Dự án đầy tham vọng
Theo Bangkok Post, phát biểu ý kiến tại cuộc gặp ngày 26/10 với Hiệp hội các phóng viên kinh tế, Thủ tướng Thailand Srettha Thavisin cho biết, dự án Land Bridge do Chính phủ Thailand đang tích cực thúc đẩy sẽ là một trong những siêu dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế Thailand trong trung hạn và dài hạn.
Dự án cầu cạn đang được Chính phủ Thailand thúc đẩy sẽ cắt ngang qua eo đất hẹp Kra ở miền nam đất nước, nối tỉnh Chumphon trên vịnh Thailand với tỉnh Ranong trên biển Andaman. Dự án sẽ bao gồm một hệ thống đường cao tốc, đường sắt và đường ống dẫn dầu khí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các cảng biển sâu được xây dựng ở mỗi bên. Theo Thủ tướng Srettha, dự án được triển khai thành công sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương khoảng từ 6 đến 9 ngày, chi phí hậu cần cũng sẽ giảm khi hàng hóa không bị tắc nghẽn khi đi qua eo biển Malacca.
Trong bài phát biểu trực tiếp tại Diễn đàn Vành đai và Con đường (BRF) tổ chức cuối tháng 10 vừa qua tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Thủ tướng Thailand Srettha Thavisin đã ca ngợi những lợi ích của một cầu cạn lớn nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Truyền thông Thailand cho biết, Thủ tướng Srettha Thavisin sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy siêu dự án cầu cạn đầy tham vọng này tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 được tổ chức ở Mỹ từ ngày 12 đến 18/11, và trong Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản được tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 14 đến 17/12.
Người đứng đầu Chính phủ Thailand cho rằng, nền kinh tế nước này cần một sự kích thích lớn để phát triển, bởi trong 10 năm qua GDP của Thailand chỉ tăng trưởng trung bình 1,8%/năm, trong khi nợ hộ gia đình tăng từ mức 76% GDP lên mức 91% hiện nay. Thailand có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất châu Á và đứng thứ 10 trên toàn cầu.
Chính phủ Thailand đang cố gắng đưa ra các biện pháp giải quyết các vấn đề kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tin tưởng rằng Land Bridge sẽ là một trong những siêu dự án của thế giới và giúp Thailand trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, Thủ tướng Srettha kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Thailand bằng cách nêu bật những lợi ích gắn liền với dự án này về chi phí, khả năng phân phối và vị trí thuận lợi cho các nhà máy mới nằm dọc hai bờ đại dương.
Theo tính toán của The Nation, nếu được triển khai thành công, trong 10 năm tới dự án Land Bridge sẽ giúp GDP của khu vực phía nam Thailand tăng trung bình 130 tỷ baht (hơn 3,6 tỷ USD) mỗi năm, đóng góp khoảng 8% GDP của đất nước. Đồng thời, dự án cơ sở hạ tầng này cũng sẽ tạo ra hơn 100.000 việc làm mới. Tuyến đường mới cũng sẽ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ Thailand đến các thị trường ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Sau khi dự án cầu cạn đi vào hoạt động, lĩnh vực dịch vụ được dự báo sẽ có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Lợi ích kinh tế sẽ được phân bổ chủ yếu ở bốn tỉnh Ranong, Chumphon, Nakhon Si Thammarat và Surat Thani. Các khoản đầu tư để hiện đại hóa lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp ở bốn địa phương này sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong các ngành như cao-su, chế biến nông sản, công nghiệp thực phẩm. Các ngành công nghiệp khác dự kiến sẽ được hưởng lợi từ tuyến đường thương mại mới bao gồm lĩnh vực sản xuất năng lượng thay thế như năng lượng gió.
Trong khi đó, về tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh với nước ngoài, Land Bridge dự kiến sẽ thu hút 15-20% thị phần kinh tế từ Singapore và Malaysia, dựa trên giá trị vận tải hậu cần mà dự án này có thể mang lại.
Những trở ngại phía trước
Ý tưởng kết nối biển Andaman ở tỉnh Ranong với vịnh Thailand ở tỉnh Chumphon nhằm rút ngắn khoảng cách cho các chuyến tàu chở hàng phải di chuyển qua eo biển Malacca đã có từ lâu. Nếu bản đồ đất nước Thailand được ví giống hình con voi, thì eo đất hẹp Kra như chiếc vòi voi. Ý tưởng đào kênh xuyên eo đất này từng xuất hiện vào thế kỷ 17, xong đã không thể trở thành hiện thực. Chính quyền cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng từng tiến hành nghiên cứu tính khả thi của việc đào kênh, xong dự án đổ vỡ sau cuộc đảo chính nổ ra năm 2006.
