Kế hoạch tái sinh các con sông

|

Sông Thames và các dòng sông khác được xem là huyết mạch của Thủ đô London (Anh). Tuy nhiên, tình trạng xả thải làm sông trở nên ô nhiễm nặng nề đang đặt ra thách thức với chính quyền thành phố.

London từng có hơn 20 con sông khác nhau nhưng hiện nay ngoài sông Thames, chỉ còn 7 con sông đang chảy qua thành phố. Vừa qua, Thị trưởng thành phố London, ông Sadiq Khan đã cam kết một chương trình nhằm làm sạch các con sông ở thủ đô của Anh trong 10 năm tới. Ông Sadiq Khan cho biết: “Trong một thời gian dài, các con sông của London đã bị bỏ bê và ô nhiễm nước thải. Tôi quyết tâm tập hợp cộng đồng và đối tác để các dòng sông của chúng ta sạch sẽ, an toàn và thật sự dành cho tất cả mọi người”.

Với cam kết này, chính quyền London đã đưa vào sử dụng đường hầm Thames Tideway, được thiết kế như một cống ngầm siêu lớn nhằm chuyển hướng và giảm lượng nước thải trực tiếp chảy vào làm ô nhiễm sông Thames. Công trình được khởi công từ năm 2022 và đã hoạt động thử nghiệm hơn 3 tháng. Đường ống dài 25 km là nơi điều hướng những dòng nước thải đổ vào đầu nguồn sông Thames để đưa tới hồ xử lý trước khi xả lại ra biển. Sau một thời gian thử nghiệm, nước sông Thames ở đầu nguồn bắt đầu trở lại trong sạch hơn, hứa hẹn sẽ cải thiện tình trạng ô nhiễm.

Mặc dù vậy, ô nhiễm nước vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng tại Anh. Tình trạng này càng được chú ý hơn sau những trận mưa lớn, nước thải chưa được xử lý lại tràn vào sông, hồ và ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân ven sông. Cơ quan Môi trường Anh cho hay, lượng nước thải chưa xử lý đã tăng hơn 50% vào năm ngoái, khiến ô nhiễm sông, hồ thêm nặng nề.

Theo Daily Mail, Thị trưởng Sadiq Khan đã kêu gọi thực hiện kế hoạch trong 10 năm nhằm làm sạch các tuyến đường thủy của London và trả lại môi trường sống cho những loài động vật hoang dã khác. Thành phố đang sử dụng phương pháp tiếp cận thân thiện với môi trường, trước tiên là làm sạch các tuyến đường thủy bao gồm sông, hồ, kênh, rạch, sau đó sẽ tăng cường đa dạng sinh học cho hệ sinh thái sông ngòi này. Các tổ chức từ khu vực công và tư ở London đều được kêu gọi tham gia, bắt đầu bằng việc giải quyết tình trạng tràn nước thải gây hại, mở rộng lắp đặt các hệ thống thoát nước bền vững và trồng bãi lau sậy như một giải pháp giúp lọc nước tự nhiên.

“Trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sinh thái, chúng ta cần có lộ trình làm sạch các tuyến đường thủy của thủ đô. Những cố gắng đó sẽ làm cho thiên nhiên tươi đẹp trở lại trong 10 năm tới. Chúng tôi đã hợp tác với tòa thị chính trong một số dự án tái tạo thiên nhiên và cam kết làm cho London sạch hơn, đa dạng sinh học hơn”, ông David Mooney, Tổng Giám đốc Quỹ bảo vệ động vật hoang dã London Wildlife Trust phát biểu ý kiến.

“Hai năm qua đã chứng kiến ​​sự trở lại của loài hải ly ở hai cửa sông Ealing và Enfiel”, ông Mooney cho biết thêm và hy vọng đây là khởi đầu cho sự hồi sinh thiên nhiên ở London. Môi trường sống của các khu dân cư ven sông cũng dần thay đổi khi họ được trả lại không khí trong lành và có thể sử dụng không gian công cộng ven sông. Với ưu tiên tăng cường cảnh quan thiên nhiên, một số tổ chức cộng đồng đã mở ra các khu vực ven sông cho người dân London đi bộ, chèo thuyền, bơi lội trên sông Thames.

Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh Steve Reed cho biết: “Sông Thames là nguồn tự hào của quốc gia. Sông thu hút hàng triệu du khách, tạo cơ hội cho những người chèo thuyền, thuyền buồm và các môn thể thao khác, đồng thời là môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã”. Hệ thống sông và kênh rạch ở London còn được xem là xương sống của hệ sinh thái. “Nếu không có những cải cách kinh tế và môi trường lớn, chúng sẽ tiếp tục suy thoái, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng lại niềm tin của người dân London vào một hệ thống sông khỏe mạnh và cân bằng”, Bộ trưởng Reed cho hay.