Ethiopia lưu giữ nguồn gen cà-phê Arabica

|

Vùng Tây Nam đất nước Ethiopia là quê hương của những cây cà-phê Arabica có tuổi đời lên đến cả trăm năm. Trong đó, Khu dự trữ sinh quyển Kafa ở nước này không chỉ bảo vệ hệ sinh thái rừng nhiệt đới độc đáo mà còn đang bảo tồn nguồn gen cà-phê bản địa.

Kafa cách Thủ đô Addis Abba của Ethiopia khoảng 460 km. Năm 2010, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận Kafa là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới do những đặc điểm đa dạng, độc đáo và hơn nữa, nơi đây còn bao gồm một nền “văn hóa cà-phê” đã ăn sâu vào đời sống và dòng chảy lịch sử của Ethiopia.

Được coi là một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới, tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên ở Ethiopia cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cách đây hơn 20 năm, rừng tự nhiên bao phủ 40% đất nước, ngày nay chỉ còn lại 2,7%. Kafa là nơi có một trong những khu rừng tự nhiên cuối cùng còn sót lại, do đó nơi đây cũng trở thành “ngân hàng gen” tự nhiên của giống cà-phê cổ.

Theo CNN, từ năm 2014, Liên minh bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học Đức (NABU) phối hợp chính quyền địa phương đã triển khai dự án bảo tồn những khu rừng cà-phê hoang dã cuối cùng còn sót lại tại Kafa. Bà Askale là một trong những người dân địa phương tham gia dự án này, được hướng dẫn phương pháp canh tác và thu hoạch sao cho đáp ứng những yêu cầu và tiêu chuẩn hữu cơ để có thể xuất khẩu cà-phê sang châu Âu. Trong mùa thu hoạch năm nay, Askale đã đạt được một đơn hàng xuất khẩu với giá thu mua cao hơn.

Không chỉ nâng cao giá trị cho cà-phê, Hợp tác xã (HTX) cà-phê Kafa nơi bà làm việc đã phát triển các sản phẩm mới như than hoạt tính làm từ vỏ quả cà-phê… Điều này góp phần đa dạng hóa thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Ông Bruno D'Amicis, Chủ tịch HTX cà-phê Kafa cho biết: “Ngành cà-phê Ethiopia đang nỗ lực thực hiện quản lý bền vững không gây tổn hại đến môi trường và các nguồn tài nguyên gen của cây”.

“Chúng tôi đã khích lệ tái trồng và bảo tồn rừng nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và duy trì hệ sinh thái cho việc trồng cà-phê. HTX đang hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, kiểm soát sâu bệnh bằng phương pháp sinh học thay vì hóa chất, tái sử dụng phế phẩm từ quá trình chế biến cà-phê, cũng như sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước và hạn chế sử dụng hóa chất độc hại”, ông D'Amicis cho hay.

Ngoài ra, để duy trì và phát triển bền vững, việc bảo tồn đa dạng di truyền của giống cà-phê cổ là vô cùng quan trọng. “Những khu rừng tự nhiên là một bảo tàng gen cà-phê”, Mesfin Tekle - một chuyên gia về tài nguyên thiên nhiên và điều phối viên dự án của NABU giải thích. Ông cho biết, các gen kháng bệnh được tìm thấy trong những cây cà-phê nằm sâu trong rừng và có thể được nhân giống ra để canh tác. “Đây chính là tầm quan trọng của khu rừng cà-phê trên bờ vực của biến đổi khí hậu này”, Tekle nói với CNN.

Một nghiên cứu năm 2019 của Trung tâm nghiên cứu cà-phê tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew của Anh đã phát hiện ra rằng, khoảng 60% trong số 124 loài cà-phê trong tự nhiên đang bị đe dọa tuyệt chủng do thay đổi mục đích sử dụng đất và nạn phá rừng và biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Aaron Davis, người đứng đầu trung tâm cho biết, cà-phê hoang dã rất quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của ngành cà-phê: “Ethiopia đã và đang nỗ lực để thực hiện yêu cầu này. Các tổ chức nghiên cứu, chính phủ và tổ chức phi chính phủ tại Ethiopia đã hợp tác để nghiên cứu và phát triển các giống cà-phê mới có khả năng chống lại bệnh tật, thích nghi với biến đổi khí hậu, tăng cường năng suất mà vẫn giữ được chất lượng”. Ông Davis nhấn mạnh, Khu dự trữ sinh quyển Kafa cũng là nơi nghiên cứu để hiểu rõ hơn về sự đa dạng và ngăn chặn sự suy giảm của các gen quý giá.