Báo động môi trường qua các chỉ số
Ghi nhận tại tuyến kênh Ba Bò (quận Thủ Đức), đoạn gần cầu Tỉnh Lộ 43, dưới kênh dòng nước đen ngòm, sủi bọt trắng xóa và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Theo phản ánh của các hộ dân sống ven kênh, tình trạng này diễn ra nhiều năm nay do nguồn nước thải đổ ra từ các xí nghiệp, nhà máy trong khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2… ở gần đó. Bình thường nước có mầu vàng đục, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, dòng nước chuyển mầu đen, đặc quánh và rất hôi thối.
Theo lãnh đạo UBND phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức), với tình trạng ô nhiễm như trên, ngoài việc thực hiện công tác khảo sát, cập nhật tình hình, chính quyền địa phương đã nhiều lần phản ánh và báo cáo với các đơn vị liên quan nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Trước đó, năm 2007, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải tạo tuyến kênh này. Thế nhưng, đến nay, mới hoàn thành các hạng mục phụ, như: nạo vét lòng kênh, xây kè, đường..., còn hạng mục chính là xây hồ điều tiết và hồ sinh học nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải đang trong quá trình thực hiện.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những tác động từ môi trường. Cụ thể, hằng ngày, có gần 1,8 triệu m³ nước thải sinh hoạt thải ra môi trường; khoảng 839 nguồn thải công nghiệp, chủ yếu do hoạt động sản xuất, xây dựng…; chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.300 tấn/ngày và từ công trình xây dựng khoảng 1.200 đến 1.600 tấn/ngày. Bên cạnh đó, thành phố đang phải tiếp nhận trên dưới 3.000 m³/ngày lượng bùn thải phát sinh từ các trạm và nhà máy xử lý cấp nước, nước thải...; hơn 2.000 nhà máy công suất lớn cùng khoảng 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, thải ra 1.500 đến 2.000 tấn chất thải công nghiệp/ngày, trong đó, chất nguy hại khoảng 350 đến 400 tấn. TP Hồ Chí Minh có 1,9 triệu hộ gia đình, hằng ngày thải ra môi trường gần 3.500 tấn rác. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ có hơn 134.000 nguồn thải, với gần 3.400 tấn rác/ngày. Riêng khối lượng chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 22 tấn/ngày, chủ yếu phát sinh từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân.
Nguồn nước thải xả xuống các dòng kênh chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự báo đến năm 2020, nguồn rác thải ra tăng lên gần 10.100 tấn/ngày (tăng bình quân năm phần trăm mỗi năm) và đến năm 2025, tăng lên gần 13.000 tấn/ngày. Cũng theo ông Thắng, hiện tồn tại một số bất cập trong thu gom và xử lý chất thải, như: thiết bị thu gom rác thải dân lập quá thô sơ và xuống cấp; một số phương tiện vận chuyển rác đã cũ; tính kết nối giữa công tác thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ. Đáng nói, công nghệ xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi, nước rỉ rác...
Mới đây, tại kỳ họp thứ tư (kỳ họp bất thường) của HĐND TP Hồ Chí Minh chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đánh giá, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Đáng báo động, tình hình ô nhiễm vẫn diễn biến theo hướng đáng lo ngại. Cụ thể, nước mặt, nước ngầm, tiếng ồn, không khí, bùn thải…, chưa được xử lý đạt yêu cầu. Mức độ ô nhiễm tại nhiều nơi vượt chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân.
Ý thức bảo vệ môi trường còn kém
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường đô thị, khu dân cư và chất thải đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: thiếu tính phối hợp, chưa bám sát kế hoạch nên chưa tạo ra hiệu quả. Mặt khác, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận tổ chức, cá nhân sinh sống, lao động, sản xuất, kinh doanh chưa tốt; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đồng bộ, kịp thời.
Để công tác bảo vệ môi trường thành phố đạt hiệu quả thời gian tới, theo Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, trước hết, thành phố cần tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong vấn đề xả thải ra môi trường. Nếu cá nhân, tổ chức nào thực hiện không nghiêm cần đưa ra các quy định xử phạt, chế tài thật mạnh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về bảo vệ môi trường, trong đó, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại và khép kín để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường khi vận chuyển rác; nên có cơ chế khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn nhằm giảm phí thu gom; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đề ra các chỉ tiêu như: đến năm 2018, bảo đảm 100% người dân tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường; từ năm học 2018 đến 2019, bảo đảm 100% học sinh các cấp học phổ thông được giáo dục về kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường; đến năm 2020, tỷ lệ các đối tượng thực hiện phân loại rác đúng quy định đạt tối thiểu 50% và tăng dần vào các năm tiếp theo; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư; đến năm 2020, tỷ lệ tối đa lượng chất thải rắn thông thường sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh là 50%, đến năm 2025 là 20%; đến năm 2020 hoàn tất việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố, bảo đảm dữ liệu được truyền trực tiếp về cơ quan chức năng để thực hiện công tác quản lý, giám sát...Từ thực trạng môi trường nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện công đoạn xử lý rác và chất thải rắn. Theo đó, chọn ba quận nội thành (gồm quận 1, 3 và 5) để thí điểm phân cấp việc quét dọn rác trên các tuyến đường. Sau một năm, sẽ triển khai đại trà cho các quận, huyện năm 2018. UBND thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai mô hình thùng rác công cộng và phương tiện vận chuyển rác thích hợp trong việc thu gom rác dân lập đạt hiệu quả. Về phân loại rác tại nguồn, thành phố yều cầu các đơn vị thực hiện cần kiên trì, có bước đi và lộ trình thực hiện phù hợp; có chính sách phù hợp để người dân tích cực hưởng ứng việc phân loại rác tại nguồn.
Liên quan đến việc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh), với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, có năm nội dung bị xử phạt, trong đó, chủ yếu xử phạt liên quan đến việc xử lý nước thải từ khu xử lý rác Đa Phước của VWS. Ngoài ra, VWS bị xử phạt về hàng loạt hành vi sai phạm như: không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không xây lắp bổ sung công trình xử lý nước thải dẫn đến rò rỉ nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường chung quanh...