Ngồi trên đống lửa

|

Trong lúc nhiên liệu hóa thạch đang trở thành chủ đề tranh cãi nên bỏ sử dụng hay không, thì nhiều ngân hàng thế giới vốn “dính líu” tới ngành công nghiệp sử dụng loại nhiên liệu phát thải CO2 hàng đầu này như “ngồi trên đống lửa”.

AP dẫn nhiều báo cáo cho thấy, biến đổi khí hậu đang đặt các ngân hàng vào tình thế vô cùng khó khăn, khi nguồn lực tiếp tục đầu tư vào dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch khiến họ chưa thể thoát khỏi một ngành công nghiệp đang dần trở nên lỗi thời. Rủi ro tài chính trực tiếp, tổn hại về danh tiếng và nguy cơ pháp lý từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang trở thành "bom nổ chậm" đối với các ngân hàng, do họ đang nắm giữ một lượng lớn tài sản liên quan việc khai thác dầu thô, khí đốt, than đá...

Trong báo cáo gần đây, tổ chức tài chính phi chính phủ của châu Âu Finance Watch ước tính, 60 ngân hàng lớn nhất thế giới nắm giữ khoảng 1.350 tỷ USD tài sản liên quan nhiên liệu hóa thạch. Còn Công ty tư vấn Bain & Company của Mỹ cảnh báo cháy rừng, hạn hán và các rủi ro khí hậu khác đã và đang đe dọa từ 10 đến 15% giá trị danh mục đầu tư bất động sản của 50 ngân hàng hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia khẳng định, khi thế giới chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, các tài sản liên quan nhiên liệu hóa thạch chắc chắn sẽ mất giá trị đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, mà còn đặt ra nguy cơ tín dụng đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, ngày càng nhiều ngân hàng phải đối mặt nguy cơ bị kiện vì tài trợ cho các dự án gây ô nhiễm môi trường. Hồi đầu năm nay, Tổ chức Bảo vệ khí hậu “Friends of the Earth” đã khởi kiện ING - ngân hàng hàng đầu của Hà Lan - với cáo buộc tài trợ cho các công ty gây ô nhiễm cao. Sau đó, Friends of the Earth, Oxfam France và một tổ chức phi chính phủ khác đã đệ đơn kiện BNP Paribas, với cáo buộc tập đoàn ngân hàng quốc tế này góp phần gây ra biến đổi khí hậu thông qua việc tài trợ cho các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Hiện một số quốc gia đã ban hành các quy định yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn đối với môi trường. Tại Pháp, kể từ năm 2017, các doanh nghiệp lớn của nước này buộc phải thực hiện các biện pháp hiệu quả trong chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.