Những kết quả đạt được
Theo trang tin Izvestia.ru, sau khi triển khai Đạo luật CHIPS và Khoa học, Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu khác nhau trong nỗ lực hồi sinh ngành sản xuất bán dẫn. Các con số cho thấy, Đạo luật CHIPS đã thúc đẩy đáng kể sự tham gia của khu vực tư nhân trong ngành bán dẫn tại Mỹ. Hơn 166 tỷ USD được công bố cho đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn và chip điện tử trong hơn một năm qua, đưa tổng số cam kết đầu tư trong ngành này tăng lên hơn 231 tỷ USD. Sự gia tăng đầu tư này không chỉ cho thấy sự tự tin của khu vực tư nhân vào các chính sách bán dẫn của Mỹ, mà còn nhấn mạnh vai trò của Đạo luật CHIPS là “chất xúc tác cần thiết” cho sự phát triển của ngành này. Đến nay, đã có hơn 460 công ty bày tỏ sự quan tâm đến việc giành được nguồn trợ cấp bán dẫn của Chính phủ Mỹ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của đất nước.
Một điều khoản được đưa ra vào tháng 3/2023, sáu tháng sau khi Đạo luật CHIPS được giới thiệu là “Khoản tín dụng đầu tư sản xuất nâng cao”, cung cấp khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các công ty để xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Khoản tín dụng này được ước tính trị giá khoảng 24 tỷ USD, có vai trò chủ chốt trong việc giúp sản xuất chip trong nước trở thành một lựa chọn hấp dẫn so nước ngoài bằng cách giảm thiểu các chi phí cao để thuê nhân công tại Mỹ.
Đạo luật CHIPS cũng dẫn đến sự bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng nhà máy, chủ yếu đến từ khoản khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trị giá 39 tỷ USD được đưa ra trong đạo luật. Khoản tài trợ này nhằm xây dựng, mở rộng, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất chip và cho các dự án đầu tư lớn vào cơ sở vật liệu bán dẫn, thiết bị sản xuất. Mặc dù không công bố con số cụ thể về số việc làm đã được mang lại, song chính quyền Mỹ vẫn chỉ rõ rằng, Đạo luật CHIPS đang đi đúng hướng nhằm tạo ra gần 50.000 việc làm đến năm 2032.
Phát triển lực lượng lao động là khía cạnh quan trọng để bảo đảm sự hồi sinh ngành sản xuất chip tại Mỹ do Đạo luật CHIPS thúc đẩy. Đến nay, đã có hơn 50 trường cao đẳng cộng đồng tại 19 bang giới thiệu và mở rộng các chương trình nhằm trang bị cho công nhân Mỹ những kỹ năng cần thiết để tham gia vào ngành bán dẫn. Các sáng kiến lớn như “Trung tâm lực lượng lao động”, “Cuộc chạy đua thu hút lực lượng lao động sản xuất tiên tiến” và “Viện Việc làm tốt và Các thành phố vĩ đại”, đều tập trung vào việc tạo ra các kênh dẫn tới các công việc tiên tiến nhất trong ngành sản xuất. Chính quyền Mỹ coi đây là một bước đi “không thể thiếu” để bồi dưỡng lực lượng lao động lành nghề và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, Đạo luật CHIPS cũng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển thông qua nhiều chương trình khác nhau. Trong đó, chương trình “Trung tâm Công nghệ” và chương trình “Thí điểm đem lại khả năng cạnh tranh” là những sáng kiến đáng chú ý nhằm thúc đẩy cơ hội kinh tế, tạo việc làm và hỗ trợ đổi mới trong các khu vực tại Mỹ đang gặp khó khăn về kinh tế. Ngoài ra, việc thành lập “Trung tâm công nghệ bán dẫn quốc gia”, chương trình “Động cơ đổi mới khu vực của Quỹ Khoa học quốc gia” sẽ đóng góp cho những nỗ lực này bằng cách thu hút và bồi dưỡng nhân tài trên khắp đất nước.
Mỹ hướng tới một tương lai có thể tự cung cấp chip bán dẫn, coi việc hợp tác và gắn kết với các đối tác toàn cầu là một trách nhiệm then chốt để đạt được mục tiêu này. Để đối phó rủi ro phát sinh mâu thuẫn với các đồng minh với chiến lược tự chủ này, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, các bộ, ngành của Mỹ bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại đã và đang xây dựng các thỏa thuận hợp tác với những quốc gia đồng minh. Các thỏa thuận này nhằm bảo đảm các khoản đầu tư ra nước ngoài đi theo khuôn khổ của Đạo luật CHIPS, phù hợp chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, bao gồm cả việc không bán các vật liệu, chip cho những quốc gia đối thủ.
