Khẩn trương hơn nữa!
Dù đã hẹn trước nhưng buổi làm việc vào sáng ngày 4-8 của chúng tôi với Thượng tá Trần Minh Phúc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nậm Pồ, vẫn bị lùi lại mấy tiếng đồng hồ bởi sự cố tắc đường.
Tờ mờ sáng ngày 4-8, Thượng tá Trần Minh Phúc đã trực tiếp đi một vòng qua các xã Na Cô Sa, Nà Khoa, Nà Hỳ, Nậm Nhừ, Nà Bủng để kiểm tra thực địa các điểm có nguy cơ sạt trượt, nguy cơ cao lũ ống, lũ quét. Như thông tin Thượng tá Phúc cung cấp, được biết, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Nậm Pồ bị tắc nghẽn do hàng chục nghìn khối đất đá từ trên ta-luy dương đổ xuống. Mà nặng nhất là đường Chà Tở - Mường Tùng; đường từ xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) nối hai xã Na Cô Sa, Nà Khoa (huyện Nậm Pồ); đường từ km 45 đi trung tâm huyện Nậm Pồ; đường từ trung tâm huyện Nậm Pồ đi cửa khẩu Nà Bủng và quốc lộ 4H bị tắc đoạn qua bản Nà Khuyết (xã Pa Tần). Trong số đó có nhiều điểm ách tắc nguy hiểm, người và phương tiện thô sơ không thể đi lại được, như: đường từ Quảng Lâm đi Na Cô Sa, Nà Khoa và đường từ trung tâm huyện Nậm Pồ đi cửa khẩu Nà Bủng. Đây là hai tuyến đường quan trọng nối dân cư các điểm biên giới, nếu để tắc dài ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Bởi đó đều là tuyến đường độc đạo, nếu ốm đau thì người dân không thể đến được trung tâm y tế huyện chứ nói gì đến các tình huống cần kíp khác.
Để nhanh chóng giải phóng các điểm tắc, ngay khi trở về Ban CHQS huyện, Thượng tá Phúc đã báo cáo lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện; đồng thời cử cán bộ, chiến sĩ và huy động thêm dân quân tự vệ địa phương hót đất đá sụt sạt trên đường từ trung tâm huyện Nậm Pồ đi cửa khẩu Nà Bủng. Vừa giao nhiệm vụ cho các anh em, anh Phúc vừa giục “phải khẩn trương thông đường cho bà con càng sớm, càng tốt, kẻo không thì mưa lớn lại tắc nhiều hơn”. Nói rồi, anh mới kể cho chúng tôi nghe về mưa rừng lũ nguồn ở huyện biên giới Nậm Pồ rất chi là khó dự báo. Vì vùng núi mưa bất thường, lũ đổi dòng liên tục cho nên nhiều khi dự đoán ở nơi này thì lũ lại về nơi kia. Chính thế mà cuối tháng 7 vừa qua, các anh đã phải ra quân “gấp” để di chuyển nhà cửa, tài sản cho hai gia đình là ông Giàng A Chu (bản Huổi Sang) và gia đình ông Giàng a Khoa (bản Sam Lang) ở xã Nà Hỳ đến nơi an toàn. “Thật may là anh em vừa di chuyển xong thì nước lũ về; chậm một tí thôi, không biết chuyện gì đã xảy ra…”, Thượng tá Trần Minh Phúc nói với chúng tôi, vừa nhìn về góc trời đang trút mưa tầm tã.
Câu chuyện bộ đội giúp dân chống lũ khiến tôi nhớ lại buổi làm việc với Trung tá Vi Văn Thu, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện Mường Nhé, tại trụ sở UBND xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé vào một ngày cuối tháng 6 vừa qua. Trở về từ vùng lũ ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, Trung tá Vi Văn Thu chưa kịp trút bộ áo mưa ướt sũng đã trao đổi với chúng tôi. Sau khi cung cấp những thông tin cơ bản nhất về tình hình mưa bão, lũ lụt trên địa bàn, Trung tá Vi Văn Thu lại vội trở vào tâm điểm vùng lũ là bản Cà Là Pá cứ như thể nhà anh ở đó và người thân của anh cũng ở đó đang chờ. Trong số hơn 80 gia đình ở bản Cà Là Pá, có 30 gia đình bị thiệt hại; hơn 150 người đang cảnh “màn trời chiếu đất” chỉ sau một đêm nước suối Nậm Ma cuộn chảy. Trước lúc chia tay, Trung tá Thu bảo: “Lúc này người dân cần bộ đội nhất, nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi hết. Cả đời tích góp giờ hai bàn tay trắng”.