Tuy nhiên, trên thực tế chi phí đào con kênh khổng lồ vô cùng đắt đỏ, ước tính lên tới hơn 30 tỷ USD. Trong khi đó, về mặt kỹ thuật, việc đào kênh kết nối vịnh Thailand và biển Andaman là công việc rất phức tạp, bởi độ cao mực nước hai bên chênh lệch đến vài mét. Bên cạnh đó, việc chia tách lãnh thổ bằng con kênh nhân tạo cũng có nguy cơ tạo ra những bất ổn chính trị. Phương án xây cầu cạn được chính quyền Thailand đánh giá là khả thi hơn so việc đào kênh về mặt kỹ thuật cũng như chi phí xây dựng.
Năm 2010, Thủ tướng Thailand Prayuth Chan-ocha đã yêu cầu thực hiện các nghiên cứu về tính khả thi của việc xây dựng cây cầu cạn bắc qua eo đất Kra. Ý tưởng của chính quyền khi đó là phát triển cảng nước sâu cho các tàu hàng lớn ở hai tỉnh là Ranong và Chumphon, đồng thời kết nối các cảng này bằng hệ thống đường cao tốc, đường sắt và đường ống dẫn dầu.
Với mục tiêu tìm động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế, chính quyền Thủ tướng Srettha Thavisin làm sống lại ý tưởng về cầu cạn nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Văn phòng Quy hoạch và Chính sách Giao thông Vận tải của Thailand đã thông báo về kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hậu cần và vận tải hàng hải đầu tư vào siêu dự án này. Tiến trình của dự án được chia thành bốn giai đoạn. Số vốn cần huy động trong giai đoạn đầu dự kiến sẽ là khoảng 610 tỷ baht (hơn 17 tỷ USD), giai đoạn thứ hai là 165 tỷ baht (hơn 4,6 tỷ USD), giai đoạn thứ ba là 229 tỷ baht (hơn 6,4 tỷ USD) và giai đoạn thứ tư là 85,1 tỷ baht (gần 2,4 tỷ USD).
Giám đốc Văn phòng Chính sách và Quy hoạch giao thông vận tải Thailand, ông Panya Chupanich kỳ vọng việc công bố mời thầu quốc tế cho dự án sẽ được thực hiện vào năm 2025, sau đó việc ký kết hợp đồng sẽ diễn ra vào quý III năm 2025. Ông Panya Chupanich cho biết thêm rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Pháp và Đức, vốn có thế mạnh trong khai thác dịch vụ vận tải biển ở khu vực, được kỳ vọng sẽ đầu tư vào dự án cầu cạn. Đổi lại, các nhà đầu tư sẽ được cấp quyền vận hành dự án trong thời hạn 50 năm.
Tuy nhiên, các tác động môi trường của dự án Land Bridge vẫn chưa được làm rõ. Trang Thai PBS World của Đài Phát thanh-Truyền hình Công cộng Thailand cho biết, các đánh giá tác động môi trường và sức khỏe đang chờ được phê duyệt. Những nguy cơ dẫn tới hủy hoại môi trường là không cần thiết, bởi số lượng lớn người dân phát triển sinh kế dựa vào hệ sinh thái tự nhiên ở khu vực này.
Theo một nghiên cứu đăng trên Thai PBS World, các tàu chở hàng có hành trình đi qua eo biển Malacca mà không dừng ở Singapore khó có thể sử dụng cầu cạn của Thailand, do chi phí xử lý, bốc dỡ hàng hóa có thể tăng gấp đôi. Dự án Land Bridge cũng phải đối mặt sự cạnh tranh từ dự án Đường sắt Bờ Đông (ECRL) của Malaysia. Do đó, bài toán đặt ra với Chính phủ Thailand là phải bảo đảm khả năng kết nối của cảng Chumphon phù hợp với cảng Klang của Malaysia. Bên cạnh đó, cũng cần có những biện pháp khuyến khích khác để thu hút các nhà đầu tư, bởi chỉ xây dựng đường bộ, đường sắt và bến cảng là chưa đủ để phát triển toàn diện và đồng bộ.