơi thu mua tập trung, thu nhập tăng thêm tháng chừng 1 triệu đồng. Người thu mua phế liệu theo cách này có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng là bình thường, đời sống gia đình khá ổn định nhờ nguồn thu nhập đó.

Trên con đường đất đỏ quạch, ngày nắng cũng như mưa, chị Hoàng Thị Mơ thường đèo trên xe đống phế liệu, là nguồn thu nhập để nuôi gia đình.

Nỗi lo còn lớn

Có thu nhập ổn định từ một nghề tưởng chừng như chẳng đủ để sống là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một bức tranh ít mầu sáng của những người thu gom phế liệu. Bởi vẫn tồn tại những sự việc, những cảnh đời cần đáng lưu tâm.

Phế liệu, bản thân chúng là những thứ bỏ đi. Trong số đó không ít đồ độc hại mà người thu gom phải tiếp xúc hằng ngày. Chị Hoàng Thị Mơ chia sẻ: “Chúng tôi tiếp xúc với những thứ độc hại, có rất nhiều trong phế liệu, đặc biệt là từ rác thải công nghiệp. Gần đây thì đỡ hơn rồi, trước chưa biết mấy loại vỏ thuốc trừ sâu, vỏ thuốc độc hại tôi vẫn mua. Đi làm nghề này mãi thành quen, cũng phân biệt được để loại trừ. Nhưng khi buộc phải tiếp xúc với chúng, thì đó là một thiệt thòi, là sự nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng”.

Đối với những vùng miền núi, trung du, phế liệu ngoài các vật dụng bỏ đi có cả vũ khí, đạn dược thời chiến tranh còn sót lại nhưng không được nộp cho cơ quan chức năng, mà lại được mua bán, trao đổi một cách bất hợp pháp, hoặc không ý thức được mức độ nguy hiểm. Chị Hoàng Thị Thắng kể lại câu chuyện của mình: “Hôm mua nhầm phải đầu đạn, khi đã chở một đoạn khá xa thì cái bao bị rớt xuống, đầu đạn lăn ra giữa đường. Lúc đó tôi mới phát hiện được. Nhìn cái đầu đạn tôi lo quá, không thể để nó giữa đường lỡ có ai giẫm phải mà phát nổ thì mình mang tội. Nhưng đụng vào nó thì tôi cũng sợ, đứng lấy tinh thần chừng ba mươi phút, tôi quyết định “nâng” hắn tới chỗ bụi cây và báo cho bên rà phá bom mìn về xử lý”. Chị Thắng kể khi mồ hôi vẫn rịn ra trên trán.

Chị còn chia sẻ thêm, ở vùng nông thôn còn đỡ, vì làng trên xóm dưới đều biết nhau nên ai làm chi, tính tình ra sao người ta biết hết nên dễ bề đi lại, chứ ở thị trấn với thành phố, những người đi buôn phế liệu bị nhiều người dè chừng bởi sợ mất của cải. Có khi người thu gom phế liệu còn bị tình nghi gái làm tiền. Thiệt là cơ khổ, con sâu làm rầu nồi canh mà”, chị Thắng ngậm ngùi.