Lễ hội câu cá trên băng

|

Hơn một triệu khách du lịch đã đổ về lễ hội câu cá trên băng thường niên nổi tiếng thế giới Hwacheon Sancheoneo, đang diễn ra tại thị trấn miền núi Hwacheon, thuộc tỉnh Gangwon của Hàn Quốc.

Hàng nghìn du khách háo hức tham gia hoạt động bắt một loài cá hồi núi chỉ sống ở vùng nước sạch. Người tham gia có thể bắt cá bằng cách thả dây câu qua các lỗ trên băng (trong ảnh) hoặc bắt cá tay trần.

Sử dụng AI phân loại cà-rốt

Công ty Kitanoho Solutions ở Hokkaido (Nhật Bản) đã phát triển thành công một hệ thống phân loại cà-rốt tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đối phó tình trạng thiếu nhân công. Japan Times cho biết, hệ thống sẽ sử dụng AI để phân tích hình ảnh của từng sản phẩm do camera chụp lại trên băng chuyền và một robot sau đó phân loại các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Phát hiện hẻm núi khổng lồ dưới đáy biển

Các nhà khoa học Australia công bố phát hiện một hẻm núi khổng lồ mới dưới đáy biển ở khu vực Nam Cực. Theo ABC News, hẻm núi này nằm ở độ sâu 2.100 m, rộng 9.000 m, dài hơn 46 km ở khu vực cách sông băng Adams khoảng 70 km. Phát hiện trên là cơ sở để phát triển các mô hình chính xác hơn về quá trình tương tác giữa các dải băng ở Nam Cực với đại dương.

Hố đen cổ xưa nhất trong vũ trụ

Nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí khoa học Nature đã chỉ ra các phát hiện mới về lịch sử hình thành hố đen cổ xưa nhất trong vũ trụ. Trước đó, dựa trên hình ảnh quan sát được từ kính thiên văn James Webb, giới khoa học cho rằng, hố đen này có khối lượng gấp 1,6 triệu lần Mặt trời, ra đời chỉ 430 triệu năm sau khi vụ nổ Big Bang hình thành nên vũ trụ, tức là tồn tại lâu hơn 200 triệu năm so bất kỳ hố đen nào từng được quan sát.

Tàu thăm dò của Nhật Bản đáp xuống Mặt trăng

Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo, tàu đổ bộ (trong ảnh) thăm dò Mặt trăng (SLIM) của nước này đã thành công đáp xuống bề mặt Mặt trăng. Như vậy, tàu SLIM, đi vào quỹ đạo ngày 25/12/2023, là tàu vũ trụ đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu sứ mệnh tại Mặt trăng, tiếp nối các cuộc đổ bộ của Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ lên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất này.