Những thách thức phía trước
Các chuyên gia thuộc Viện Carnegie (Mỹ) cho rằng, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, song việc triển khai Đạo luật CHIPS của Mỹ cũng sẽ đối diện với không ít thách thức trong thời gian tới:
Thứ nhất, thiếu nhân lực và nguồn lao động nhà máy. Việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn quy mô lớn tại Mỹ đã không diễn ra trong suốt 20 năm qua, nên rất ít công ty xây dựng trong nước có kinh nghiệm, năng lực và chuyên môn để thực hiện các dự án chuyên ngành này. Vấn đề ngày càng phức tạp hơn khi các công ty sản xuất chất bán dẫn phải cạnh tranh với các công ty nội địa trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả nhà đất. Sau khi các nhà máy được hoàn thành và mở cửa, chúng sẽ phải đối mặt sự cạnh tranh để giành được đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên cần thiết để phục vụ việc vận hành.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy, trong 10 năm tới Mỹ sẽ thiếu khoảng 300.000 kỹ sư chất lượng cao. Nhu cầu mạnh mẽ về lao động chất lượng cao sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh về nhân tài. Đến nay, các nhà sản xuất chip bán dẫn đã ít thành công hơn so các công ty công nghệ khác trong việc thu hút những nhân viên giỏi nhất.
Thứ hai, thách thức về bền vững. Trong thế kỷ 21, ngày càng nhiều công ty sản xuất chip chú trọng đến bảo đảm tính bền vững của ngành bán dẫn, vì nhiều khách hàng muốn giảm lượng khí thải trong chuỗi cung ứng của họ. Thí dụ như Tập đoàn Apple, hiện đặt mục tiêu để mọi sản phẩm của công ty sẽ “trung hòa carbon” vào năm 2030, bắt đầu áp dụng các giới hạn nghiêm ngặt để khử carbon cho các sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều công ty bán dẫn vẫn chưa làm rõ các mục tiêu bền vững của mình, chỉ có khoảng 60/2.000 công ty ký cam kết thực hiện các mục tiêu giảm phát thải. Hơn 70% lượng khí phát thải trong suốt vòng đời của một số điện thoại có liên quan quá trình sản xuất điện thoại và chip.
Thứ ba, độ phức tạp của chuỗi cung ứng. Quy trình sản xuất chip điển hình có thể bao gồm sự tham gia của ít nhất 5 quốc gia và hơn 3 lần chuyển hàng trên khắp thế giới. Để tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, các công ty bán dẫn cần phải xem xét xây dựng hoặc di chuyển các phần của chuỗi giá trị đến gần hơn với các địa điểm sản xuất mới. Những chiến lược tìm nguồn cung ứng vật liệu cho xây dựng và vận hành sẽ cần phải được cập nhật. Việc chi tiêu vốn sẽ không chỉ dừng ở việc xây dựng nhà máy, do khả năng tạo ra một hệ sinh thái chip thật sự sẽ cần có thêm cơ sở hạ tầng và nhà cung cấp. Với chiến lược của Mỹ để trở thành một trung tâm sản xuất chip mới, việc các công ty sẽ phải di chuyển từ châu Á sang Mỹ, mặc dù có những địa điểm thuận lợi như Mexico hay khu vực Nam Mỹ, để bảo vệ chuỗi giá trị vẫn đầy rủi ro so giữ chuỗi giá trị tiếp tục tập trung tại châu Á.
Thứ tư, khó khăn trong việc quản lý. Việc cung cấp các dự án vốn lớn, đúng thời hạn, phù hợp ngân sách là một khó khăn. Các yếu tố gây rối loạn như biến động giá hàng hóa, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, thị trường lao động quá nóng… sẽ khiến các dự án trở nên phức tạp hơn. Các công ty bán dẫn cũng có thể gặp trở ngại ngay cả khi tuân thủ theo các nguyên tắc, phương pháp xây dựng tốt nhất trong suốt vòng đời của dự án. Hơn nữa, thị trường lao động quá nóng có thể làm giảm năng suất do các công ty chip không thể tìm đủ nhân viên xây dựng có trình độ, khiến việc cung cấp cơ sở vật chất đúng thời hạn và đúng ngân sách càng trở nên khó khăn hơn.