Nghề trồng bông ở Tây Phi

|

Nông dân một số nước ở Tây Phi đã bắt đầu trồng bông từ hơn một thế kỷ qua. Ngày nay, nhiều vùng nguyên liệu bông đóng vai trò quan trọng hình thành ngành công nghiệp dệt may cũng như đóng góp cho xuất khẩu.

Theo CNN, chỉ riêng khu vực Tây Phi đã chiếm hơn ba phần tư lượng bông xuất khẩu của toàn châu Phi. Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2019, bông đóng góp từ 8 đến 12% GDP của Benin, Burkina Faso, Chad và Mali - bốn quốc gia này được xem là những nhà sản xuất bông hàng đầu của khu vực.

Mặc dù vậy, những năm gần đây, nông dân trên khắp khu vực này đang lo lắng về sản lượng bông sụt giảm, cùng với đó là chất lượng bông đi xuống do côn trùng gây bệnh bùng phát. Thời tiết nắng nóng hơn được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sâu hại gia tăng phá hoại các cánh đồng bông. Dù đã được hướng dẫn xử lý bông bằng các loại hóa chất, song anh Coulibaly - chủ một cánh đồng 15 ha trồng bông ở Koulikoro (Mali) cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng một số loại hóa chất để chống lại các loại sâu bệnh, nhưng tất cả đều sợ mất mùa nên tôi đã giảm diện tích trồng xuống gần 5 ha để giảm thiệt hại”.

Một số nông dân ở Koulikoro bày tỏ lo ngại với phương pháp phun thuốc hóa học ngày càng nhiều để diệt trừ sâu bệnh. “Đối với tôi, thuốc trừ sâu không hiệu quả lắm”, Navaga Tuo - một nông dân 70 tuổi nói rằng, ông đã quyết định trồng ngô trong mùa này sau khi thất thu vụ bông năm ngoái. Mẫu mã và chất lượng đều giảm đang khiến cho những người thu mua trả giá bông thấp hơn nhiều so những năm trước.

Trong khi đó, nhu cầu về nguyên liệu bông tự nhiên được sản xuất an toàn không sử dụng hóa chất lại rất lớn. Theo Reuters, có hàng trăm loại hạt bông tồn tại ở châu Phi, một số trong đó là giống bản địa và có nguồn gốc từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13. Những hạt bông bản địa có sức sống bền bỉ, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, nhờ đó giảm lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng.

Được khuyến khích trồng xen canh những giống bông bản địa theo hướng hữu cơ, ông Tuo dự định quay lại trồng bông vào mùa tới và dùng chế phẩm sinh học để bảo vệ mùa màng theo chỉ dẫn. “Chúng tôi phải tìm ra giải pháp để loại bỏ bọ xít, rệp và các loài sâu hại khác. Ngoài trồng bông, chúng tôi không có nhiều lựa chọn nào khác tốt hơn”, ông Tuo cho biết.

Nhà côn trùng học Lakpo Koku Agboyi tại Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học sinh học quốc tế (CABI) ở Mali nhận định: “Ngày càng nhiều loài xâm lấn mới xuất hiện ở các quốc gia Tây Phi. Một phần là do kiểm soát biên giới yếu kém khiến các loài ngoại lai xâm nhập, trong khi nhiệt độ ấm lên có thể thay đổi phạm vi sinh sống của các loài hoặc thúc đẩy chúng lây lan”.

Ông Agboyi nhấn mạnh rằng, những biện pháp như phát triển giống bông kháng sâu bệnh, mở rộng việc sử dụng hệ thống giám sát để chỉ sử dụng hóa chất khi cần thiết, nghiên cứu biện pháp kiểm soát sinh học thay thế và tìm hiểu cách xử lý sâu bệnh ở giai đoạn sớm trong vòng đời của chúng… nên được ưu tiên. Việc phát triển bền vững ngành trồng bông cũng được khuyến khích vì giải quyết bài toán kinh tế.

Theo một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Niobiota, khủng hoảng sinh học do sâu bệnh tăng trưởng đã khiến châu Phi thiệt hại tới 79 tỷ USD từ năm 1970 đến năm 2020, chủ yếu là do nông dân mất mùa và chi phí thuốc trừ sâu tăng cao, đồng thời cảnh báo rằng những chi phí như vậy đang tăng theo cấp số nhân theo thời gian. Do đó, chuyển hướng sang phát triển bền vững, nâng cao giá trị bông được xem là giải pháp phù hợp.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp bông và dệt may của Tây Phi cũng đang tìm hướng đi mới phát triển chuỗi giá trị, đặc biệt là tại các quốc gia trồng bông chủ đạo như Benin, Burkina Faso, Chad và Mali. Chủ tịch Hiệp hội Bông Tây Phi Navdeep Sodhi cho biết: “Mục tiêu chung của chúng tôi là phát triển nghề trồng và chế biến bông bền vững để tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Chúng tôi cũng hướng tới việc thiết lập ngành công nghiệp xanh để thúc đẩy hàng dệt may và bông an toàn, thân thiện môi trường, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”.