Tại các quốc gia phát triển, cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung và dài hạn có rất nhiều ưu việt cho các doanh nghiệp và hộ dân, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đi thuê tài chính, khách hàng không phải thế chấp tài sản, giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản. Thông qua kênh này, khách hàng được hỗ trợ vốn để đầu tư tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất; một số công ty cho thuê tài chính còn cho vay bổ sung vốn lưu động đối với khách hàng thuê tài chính… Tại Việt Nam, sau gần 30 năm, hoạt động này vẫn chưa phát triển được như mong muốn do còn nhiều vướng mắc.
Thị trường phát triển vẫn khiêm tốn
Tại Hội thảo Hệ sinh thái số và phát triển bền vững ngành cho thuê tài chính tại Việt Nam cuối tuần qua, ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST cho biết, xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước, đến nay thuê tài chính đã trở nên phổ biến với các đặc điểm tiện ích như không cần thế chấp tài sản bảo đảm, tỷ lệ tài trợ cao, đa dạng sản phẩm tài trợ…
Đặc biệt, hình thức này phù hợp với tệp khách hàng doanh nghiệp cần nguồn vốn để tập trung vào sản xuất, bởi thông qua thuê tài chính, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa máy móc, trang thiết bị vào vận hành, đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng gấp với số lượng lớn mà chi phí bỏ ra không quá nhiều.
Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thuê tài chính vẫn chỉ phát triển được ở mức khiêm tốn. Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt khoản 45 - 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ tính, số lượng sử dụng chỉ có 15 nghìn khách trong tổng số 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1,5%.
“Do phát triển còn khiêm tốn, hiện các sản phẩm cho thuê tài chính rất truyền thống, phần lớn giống như vay tín dụng, trong khi các sản phẩm mới, ý tưởng mới chưa được phát triển nhiều trên các thị trường”, ông Sơn bày tỏ trăn trở.
Về nguyên nhân, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng, thách thức lớn của cho thuê tài chính là pháp lý, rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành. Cụ thể, rủi ro cố hữu từ sự điều chỉnh chính sách của nền kinh tế đang chuyển đổi (mất đi tính ổn định từ cam kết chính sách) gây ra bất thường cho môi trường kinh doanh. Ngoài ra, khung khổ pháp lý đối với hoạt động này được gộp chung với ngân hàng thương mại (NHTM) nên bị bó hẹp rất nhiều về đối tượng khách hàng và tài sản cho thuê, trong khi đối thủ cạnh tranh rất mạnh là NHTM có ưu thế cả về vốn và lãi suất.
“Rủi ro “mắc kẹt” gia tăng đối với loại tài sản, thiết bị mà cho thuê tài chính đang sở hữu và cho thuê do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và rủi ro tín dụng cao và do năng lực kinh doanh, quản trị của khách hàng có nhiều hạn chế”, ông Hòe nêu rõ.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo ông Phạm Xuân Hòe, thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng nhờ Việt Nam thuộc nhóm đang phát triển với tăng trưởng GDP thuộc tốp đầu trên thế giới. Điều này kéo theo nhu cầu về thuê tài sản rất lớn gồm: Tài sản tiêu dùng từ gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã, gần 20.000 hộ trang trại nông nghiệp.
Đặc biệt, chuyển đổi số và năng lượng, phát triển kinh tế số, xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cầu lớn về tín dụng trung và dài hạn, nhất là cho thuê tài chính, trong khi giới hạn về tỷ lệ vốn ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn của NHTM kéo về 30% mở ra cơ hội để cho thuê tài sản phát triển.
Cùng với đó, sẽ có khung khổ pháp lý mới hướng dẫn thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, những khoản cho thuê tài chính nhỏ lẻ từ dưới 100 triệu đồng tới cho thuê tài chính thiết bị văn phòng, cho thuê tài sản tiêu dùng chỉ cần nắm bắt mục đích sử dụng vốn, không phải xây dựng phương án kinh doanh… Quy định như vậy đã giảm rất nhiều thủ tục, tạo thuận lợi cho thị trường cho thuê tài chính phát triển.
Ngoài ra, Luật có điểm mới nữa là công ty cho thuê tài chính có thể thành lập công ty con từ vốn và quỹ dự trữ, góp phần giải quyết vấn đề liên quan đến xử lý nợ và khai thác tài sản. Công ty cho thuê tài chính cũng có thể làm một số nghiệp vụ đại lý, trong đó có đại lý bảo hiểm.
“Với những yếu tố này, chúng tôi đánh giá tốc độ tăng trưởng dư nợ của cho thuê tài chính năm 2024 khoảng 20%, với tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt khoảng 50 nghìn tỷ đồng”, ông Hòe kỳ vọng.
Về phía doanh nghiệp cho thuê tài chính, bà Mai Thị Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Leasing (VCBL) cho biết, ngoài tập trung nguồn lực trí tuệ để cùng Hiệp hội góp ý hoàn thiện chính sách, các đơn vị cũng đang tập trung nâng quy mô tài sản và dư nợ thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho thuê mới, tệp khách hàng mới, từng bước phát triển mở rộng thị trường.
Ngoài ra, cho thuê tài chính là khoản cho vay liên quan đến tài sản không phải dự án, nên tốc độ là yếu tố quan trọng. Nếu ứng dụng tốt công nghệ thông tin, hoạt động cho thuê tài chính có thể phát triển rất nhanh trong tương lai. Vì vậy, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số để mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, nhất là khi số lượng chi nhánh, điểm bán hàng của các công ty cho thuê tài chính đều hạn chế.
“Việc đẩy mạnh chuyển đổi còn giúp doanh nghiệp đánh giá, nhìn nhận rủi ro khách hàng, xây dựng mô hình, xác định tổn thất công ty có thể chấp nhận để đưa ra chính sách phù hợp cũng như hỗ trợ công tác quản trị hệ thống văn bản, luồng tín dụng…”, bà Hà thông tin.