Doanh nghiệp xã hội không mặn mà đăng ký

|

Hiện mới có hơn 20 doanh nghiệp xã hội (DNXH) đăng ký chính thức. Con số này rất thấp so với số tổ chức có thể trở thành DNXH ở Việt Nam. Vì sao vậy?

Phần nổi tảng băng chìm

DNXH được thành lập với mục tiêu giải quyết một vấn đề xã hội mà DN đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường. Số DNXH thực tế tại Việt Nam hiện nay lớn hơn nhiều lần con số 167 DNXH được thống kê theo nghiên cứu năm 2011 của Hội đồng Anh, CSIP và Sparks. Vậy điều gì khiến các DN ngại đăng ký làm DNXH chính thức?

Bà Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân và CFVG, nhận xét thẳng: Một DNXH đăng ký sẽ buộc phải yêu cầu làm báo cáo, có các trách nhiệm nhất định. Mà DN chỉ thực hiện khi nào lợi ích đem lại lớn hơn chi phí. Qua quá trình tư vấn và tiếp xúc với các ND, bà Thắng nhận thấy có hai động cơ để DN đăng ký là DNXH. Một là gây dựng thương hiệu (branding). Hai là đăng ký khi thấy có cơ hội nhận tiền tài trợ của các tổ chức khác, và DN tặng, cho ưu đãi, lợi ích về tài chính sẽ được miễn thuế với khoản tặng, cho đó. Nhưng các thủ tục pháp lý để được chứng nhận là DNXH với DN vừa và nhỏ là khá tốn kém, nên hiện giờ có một số lượng lớn DNXH hoàn toàn do tự nhận. Với những DN hoạt động thật sự vì mục tiêu xã hội và môi trường, họ có thể tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ mà không cần đăng ký.

Không thể khẳng định số lượng DNXH theo đăng ký chính thức cũng là khẳng định của PGS, TS Eric Bidet, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Kinh tế Xã hội, ĐH Le Mans, Pháp. Theo ông, kể cả ở các nước từng diễn ra hiện tượng bùng nổ về số lượng và đã có định nghĩa về DNXH rõ ràng như Pháp, Hàn Quốc, thì các DN thật sự hoạt động vì mục tiêu xã hội cũng khác so danh sách đăng ký với pháp luật. Như vậy đây là một hiện tượng phổ biến kể cả ở các nước phát triển.

Đừng coi như doanh nghiệp thông thường

Nhiều ý kiến cho rằng, để cộng đồng DNXH phát triển lành mạnh, Nhà nước cần chung tay để dỡ bỏ các rào cản cho sự phát triển của DN, giúp DN hoạt động theo cơ chế thị trường, chứ không phải trực tiếp can thiệp vào DN một cách duy ý chí bằng chỉ tiêu, kế hoạch. Việc đăng ký với pháp luật không nên bị biến thành công cụ để DN nhận ưu đãi, nhưng cũng không nên là rào cản, chỉ vì DN thấy phiền phức hoặc phải theo kiểu xin - cho.

Trong số lượng ít ỏi DNXH đã đăng ký ở Việt Nam, có nhiều DN như Vinmec, Vinschool, là những thương hiệu mạnh, tiềm lực tài chính dồi dào. Theo bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng CSIP, đối với các thương hiệu cung cấp dịch vụ cao cấp hướng đến khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu, như Vinschool có thể cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng cao hay du học tại chỗ. Mục tiêu này khá xa với các vấn đề giáo dục nóng bỏng hiện nay như chênh lệch giáo dục thành thị - nông thôn về cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo. Các DN lớn trở thành DNXH là đáng mừng, nhưng có lẽ chính họ cần có những giải thích rõ hơn với cộng đồng về sứ mệnh xã hội, và có tuyên ngôn xác đáng mang định hướng rõ ràng.

Đối với việc liệu DNXH có cần các chính sách ưu tiên đặc biệt hay không, ông Lê Việt Cường, sáng lập viên, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kym Việt, xác nhận: Hiện tại, DNXH thiếu sự hỗ trợ cụ thể về pháp lý, như khi đi làm hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ gặp được câu trả lời: hãy về hỏi luật sư; đi làm việc để xúc tiến thương mại thì không có chương trình, không có tư vấn. Ngoài ra, DNXH vốn có chi phí lớn hơn do sử dụng nguồn lao động chất lượng thấp, sản lượng thấp, nhưng đầu ra lại phải cạnh tranh với thị trường, khiến mức lợi nhuận thấp hơn so mức trung bình của ngành.

Đó là chưa kể tới việc DNXH phải dành lợi nhuận để phục vụ các mục tiêu xã hội nên gặp nhiều khó khăn so với DN bình thường. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng DNXH không cần có các ưu tiên đặc biệt về nguồn vốn, hoặc về ưu đãi, nhằm tránh sự lợi dụng chính sách không cần thiết. Nếu có ưu đãi, các DN không hoặc ít có mục tiêu tái đầu tư trở lại. Bởi các mục đích xã hội sẽ được tận dụng ưu đãi đó, và các DNXH thật sự lại đứng trước bài toán cạnh tranh gay gắt hơn.