Huyền thoại giữ rừng

|

Hàng trăm năm nay, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) luôn quan niệm rằng, trồng cây cũng là để giữ người. Trồng cây là lo cho cuộc sống con người, khỏi bị bão lũ, khỏi bị thiếu nước, có môi trường trong lành. Người Vân Kiều ở đây giáo dục cho thế hệ mai sau, tầm quan trọng của trồng cây, trồng cây cũng như trồng người.

Về miền xanh như lá

Cách thị trấn Khe Sanh tầm 7 km, chúng tôi đến với xã Húc. Vừa đến địa điểm đầu xã chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên bởi những cánh rừng xanh um, đặc biệt hơn nữa đó là rừng tự nhiên do đồng bào dân tộc Vân Kiều tự coi sóc.

Địa phận thôn Húc Thượng là một trong những “trọng điểm rừng” của xã Húc. Mục sở thị tận nơi rừng sâu, chúng tôi thấy hết được sự kiên trì, nhẫn nại của đồng bào trong việc trồng rừng, giữ rừng, bám rừng. Ông Hồ Văn Méc, Trưởng thôn Húc Thượng nói với chúng tôi: “Khi người ta đi vơ vét của rừng không chừa một cái chi thì ở đây bà con vẫn kiên trì giữ rừng như cuộc sống của mình”.

Ông Méc cho biết thêm, từ hàng trăm năm nay, từ cái thời tổ tiên rừng đã được coi trọng vì rừng chở che cho đồng bào, nuôi sống đồng bào, rừng là mẹ của đồng bào. Hiện nay, xã Húc còn cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú, đa dạng. Rừng nguyên sinh này còn rất nhiều loại cây gỗ lớn như sú, lim, sến, dẻ, phu lai, trường… Trong ký ức người Vân Kiều nơi đây, không ai còn nhớ rõ rừng có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, thế hệ trước dạy thế hệ sau phải quyết tâm gìn giữ, bảo vệ, không được chặt phá rừng bừa bãi và càng không được để người ngoài thôn vào rừng khai thác.

Cả một vùng đồi núi trập trùng thăm thẳm xanh mầu lá, đấy là lý do khiến khí hậu nơi đây rất trong lành. Chỉ cách thị trấn Khe Sanh 10 phút đi xe gắn máy nhưng chúng tôi cứ tưởng mình đã lạc vào một thế giới khác với những cánh rừng xanh như ngọc bích, thấp thoáng bên những ngọn đồi là những mái nhà sàn đơn sơ của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Hầu như ở đây không ai xây nhà lớn, bởi theo quan niệm của đồng bào “làm nhà chỉ đủ để ở”, việc làm nhà lớn buộc phải khai thác lượng gỗ lớn, điều đó là ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng.

Những cây gỗ lớn

Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc dẫn chúng tôi “mục sở thị” cánh rừng với những cây gỗ lớn ở thôn Húc Thượng. Chúng tôi buộc phải đi bộ, vì không có con đường nào lên núi ngoài con đường mòn độc đạo men dọc bờ suối và vách đá núi chênh vênh. Gửi xe lại nhà trưởng thôn, chúng tôi bắt đầu hành trình leo lên Cóc La Pa và A Pắt (theo tiếng Vân Kiều là đồi và núi) trên dãy Trường Sơn hùng vĩ để tận mắt nhìn những cây gỗ lớn trong cánh rừng nguyên sinh. Ban đầu, chúng tôi đi qua những con đường nhỏ với những ngọn núi nhỏ. Thấp thoáng trên nương của đồng bào Vân Kiều ở đây, mùa này cải xanh đến không ngờ. Và bao nhiêu rau quả đủ để cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của người dân trong một năm. Men theo con đường nhỏ dưới tán rừng rợp bóng cây và độ cao của dốc núi cũng cheo leo hơn. Tán cây rừng trùng điệp xếp chồng lên nhau hết lớp này đến lớp khác, các thân dây leo chằng chịt bít kín cả lối đi. Sau gần hai giờ đồng hồ luồn lách qua dưới hàng cây gai góc, men theo vách núi cheo leo sát mép vực, chúng tôi mới đến được khu rừng nguyên sinh nằm trên Cóc La Pa, A Pắt nơi có hàng trăm cây gỗ lớn đang phủ xanh bóng mát đại ngàn Trường Sơn.

Mặc dù đã thấm mệt, nhưng trong đoàn ai cũng háo hức, vì càng đi sâu vào rừng, chúng tôi được chiêm ngưỡng cơ man các cây cổ thụ rất lớn, có đường kính từ 1,5 - 2 m. Đứng bên thân cây dẻ rừng cao lớn, ông Ka Rai cùng trưởng thôn Hồ Văn Méc đo đạc một hồi rồi nói, cây này có đường kính khoảng 2 m. Ông Méc cho biết thêm, thôn Húc Thượng có 128 hộ dân với 680 nhân khẩu. Mặc dù đời sống người Húc Thượng còn nghèo khó nhưng họ rất có ý thức bảo vệ rừng, không tự ý vào rừng khai thác gỗ. Các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong thôn lập ra những quy tắc, luật lệ riêng để bảo vệ, gìn giữ rừng. Người dân trong thôn chỉ được khai thác gỗ về để làm nhà và phải làm một mâm xôi, con gà, chai rượu trắng để cúng thần rừng, xin thôn mới được đốn cây. Tuyệt đối, không được chặt cây đem bán. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị dân làng bắt phạt bằng một con bò, một con trâu hoặc dê, tùy theo mức độ. Người ngoài thôn tuyệt đối không được vào rừng khai thác gỗ.

