Theo Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng của năm 2023 đạt 13,71%. NHNN cũng dự kiến, tăng trưởng tín dụng là 15% vào năm 2024, tương đương sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế và sẽ có điều chỉnh phù hợp diễn biến, tình hình thực tế. Lãnh đạo NHNN khẳng định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.
Vốn vẫn là bài toán khó
Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng như trên, theo quan điểm mới đưa ra từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, tín dụng ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong năm 2024, trong bối cảnh hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn, nhu cầu chi tiêu cải thiện, cùng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại liên tục cắt giảm lãi suất huy động trong năm 2023, tạo cơ sở cho việc hạ lãi suất cho vay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, tín dụng năm 2024 sẽ tăng trưởng tích cực. Bởi lẽ, giai đoạn khó khăn nhất của vĩ mô đã qua, sự phục hồi đang được thể hiện rõ trong số liệu kinh tế bao gồm việc xuất khẩu tăng trưởng trở lại, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, nhu cầu tiêu dùng cũng phục hồi.
Tương tự, nhận xét về triển vọng năm 2024, Công ty chứng khoán VCBS cho biết, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn danh mục trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng dự kiến duy trì ổn định.
Trong báo cáo khảo sát tình hình doanh nghiệp năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng cho biết, niềm tin của doanh nghiệp đã dần quay trở lại khi so với con số khảo sát tháng 4/2023, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực hoặc rất tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô đã cao gấp 2,7 lần.
Tuy nhiên, ông Thuân bày tỏ mối lo ngại liên quan đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024. Hiện, chỉ có dưới 40% số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, giảm mạnh kể từ năm 2022.
Lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn, bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc tư vấn cấp cao Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, sự yếu và thiếu trong hệ thống thông tin quản lý nội bộ hiện chưa thể bắt kịp nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, trong đó có nhu cầu vốn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thiếu các tài sản bảo đảm chất lượng như bất động sản, chỉ có các loại tài sản như hàng tồn kho, khoản phải thu vốn không được định giá cao, tỷ lệ vay thấp và làm hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp.
Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cũng chưa có nhiều dịch vụ cung cấp vốn đa dạng cho phân khúc khách hàng vừa và nhỏ, vốn chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam. Khác với các thị trường phát triển, các tổ chức phi ngân hàng cũng chỉ chiếm tỷ lệ thấp, quy mô vốn nhỏ làm hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp.
Ngân hàng và doanh nghiệp cần tìm tiếng nói chung
Dù niềm tin của doanh nghiệp đã quay trở lại, nhưng về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân bày tỏ sự lo ngại khi có 72,8% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58,9% có thể giảm quy mô lao động hơn 5%, trong đó có 16,6% giảm hơn 50%. Có 60,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm hơn 50% doanh thu là 17,3%.
“Doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt. Vì vậy, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin, năng lực phục hồi của tổng thể nền kinh tế”, báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chỉ rõ.
Trước đó, chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng.
Có thể thấy rằng, các thông điệp từ đầu năm đều hướng đến một nội dung, cần có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng được khuyến khích giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay, nắn dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh và kiểm soát với các lĩnh vực rủi ro.
Đưa ra quan điểm về việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Fiin Group cho rằng, cần duy trì mức chi phí vốn rẻ như hiện nay để bảo đảm đa số doanh nghiệp có thể có lợi nhuận trong trung và dài hạn, đặc biệt khi nền kinh tế mới bắt đầu giai đoạn phục hồi như hiện nay.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng cho rằng, “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn và ngân hàng muốn đưa được vốn đúng địa chỉ doanh nghiệp thì hoạt động sản xuất, kinh doanh phải được minh bạch hơn nữa.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Phượng cho rằng, cần sự tham gia của các tổ chức phân tích chuyên sâu, đáng tin cậy và cung cấp thông tin khách quan để minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, đặc biệt là mảng tài chính - kế toán nhằm bảo đảm kiểm soát rủi ro, kết hợp áp dụng công nghệ vào quản trị để kịp thời và liên tục có đầy đủ thông tin minh bạch. Qua đó, chuẩn hóa được số liệu sổ sách, báo cáo tài chính để cung cấp cho ban lãnh đạo cũng như các tổ chức cho vay.
Đồng thời, việc cải tiến hệ thống cũng bảo đảm quy hoạch nguồn vốn vay (ngắn - trung - dài hạn), tài sản bảo đảm, cân đối dòng tiền giúp doanh nghiệp tránh tình trạng mất cân đối vốn gây rủi ro thanh toán nợ, bỏ lỡ các cơ hội sản xuất, kinh doanh tiềm năng.
Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính nhận định, sức khỏe của các doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn nằm ở hai vấn đề chính là kinh doanh và tài chính. Nếu như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng minh bạch, cùng với chính sách tín dụng cởi mở, lãi suất ở mức hợp lý thì việc tiếp cận vốn vay không còn là bài toán khó giải.