Cơ hội cho người từng lầm lỡ

|

Bằng nhiều chính sách nhân văn, cách làm thiết thực, TP Đà Nẵng đã và đang tạo nhiều cơ hội để những người lầm lỡ hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Cảm hóa bằng tình thương

Năm 2019, anh Hồ Ngọc B. (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) sa chân vào ma túy sau lời thách thức “thử cho biết” của bạn bè. Sau lần thử ấy là chuỗi ngày anh B. quằn quại mỗi khi lên cơn nghiện. Biết chuyện, các hội, đoàn thể địa phương tìm đến, đứng ra nhận giúp anh B. cai nghiện tại nhà.

Để anh có công việc, tránh xa bạn bè xấu, chi hội cựu chiến binh khu dân cư lặn lội tìm nơi dạy nghề cắt tóc và vận động anh B. học nghề. Hằng ngày, đích thân cán bộ cựu chiến binh đưa anh B. đến chỗ học nghề, hết giờ lại đón về. Khi khu dân cư có hoạt động cộng đồng, các hội, đoàn thể vừa vận động anh tham gia, vừa tranh thủ khuyên răn, cảm hóa để anh B. ý thức và tự giác tránh xa ma túy. Bằng tình thương và trách nhiệm của người đi trước, sau một thời gian cảm hóa, anh B. cai nghiện thành công và thành thạo nghề cắt tóc, đi làm có thu nhập ổn định.

Ông Huỳnh Bá Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng cho biết, những năm qua, các cấp Hội xác định việc giáo dục, cảm hóa thiếu niên hư, vi phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên. Để công tác cảm hóa đạt hiệu quả, các cấp Hội nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình có sự phối hợp giữa các hội viên, các hội đoàn thể, cảnh sát khu vực để chung tay cảm hóa, giúp đỡ các đối tượng từng lầm lỡ. Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Huyền, việc cảm hóa, giáo dục thiếu niên hư cần xuất phát từ tình yêu thương, kiên trì, nhẫn nại, xem các em như con, cháu trong nhà. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quan tâm, quản lý, nhắc nhở, răn dạy con em.

Thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, qua 5 năm triển khai thí điểm mô hình cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên mới sử dụng ma túy lần đầu, có 287/440 em tiến bộ, đạt tỷ lệ 65% và 240/440 em có việc làm, đạt tỷ lệ 54,5%. Song song đó, thành phố cũng triển khai mô hình can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy, thu hút 727 lượt đối tượng tham gia. Kết quả, có 527/727 lượt người tiến bộ, đạt tỷ lệ 72,5%.

“Cần câu” để hoàn lương

Để giúp người từng lầm lỡ làm lại cuộc đời, các ngành, đơn vị chú trọng công tác đào tạo nghề, cho vay vốn, giải quyết việc làm như một cách trao “cần câu” để hoàn lương. Theo đó, hằng năm, Cơ sở xã hội Bầu Bàng tiếp nhận quản lý, cai nghiện cho khoảng 700 - 800 người. Bên cạnh chăm sóc, điều trị, cai nghiện, cơ sở đặc biệt quan tâm công tác dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho các đối tượng. Từ năm 2009 đến nay, cơ sở đã liên kết, tổ chức được 67 lớp dạy nghề sơ cấp cho 1.703 người, với các nghề như điện ô-tô, điện lạnh, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, kỹ thuật xây dựng… Chất lượng công tác dạy nghề được chú trọng với 60% thời gian học là thực hành, rèn luyện kỹ năng để trang bị kiến thức căn bản, kỹ năng cần thiết cho người học. Trước khi về lại cộng đồng, học viên được tư vấn hướng nghiệp để nâng cao tỷ lệ tìm được việc làm phù hợp. Đồng thời, cơ sở cũng mời các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trực tiếp kết nối với học viên để thông tin về chính sách, đãi ngộ, nhu cầu tuyển dụng.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng triển khai chương trình cho vay hoàn lương. Qua đó, tiếp sức cho hàng trăm hộ gia đình có thành viên từng lầm lỡ được vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống. Từng sa chân vào con đường phạm pháp, sau khi chấp hành xong án về lại địa phương, anh Trần Đình M. H. (phường An Khê, quận Thanh Khê) quyết tâm làm lại cuộc đời. Để có công việc ổn định, anh M. H. vay 30 triệu đồng từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng để học nghề giò chả và mua sắm vật dụng, máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, anh M. H. dần tạo được uy tín và thương hiệu, có khách hàng ổn định, thu nhập khấm khá.

Vừa qua, HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, lao động là thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học; lao động là người hoạt động mại dâm hoàn lương được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp với mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Lao động trong các hộ bị thu hồi đất được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho người hoàn lương có cơ hội học nghề, tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống, từng bước làm lại cuộc đời.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, giai đoạn 2010-2023, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ sinh kế, kinh phí học nghề cho 268 trường hợp; hỗ trợ tạo việc làm cho 205 trường hợp; hỗ trợ kinh phí tìm việc làm cho 229 trường hợp, tổng kinh phí 229 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 143 trường hợp, tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.