Khuôn mặt của Pillco Solís (30 tuổi) sống ở làng Huayronccoyocpampa nằm trong dãy núi Andes của Peru, bừng sáng niềm tự hào khi cô đội một bộ tóc giả lên đầu. “Tôi mất gần một tháng để làm bộ tóc giả này. Như vậy là nhanh hơn rất nhiều so thời gian mới bắt đầu”, Solis cho biết. Hơn một năm trước, cô chưa bao giờ nhìn thấy một bộ tóc giả. Giờ đây, Solis là một trong bảy phụ nữ làm tóc giả của một xưởng ở Ollantaytambo, gần thành phố Cuzco, kiếm được một mức thu nhập khá ở khu vực có rất ít cơ hội dành cho phụ nữ.
Solis làm việc cho Chiqa, công ty do bà Kiara Kulisic - một cựu nhân viên bán hàng công nghệ đến từ Thủ đô Lima - thành lập vào năm 2022. Bà Kulisic từng bị rụng tóc do rối loạn tự miễn dịch. Bà chia sẻ: “Kể từ thời điểm tôi phát hiện tóc giả, tôi đã không ngừng sử dụng chúng. Tóc giả đã thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi biết yêu bản thân và cảm thấy là chính mình một lần nữa”.
Theo The Guardian, bà Kulisic đã từng rất ám ảnh khi phát hiện ra hàng loạt vụ vi phạm nhân quyền liên quan ngành công nghiệp tóc giả không được kiểm soát ở châu Á, với các báo cáo về việc phụ nữ bị ép buộc hoặc lừa bán tóc của họ. “Nó làm tan nát trái tim tôi. Làm sao một thứ mang lại nhiều hạnh phúc cho một người lại có thể khiến người khác đau khổ như vậy?”, bà tự hỏi.
Bà Kulisic cũng tìm hiểu được các số liệu thống kê “đáng sợ” của LHQ về việc lạm dụng phụ nữ ở Peru. Theo đó, cứ 10 phụ nữ thì có 7 người sẽ bị bạo hành bởi một thành viên trong gia đình. Bà Kulisic bày tỏ: “Nhiều phụ nữ trong khu vực này không chỉ phải đối mặt sự phân biệt giới tính mà còn bị áp bức nặng nề vì nói ngôn ngữ bản địa Quechua. Có sự phân biệt giai cấp giữa người da trắng và da mầu, nghèo đói và thói gia trưởng. Tất cả những điều này khiến họ không có cơ hội như những phụ nữ khác ở đất nước tôi”. Chính vì vậy, bà đã cho ra đời công ty làm tóc giả của mình với mục đích nhân văn.
Bà Kulisic đã tham gia một khóa học làm tóc giả ở Mỹ. Bà cũng mời cố vấn Gretchen Evans, người chuyên sản xuất những bộ tóc giả theo yêu cầu cho ngành công nghiệp điện ảnh, đến giúp đào tạo cho các nhân viên. Thông thường, sẽ mất khoảng một tháng để làm một bộ tóc giả từ tóc thật. Mỗi sợi tóc được tách ra một cách tỉ mỉ, rửa sạch và xử lý. Các khuôn được tùy chỉnh theo dáng đầu của từng người đặt hàng và các sợi tóc được khâu riêng lẻ. Bà Kulisic trả khoảng 500-700 soles (khoảng 130-190 USD) cho một kiểu tóc đuôi ngựa, tùy thuộc độ dài và độ dày, cao hơn mức hiện hành ở Cuzco. Bà Kusilic chia sẻ: “Tôi muốn giúp đỡ mọi người. Tôi muốn trẻ em và những người khác bị ung thư, phải xạ trị cảm thấy tự hào về bản thân, hạnh phúc và không cô đơn”.
Trong khi đó, chia sẻ về công ty của bà Kulisic, nhân viên Maritza Baca Espinoza cho biết: “Đó là một điều khác biệt mà chúng tôi chưa từng thấy. Điều đó có vẻ khó khăn nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho thử thách. Tôi muốn xem những gì sẽ đến từ dự án này”. Espinoza từng mất bạn bè vì bệnh ung thư, nên cô cũng từng thấy tác động của việc rụng tóc trong quá trình điều trị. “Tôi muốn giúp những người bệnh. Còn cách nào tốt hơn là trao thứ do chính tay mình làm ra để họ sử dụng?”, Espinoza hào hứng. Với công việc này, cô nhận được mức lương hằng tháng là 1.030 soles (khoảng 280 USD), cao hơn mức trung bình của khu vực.
Trong khi các nữ nhân viên ngày một hoàn thiện kỹ năng của họ, bà Kulisic cũng liên tục nhận đơn đặt hàng từ các khách hàng. Bà đang lên kế hoạch thành lập một trang web vào tháng này. Bà cũng đã có dự định mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang các cộng đồng khác.