Tất cả dựa vào tre Việt
Hôm ấy, cùng thăm địa đạo với chúng tôi còn có một đoàn 30 học sinh tiêu biểu của Trường THCS Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi). “Chú Ta” (cách xưng hô của các em học sinh) dẫn cả đoàn đi thẳng vào cửa đình Thạch Tân, ngôi đình đang được trùng tu sau hơn 300 năm tuổi. Ông Huỳnh Kim Ta lẳng lặng dẫn cả đoàn đi vòng đằng sau đình và dừng lại trước một cửa xuống nho nhỏ ngay nền ngôi đình.
Hóa ra, ngay dưới nền đình Thạch Tân có hai địa đạo đã được bắt đầu đào từ giữa năm 1965, có đường thông ra mương nước gần đó và cây rỏi cổ thụ. Hai ngôi hầm này khá rộng, một dùng làm hầm cứu thương, còn một bên làm nơi tích trữ lương thực kháng chiến của người dân thôn Thạch Tân.
Xã Tam Thắng trước kia có tên là Kỳ Anh, nhiều người gốc ở đây vẫn gọi quê mình bằng tên cũ. Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu khởi công từ tháng 1-1965 ở thôn Tân Thái. Theo lời của ông Huỳnh Kim Ta, địa vực vùng cát của Kỳ Anh giáp biển và khu đầm lầy Sông Đầm nên vùng đất này khá nhiều cát phủ. Vậy làm sao địa đạo lại được đào dài ở các thôn như vậy? “Tất cả đều dựa vào tre, nhờ cây tre Việt Nam làm lũy thành từ trên xuống dưới”, ông Ta nói. Mỗi thôn ở Kỳ Anh đều trồng rất nhiều tre bao quanh, từ lịch sử lập làng được ghi lại từ thế kỷ 15. Khi đào xuống đất, sau 30 - 40 cm đất cát là đến lượt đất sét pha cát được người Kỳ Anh gọi là “đất quánh”. Nhưng để đào sâu và giữ được vách địa đạo vững sau mùa nước không phải dễ. Các chiến sĩ dân quân du kích chủ sự bèn nghĩ ra cách dùng “dầu rái” và tre đan (vốn hay sử dụng trong việc làm ghe, thuyền) cùng các trục gỗ, trục tre để dàn tường vững ở các tuyến địa đạo. Còn các con đường nhánh địa đạo không thẳng mà lại quanh co chạy dưới các lũy tre, vì rễ tre ở trên lại là các “mái đan” vững chắc giữ đất chống sụp.
Nhờ tre làm địa đạo, người Kỳ Anh vẫn vững vàng suốt thời gian chịu sự càn quét dữ dội trong chiến dịch “Bình Định nông thôn” lấn chiếm vùng giải phóng của đế quốc Mỹ từ năm 1965. Chiều rộng địa đạo trước đây chỉ từ 0,8 - 1 m; chiều cao từ 1,2 đến 1,5 m, sâu dưới 2 m.
Cách đình Thạch Tân hơn 400 m, là gốc cây rỏi cổ thụ được cho là hơn 500 năm tuổi. Thời chiến tranh, khu vực đầm lầy sông Đầm (rộng hơn 200 ha, là nơi phình to thành đầm lầy của con sông Trường Giang giáp biển) là nơi đánh bắt thủy sản của người dân tất cả các thôn ở Kỳ Anh, cũng là nơi trú ẩn, dịch chuyển của dân quân sau mỗi trận càn của địch, do thông thuộc địa vực. Mỗi khi cán bộ, chiến sĩ từ tỉnh đội; hoặc các nhóm cán bộ chính quy từ các Binh đoàn Trường Sơn được cử xuống tham gia chiến đấu, thì du kích của Kỳ Anh thay nhau gác trên cây rỏi cổ thụ. Nếu địch tiến công, người gác sẽ phát hiện được từ xa và thông báo với các cấp chỉ huy. Rồi tùy tình hình, sẽ ưu tiên các chiến sĩ chính quy từ xa đến phân tán hết xuống địa đạo, còn dân quân du kích thông thuộc địa vực thôn, sông Đầm sẽ phân tán, lánh quân vào các bãi sậy đầm nước chung quanh…
Cửa vào địa đạo.