Sức người, tình người hạn chế thiên tai
Cùng thời điểm, một số xã vùng lòng chảo của huyện Ðiện Biên, như: Núa Ngam, Sam Mứn có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ngập sâu trong nước; nhiều diện tích hoa màu có nguy cơ mất trắng do ngập úng. Để hỗ trợ nhân dân thu gom vớt vát số hoa màu còn có thể, ngay trong đêm 29-6, gần 90 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn 741) đã tỏa về khắp cánh đồng xã Núa Ngam, Sam Mứn giúp nhân dân thu hoạch lúa, rau màu.
Là người trực tiếp chỉ huy giúp dân đêm hôm ấy, Đại úy Mùa A Khương, Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 1, nhớ như in cảnh người dân ướt sũng từ đầu đến chân nhưng lúa thì bó nào cũng được cuốn áo mưa cẩn thận. Nhờ có sự giúp sức tích cực của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn, thiệt hại trên 10 ha lúa, hoa màu được hạn chế rất nhiều.
Là một trong số những người được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Điện Biên hỗ trợ trong mưa lũ, với chị Lò Thị Dọn (bản Na Ten, xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên) thì ký ức về lần chết hụt một năm trước sẽ mãi còn khắc sâu trong tâm trí. Ðó là đợt mưa lũ xảy ra vào trung tuần tháng 8-2017, trên đường đi làm nương về, chị Dọn và hai người cùng bản không kịp qua cầu do nước lũ chảy xiết. Dầm mình trên dòng nước lớn giữa cận kề cái chết, chị Dọn không thể ngờ mình được cứu nhờ sự dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện. “Không quản hiểm nguy, các chú bộ đội đi xuồng cứu hộ lao vào dòng nước cứu tôi giữa đêm mưa tối đen như mực”, chị Dọn kể lại. Sau mấy giờ vật lộn trên dòng nước xiết, cuối cùng nhóm cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Điện Biên cùng dân quân tự vệ đã đưa được chị Dọn cùng hai người khác vào bờ an toàn. Khi ấy cũng vừa lúc trời vừa hửng sáng.
Nói về những chuyến hành quân giúp nhân dân chống lũ, khắc phục hậu quả thiên tai của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên trong những năm qua, Đại tá Lại Mạnh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Thống kê số liệu của Bộ Chỉ huy có đầy đủ số người tham gia trong mỗi đợt hành quân về cơ sở, nhưng bản thân tôi không thể nhớ hết được. Chỉ tính từ cuối tháng 6 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố huy động gần 1.200 lượt dân quân tự vệ, bộ đội thường trực tham gia hàng nghìn ngày công giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; trong những tháng cao điểm mưa lũ (từ tháng 6 đến hết tháng 9), Bộ CHQS tỉnh yêu cầu Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các chế độ trực ban, trực chỉ huy 24/24 giờ; các đồ dùng phục vụ ứng cứu, như: áo phao, bó cọc, hệ dây kéo, sọt đựng đất đá… luôn được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng. Dẫu vẫn biết sức người trước thiên nhiên là có hạn, nhưng trong gian khó hiểm nguy, người lính không quản ngại vì sự an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ghi nhận đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn, đồng chí Trần Hà Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, đã nói ngắn gọn rằng: “Có sự góp sức của bộ đội, thiệt hại do thiên tai được hạn chế rất nhiều”. Nghe điều ghi nhận của đồng chí Trần Hà Sơn và tình cảm của người dân vùng lũ đi qua, tôi chợt nghĩ về sự trải lòng của Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh khi nói về trách nhiệm của người lính trước nhân dân. Đó không chỉ là việc thực thi nhiệm vụ thuần túy mà còn là tình cảm, tấm lòng của người lính từ nhân dân mà ra...
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì được tin sau mấy ngày mưa tầm tã đầu tháng 8, trên địa bàn các huyện biên giới, vùng cao, vùng sâu: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông... nhiều điểm sạt trượt đổ xuống đường và đổ vào nhà dân, nhiều cánh đồng lúa vụ mùa đang xanh nõn nà nay toàn là sỏi đá… Nhưng tôi tin, khi có các anh - những người lính Cụ Hồ sẵn sàng ứng cứu thì thiên tai, khó nhọc với người dân sẽ vơi bớt những nỗi nhọc nhằn…