Cò về bên phố

|

Không chỉ khách du lịch nước ngoài mà cả người Việt Nam khi đến TP Hội An (Quảng Nam) đều ngạc nhiên, thích thú khi thấy đàn cò trắng lượn quanh chiếc máy cày trên đồng ruộng.

“Vì lo cái bụng đi mò cái ăn”

Đó là câu ca dao khi nói về thân phận con cò mò mẫm đồng trũng, đồng sâu, đồng mầu, đồng ải. Chúng mò con tép, con cá nhỏ khiến người nông dân liên tưởng sự tảo tần nhằm an ủi mình dù khổ đến mấy cũng chưa đến nỗi như thân cò. Trong thế giới động vật, có loài chiến đấu để sống, có loài đầu hàng để sống. Loài cò thuộc diện chạy trốn mối nguy để sống nhưng vì kiếm ăn nên cò cũng dần quen với cỗ máy, con người.

Vui mắt nhất vẫn là vào độ cày bừa. Trong luống cày, ruộng cày bùn sục mầu xám sền sệt, đàn cò trắng cứ xúm quanh máy cày hoặc bì bõm theo vạt cày và như muốn nói với anh lái rằng, chúng tôi cũng muốn góp công với nông dân. “Chúng biết máy chạy xình xình cùng người lái cày là người hiền nên đi theo”, thợ cày Nguyễn Văn Cường, cày ruộng thuê tại thôn Đông, phường Cẩm Châu (Hội An), cười thẹn nói như vậy. “Cò không có cảnh giác với người lao động. Đất lật đến đâu chúng chạy theo đến đó, kiếm con cá con tép sau mùa lũ tràn đồng”, anh Cường cho biết thêm.

Khi tôi ngồi trên máy cày cùng với anh Cường mới ngộ ra rằng, ngồi yên nói chuyện thì không sao nhưng chỉ cần giơ máy ảnh ra hướng về phía đàn cò là chúng liền “quác” lên một tiếng rồi bay biến. Một con bay, cả đàn bay theo. Thực tình mà nghĩ, một loài vật vừa biết chạy, vừa biết bay mà không dám đương đầu với một chiếc máy ảnh, hẳn trong quá khứ chúng đã từng nếm những đau thương. “Đàn cò về đồng cày cũng vui nhưng để chụp được chúng, người chụp ảnh phải ngồi yên một chỗ và phải giả bộ như mình không làm gì cả”, chị Hà Thị Vân, một hướng dẫn viên du lịch cho biết.

Nhiều khách du lịch đạp xe qua cánh đồng Hội An thấy đàn cò trắng rất đẹp muốn chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm. Họ thao tác giữ thế cho xe đứng, tay sột soạt rờ điện thoại. Thật tiếc, khi đưa được điện thoại lên thì đàn cò cũng đã chỉ còn là những bóng trắng trên cánh đồng. “Cò về Hội An quanh năm. Về nhiều vào những độ sau cơn bão hoặc sau mùa gặt. Những ngày đó, cò lấp ló bên bờ ruộng, trong gốc rạ hoặc trên lưng trâu. Rồi đến mùa cày ải, cả cánh đồng trơ trọi chỉ có máy cày và đàn cò nhìn buồn nhưng rất đẹp”, chị Vân tấm tắc khen.

Để cò sống với tự nhiên

Ruộng lúc cày bừa bùn hòa vào nước khiến tôm cá nhỏ bị sặc, nước lại không đủ độ thoáng để chúng bơi tránh nên đây là mùa kiếm ăn của đàn cò. Nhưng ở một hoàn cảnh khác khi những cơn bão bắt đầu ngừng gió, mưa ngớt hạt, đàn trâu bì bõm lội trong nước kiếm ngọn cỏ ngoi. Đây là thời điểm cò về bám đậu trên lưng trâu bắt ve, bắt rận. Cuộc sống cộng sinh, trâu no bụng, cò cũng đỡ đói lòng.

Anh Cường kể chuyện ở một số vùng nông thôn, người ta dùng cò giả nhử cò thật. Đàn cò bay trên cao nhìn xuống đồng ruộng, nếu thấy có cò “mồi” ở phía dưới chúng sẽ hạ thấp độ cao rồi tìm chỗ đậu lại. Tại địa điểm đó họ để rất nhiều miếng nhựa dính, lưới cài khiến cò bị giữ chân không bay lên nổi. Anh Cường gằn giọng: “Nghe nói họ còn dùng âm thanh phát ra tiếng như tiếng cò kêu nữa. Tôi đã được nếm thịt cò rồi, nó tanh và nhiều xương. Thật sự thịt cò không ngon nên không ăn và đừng săn bắt làm chi”.

Trong văn học dân gian Việt Nam, con cò cũng mang nhiều tiếng oan phá lúa. Hay dẫn khách đi thăm thú các nơi chị Vân nói vui: “Vì cò cứ sà xuống ruộng nên “tình ngay, lý gian” là ở chỗ đó. Biện hộ sao đây? Đời cò cũng như đời tui, khách của tui không vứt một sợi rác khi tham quan nhưng chung quanh các điểm danh thắng vẫn ngập nylon. Mỗi khi đưa khách tham quan, tôi vẫn hay nhặt rác vì sợ “quê” với người ta”.

Trong gia đình, vợ hoặc chồng gầy ốm, người ta gọi là cò hương. Mấy tay buôn bán bất động sản gọi là cò đất. Còn đàn cò trên đồng chỉ gọi theo mầu sắc lông cánh như cò trắng, cò tía, cò khoang… Cò về đồng ruộng Hội An như điểm thêm một nét đẹp thiên nhiên chan hòa, tình người nhân hậu thuần phác và tràn ngập yêu thương.

“Do tính cách của người Hội An thuần hậu nên cò biết mà về chăng?”, thấy tôi đặt câu hỏi anh Cường bật cười cho rằng: “Cò thì răng biết được tính cách người vùng ni với người vùng khác. Tui nghĩ ở đâu cò cũng về. Nhưng ở đây không ai săn bắt, lừa bẫy nên cò dạn dĩ hơn mà thôi”.