Địa đạo từ trong lòng dân
Sau gần hai giờ đồng hồ thăm địa đạo, rồi cây rỏi cổ thụ, trở lại khu bảo tàng nhỏ ở cửa đình Thạch Tân, tất cả đoàn các em học sinh Trường THCS Phổ Cường, cùng chúng tôi đều mang những luồng cảm xúc khác.
Những người ở Kỳ Anh còn liên quan đến địa đạo không nhiều. Ngay tại khu vực địa đạo, một ngày vẫn đón có năm - bảy đoàn khách, nhưng cũng chỉ ông Ta có thể nói kỹ và đầy đủ về địa đạo. Sinh ra trong những năm tháng khó khăn nhất của quê hương, ông Huỳnh Kim Ta chứng kiến sự ra đời của địa đạo từ những ngày còn thơ ấu. Năm 1978, ông tham gia nhập ngũ để chống lại quân Polpot ở Campuchia, cho đến năm 1981 mới về lại quê hương. Dọc đường thăm địa đạo, có lẽ không chỉ chúng tôi mà các em học sinh cũng sẽ nhớ rất lâu câu nói của ông Ta thường lặp đi lặp lại sau mỗi câu chuyện kể: “Tôi được nghe những người đi trước, mỗi lần kể về địa đạo đều nhấn mạnh rằng, đào địa đạo trong lòng đất thì đã khó. Nhưng khó hơn và bền nhất cho mọi công việc chiến đấu hay sản xuất, là con đường địa đạo trong lòng dân…”.
Trong ký ức của ông Ta, những ngày đào địa đạo, gần như cả xã được huy động. Ngay cả ông hồi đó mới là một cậu bé cũng nhớ như in những đêm đào địa đạo: “Bởi vì có địa đạo trong lòng dân nên địa đạo trong lòng đất làm nhanh lắm”. Từ những mét địa đạo đầu tiên, người Kỳ Anh đã triển khai địa đạo trên diện rộng ở cả xã, công cuộc xây dựng kéo dài đến tận những năm 1968 - 1969. Tổng diện tích khu địa đạo xã Kỳ Anh lên tới 32 km chiều dài, đan thông nhau theo hình bàn cờ ở từng thôn và nhiều nhất là ở hai thôn Thạch Tân và Vĩnh Bình. Người dân, du kích, dân quân tỉnh đội Quảng Nam; các chiến sĩ chính quy từ các binh đoàn Trường Sơn, đã cùng nhau náu mình trú ẩn và chiến đấu cho đến tận ngày giải phóng.
Nhìn những hiện vật đơn giản ở nhà trưng bày, nhìn những mét địa đạo, mới thấy nể phục ý chí sắt đá của quân và dân ta. Vũ khí đánh giặc không đâu xa xôi, chỉ là cuốc vó, xẻng ngắn đào địa đạo. Ông Ta chỉ vào tấm bảng lớn đề tên hơn 200 liệt sĩ và gần 60 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của thôn Thạch Tân, một trong tám thôn trong toàn xã Tam Thăng ngày nay. Tổng số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của toàn xã là 237 cụ. Tất cả hầu hết đều hy sinh mọi thứ để giữ nước, giữ làng, đào địa đạo, chống địch… Trong thời gian 10 năm (1965 - 1975), tức là nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng các chiến tích ấy vẫn hiển hiện lên trên mảnh đất nay đã trở thành no ấm, vui tươi.
Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới này có hệ thống địa đạo như Việt Nam. Những Củ Chi, Vịnh Mốc, Kỳ Anh, không chỉ là những đường hầm chằng chịt trong lòng đất, đó là câu chuyện của những người giữa bắt bớ kìm kẹp, đạn bom, vẫn quyết “một tấc không đi, một ly không rời” bảo vệ quê hương.
Từ trong lòng đất, ánh sáng cứ lấp lánh theo những câu chuyện, theo những cái tên. Năm tháng trôi đi, khu địa đạo cũng bị lấp bởi địa hình vùng trũng, quanh co nhiều cát, nhưng chỉ với những gì còn lại, nhìn những gương mặt học sinh đến thăm địa đạo hôm nay chăm chú theo hướng tay chỉ của ông Ta, tôi hiểu rằng đó là những giá trị trường tồn.