Độc đáo nghề chạm khắc xương của Ấn Độ

|

Chạm khắc xương là loại hình nghệ thuật có niên đại hàng nghìn năm. Tại một số địa phương của Ấn Độ, vẫn có những nghệ nhân cần mẫn lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật cổ xưa nhưng vẫn phản ánh tư duy hiện đại này.

Theo Hindu Stantimes, ông Abrar Ahmad là người đầu tiên đem nghề chạm khắc xương đến Mailaraihanj - một ngôi làng nhỏ của quận Barabanki, bang Uttar Pradesh. Ông sống trong một căn nhà nhỏ với mái ngói bằng gạch. Nơi đây lưu giữ vô số thành tích của ông trong lĩnh vực chế tác, bao gồm giải nhất Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Ấn Độ vào năm 2009.

Nghề chạm khắc xương không chỉ đòi hỏi sự phối hợp tỉ mỉ giữa bàn tay và đôi mắt mà còn phải trải qua những công đoạn cầu kỳ để hoàn tất sản phẩm. Ông Ahmad đã cho thấy sự khéo léo tuyệt đối khi không hề sử dụng máy móc hay bản thiết kế hướng dẫn để hỗ trợ. Ông tự chế tạo các công cụ điêu khắc cho riêng mình và duy trì độ chính xác cao khi thực hiện công việc.

Ông Ahmad cho biết, ở quận Barabanki, hầu hết các thiết kế đều lấy cảm hứng từ kiến trúc Awadhi, bao gồm jali (chỉ một tấm bình phong bằng đá được đục nhiều lỗ) và bel-patti. Bước đầu tiên trong quá trình chế tác chính là thu thập và đập vụn xương và sừng của những động vật đã chết. Sau đó, ông sử dụng nhiều công cụ khác nhau để tạo hình, rồi ghép những mảnh rời lại với nhau bằng keo dán. Thành phẩm thường là những đồ vật trang trí như đèn ngủ hay hộp trang sức.

Do thị hiếu của người tiêu dùng, sức mua sản phẩm này đang xuống dốc nhanh trong những năm gần đây. Lợi nhuận giảm dần cùng với cơ hội tiếp cận thị trường mới hạn hẹp khiến cho nhiều nghệ nhân gặp khó khăn khi duy trì nghề truyền thống này. Thế hệ trẻ cũng không còn mặn mà với nhiệm vụ gìn giữ nghề điêu khắc xương và nhiều nghề thủ công khác.

Tuy nhiên, ông Ahmad vẫn tin rằng, các tác phẩm của mình sẽ đánh dấu sự trở lại của nghề chạm khắc xương trên thị trường. Dưới sự trợ giúp của Chương trình Nâng cao kỹ năng và đào tạo về nghệ thuật - thủ công (USTTAD), ông đã thành lập một trung tâm đào tạo và tự thân lựa chọn 50 nghệ nhân trẻ trong quận để truyền nghề. Tổ chức Thúc đẩy kỹ thuật số (DEF) cũng hỗ trợ ông trong việc ứng dụng các công cụ kỹ thuật nhằm nâng cao độ chính xác khi thực hiện các công đoạn. Ông cũng học cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội nhằm đẩy mạnh truyền thông và mua bán sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử.

Tại Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh, một gia đình khác cũng đang góp phần lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này. Ông Jalaluddeen Akhtar đã gắn bó với nghề được hơn 40 năm và đã chế tác rất nhiều sản phẩm tinh xảo. Giờ đây, còn có con trai ông là Aqeel nối nghiệp và họ cùng điều hành một số xưởng chế tạo trong vùng. Aqeel lần đầu tiếp xúc với nghề điêu khắc xương vào năm 14 tuổi, hiện anh đang sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram và Reddit để quảng bá sản phẩm.

Quy trình chạm khắc của Aqeel bắt đầu với bước chia nhỏ, đập vụn, sau đó làm sạch xương và chế tác thành những sản phẩm mỹ nghệ hoàn chỉnh. Từ đèn ngủ, bút, dao đến đồ trang sức như khuyên tai hay vòng cổ, không gì là anh không thể chế tác. Mảnh xương dư ra được bán cho những doanh nghiệp để nghiền thành phân bón. Anh cho biết, quá trình tạo tác có sử dụng máy móc nhằm tiết kiệm thời gian và công sức, nhưng chỉ giới hạn trong một số công đoạn thô sơ, như cưa nguyên liệu thô bằng máy cưa hay đục lỗ trên những tấm bình phong bằng máy khoan. Ngoài ra, anh cũng sử dụng một chiếc máy đánh bóng cầm tay để làm mịn bề mặt sản phẩm ở công đoạn cuối cùng.

Hiện tại, gia đình ông Akhtar tham gia giảng dạy tại những công xưởng địa phương do chính phủ hỗ trợ. Họ cũng hợp tác với những nghệ nhân chuyên nghiệp khác để cho ra những kiệt tác. Do nhu cầu tiêu thụ giảm ở thị trường nội địa, phần lớn các tác phẩm đều được xuất khẩu. Aqeel bày tỏ mong muốn rằng khi mọi người chiêm ngưỡng tác phẩm của anh, ngoài những hoa văn tinh xảo, họ còn thấy được lịch sử hàng thiên niên kỷ mà loại hình nghệ thuật truyền thống này đã kinh qua. Và từ đó, họ sẽ biết được nghề chạm khắc xương đã phát triển rực rỡ đến mức nào.