Trên đoạn đường xuống núi, ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc tâm sự với tôi: “Rừng nguyên sinh ở Cóc La Pa và A Pắt được người Húc Thượng gìn giữ từ rất lâu trước đó nhưng phải đến năm 2008 thì mới được huyện và kiểm lâm chính thức giao cho cộng đồng thôn bảo vệ rừng. Thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận để tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng. Vì đây không chỉ là rừng nguyên sinh mà còn là cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, có tác dụng bảo vệ dân làng khỏi bão lũ. Năm 2010, huyện Hướng Hóa có chính sách cho người dân khai thác gỗ để làm nhà cho các hộ nghèo với những công lao họ đã đóng góp nhưng người dân nơi đây tuyệt nhiên không ai khai thác vì… để bảo vệ rừng”.

Để tạo thêm vành đai và thuận tiện cho việc coi sóc, bảo vệ rừng, người dân trồng thêm các loại cây như bời lời đỏ, bơ ở bìa rừng. Ngồi trong ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi, hướng ánh mắt về phía Cóc La Pa, anh Hồ Văn Tiêu (sinh năm 1982) ở thôn Húc Thượng chia sẻ: “Gia đình tôi tham gia bảo vệ rừng hơn 10 năm nay. Việc bảo vệ rừng như là trách nhiệm của con cháu đối với ông bà đi trước vậy. Ai ai cũng muốn giữ rừng. Đều đặn hằng tháng, tôi cùng những người khác trong thôn vào rừng kiểm tra xem có ai đặt bẫy thú hay khai thác trộm gỗ rừng không. Nếu có bẫy thì chúng tôi thu bẫy đem về nộp cho trưởng thôn, còn nếu gặp người khai thác trộm gỗ rừng, sẽ khuyên nhủ và báo với chính quyền. Để có thêm thu nhập và bảo vệ rừng, ngoài lúa nước, tôi còn trồng thêm cây bơ và bời lời ở bên ngoài mé rừng”.

Tâm linh nối tiếp nguyên sinh

Đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Vân Kiều cũng đã góp công bảo vệ rừng mà chúng tôi gọi đây là vấn đề những cánh rừng tâm linh (rừng ma) nối tiếp những cánh rừng nguyên sinh. Rừng ma là nơi chôn cất những người đã chết của đồng bào Vân Kiều, cùng với những vật tùy táng mang theo, nấm mộ và cây rừng là những thứ bất khả xâm phạm. Mỗi “lãnh địa” của rừng ma tùy thuộc vào thôn, bản, họ, tộc lớn hay nhỏ nhưng bình quân mỗi rừng ma cũng chừng 3.000 m2 đất, tương ứng trên diện tích đó là những cây rừng xanh tốt, theo năm tháng chúng trở thành cây cổ thụ và nối tiếp vào những cánh rừng nguyên sinh thành một hệ thống rừng lớn. Ông Hồ Văn Méc cho chúng tôi hay, trong đời sống tâm linh của người dân tộc Vân Kiều, “rừng ma” là nơi bất khả xâm phạm bất kỳ đối với ai, đồng bào chôn cất người chết ở đâu là cấm khai thác rừng, cấm chặt cây ở chỗ ấy. Đến mức cây cỏ cũng cấm nên cây rừng ở đó lớn, động vật sống ở đó cũng nhiều. Anh Hồ Văn Tiêu chia sẻ thêm, mỗi họ tộc có một rừng ma, chôn hết đất ở rừng ma này thì đi tìm và tạo lập những rừng ma khác. Không được ai chặt cây, bẫy thú ở đó, nếu làm trái đều bị họ tộc phạt nặng, bị tổ tiên ông bà chê bai. Ở xã Húc, các thôn như Húc Thượng, Húc Ván, Tà Rùng... ở đâu cũng có rừng tự nhiên và “rừng ma”, cả đời nay rừng cùng tồn tại chung với đồng bào.

Rời xa “lá phổi xanh” của xã Húc để trở lại những nơi không có rừng, chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng ở những nơi mà chúng tôi từng đi qua mầu xanh như lá ấy. Chúng tôi ghi nhớ bài học của đồng bào Vân Kiều nơi đây, trồng cây cũng là trồng người, và trồng người là để trồng cây, giữ rừng chứ không phải cướp đi của rừng hàng trăm, hàng triệu thứ, điều đó như là phản bội lại sự sống mà rừng đã dành cho con người.

Để thuận tiện hơn cho việc bảo vệ rừng, năm 2008, tổ bảo vệ rừng được thành lập với bảy thành viên. Họ bảo vệ rừng với tinh thần hoàn toàn tự nguyện, đến nay vẫn không hề có một đồng trợ cấp hay hỗ trợ nào. Đều đặn hằng tháng, đội bảo vệ rừng của thôn Húc Thượng lại vào rừng để tuần tra, nếu thấy có người khai thác rừng thì nhắc nhở, ngăn chặn và trình báo kịp thời với cơ quan chức năng. Năm 2016 vừa qua, người dân thôn Húc Thượng được UBND tỉnh tặng giấy khen về công tác bảo vệ rừng.