“Cuộc chiến” chống lãng phí thực phẩm

|

Nạn đói toàn cầu không đến từ việc thiếu lương thực. Thế giới hiện đã sản xuất đủ thức ăn để nuôi dưỡng hơn 8 tỷ người, song tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra do thất thoát và lãng phí thực phẩm. Chống lãng phí thực phẩm vì thế là nhiệm vụ toàn cầu và giải pháp chống lãng phí phải tới từ mọi thành phần trong chuỗi cung ứng thực phẩm.

Một phần ba lượng thực phẩm toàn cầu bị lãng phí

Theo số liệu của Viện Tài nguyên thế giới (WRI), một phần ba tổng lượng lương thực toàn cầu đã mất đi trong quá trình đi từ nơi sản xuất tới bàn ăn của mỗi gia đình. Số lượng đó tương đương hơn 1 tỷ tấn lương thực mỗi năm. Khi chuyển thành calo, chúng đồng nghĩa 24% thực phẩm thế giới sản xuất ra không được tiêu thụ. Trong khi ấy, cứ 10 người trên toàn cầu thì vẫn có một người đang suy dinh dưỡng.

Quy mô quá lớn của việc lãng phí thực phẩm không chỉ tác động tới sức khỏe con người mà còn gây hại cho nền kinh tế cũng như môi trường. Kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm trong khi số thức ăn trên vẫn là tác nhân tạo ra gần 10% lượng khí thải. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, lượng thực phẩm bị lãng phí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Có hai con đường dẫn tới tình trạng lãng phí thực phẩm. Đầu tiên là thất thoát, đề cập đến quá trình thực phẩm mất đi qua thu hoạch, chế biến, vận chuyển, lưu trữ... Thứ hai là lãng phí đồ ăn trong gia đình, trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu. Vấn đề đầu tiên thường ở quy mô lớn, mang tính công nghiệp trong khi vấn đề thứ hai liên quan nhiều cấp độ “bán lẻ”, bị tác động bởi các thói quen sinh hoạt trong gia đình.

Với thất thoát, thực phẩm mất đi thường do hạn chế về công nghệ, hạ tầng, giao thông… Vài điển hình cho tình trạng này là việc thiếu kho bảo quản đông lạnh, quãng đường dài từ trang trại tới nơi chế biến hay việc nông dân không có đủ máy móc cần thiết để thu hoạch mùa màng. Ngay cả khi đến được nhà máy, thực phẩm vẫn có thể mất đi sau quá trình đóng gói. Bản thân quá trình này cũng gây hại tới môi trường khi sử dụng quá nhiều đồ nhựa, hộp, giấy... Thực tế cho thấy chất thải trong đóng gói thực phẩm cũng là vấn đề gây đau đầu cho các quốc gia. Theo The Guardian, công nghiệp bao bì tại Anh có giá trị tài chính cao hơn tất cả ngành thực phẩm từ trang trại.

Ngoài ra, lãng phí thực phẩm liên quan nhiều hơn đến việc quản lý kém của người bán và thiếu kiến thức ở người mua. Một số khảo sát cho thấy nhiều bà nội trợ chưa được hướng dẫn bảo quản thực phẩm dài hạn và đúng cách, cũng như thiếu hụt kiến thức về tiết kiệm thực phẩm tại nhà.

Trước đây, người ta có xu hướng cho rằng, lãng phí thực phẩm là vấn đề thường gặp tại các nước phát triển, còn thất thoát thực phẩm tới từ các nước đang và kém phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đều chứng minh cả hai quá trình lãng phí thực phẩm đều có mức độ tương đương ở những nước thu nhập trung bình lẫn nước thu nhập cao. Bởi thế, tình trạng này phải được xử lý trên toàn cầu, với sự góp sức của mọi quốc gia.

Thế giới từ lâu đã nhận thức được và nỗ lực để thay đổi tình trạng trên. Các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đang kêu gọi giảm một nửa tình trạng lãng phí thực phẩm vào năm 2030, từ đó hướng tới những kết quả chiến lược: Cải thiện dinh dưỡng toàn cầu và an ninh lương thực, giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm tài chính cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.

AP dẫn thống kê cho thấy, giảm lãng phí thực phẩm có thể tiết kiệm cho thế giới từ 120 tới 300 tỷ USD mỗi năm. Một gia đình tại Anh sẽ tiết kiệm 870 USD/năm trong khi con số tương tự ở Mỹ là 1.800 USD. Với gia đình ở những nước nghèo, chống lãng phí lương thực còn có ý nghĩa hơn khi giúp người dân nuôi sống gia đình, giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em, từ đó phân bổ nguồn lực sang cho giáo dục và các mặt sống thiết yếu khác.

Giải pháp chống lãng phí thực phẩm

Chống lãng phí thực phẩm vì thế là nhiệm vụ toàn cầu. Vì sự lãng phí diễn ra ở nhiều cấp độ, nhiều giai đoạn nên giải pháp chống lãng phí phải tới từ mọi thành phần trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Các hộ gia đình có thể giảm lãng phí bằng chiến lược mua sắm thông minh, lập kế hoạch bữa ăn, làm chủ việc mình cần những gì và cần bao nhiêu. Hiểu biết về hạn sử dụng thực phẩm, trang bị thiết bị bảo quản như tủ lạnh, tủ đông cũng là những giải pháp để tối ưu hóa việc sử dụng thực phẩm.

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên tắc nói trên có thể áp dụng tại các nhà hàng, cửa tiệm nhưng ở mức độ cao hơn. Chiến lược đo lường lúc này cần chi tiết hơn, nên được quản lý bằng phần mềm. Đầu bếp và cả nhân viên nhà hàng cần được đào tạo đồng bộ, cần hiểu về thực phẩm và thời hạn của từng loại thực phẩm. Khách hàng cũng cần được nhắc nhở về việc lãng phí đồ ăn trong nhà hàng, nhất là với dạng bữa ăn chọn món. Tháng 9/2022, chuỗi bán lẻ Ingka Group đã cắt giảm thành công 50% lượng rác thải thực phẩm nhờ các chiến lược chống lãng phí kể trên, giảm đáng kể chi phí vận hành và qua đó đạt được mục tiêu quan trọng nhất trong kinh doanh, đó là tăng lợi nhuận.

Tư duy theo hướng lợi nhuận được xem là cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn hẳn trong việc chống lãng phí. Các chuyên gia tin rằng, những giải pháp “đôi bên cùng có lợi” mới mang tới kết quả dài hạn và thúc đẩy nhà sản xuất tự nguyện bước vào “cuộc chiến” chống lãng phí thực phẩm. Nhiều nhà bán lẻ tại Anh hiện đã xóa dòng chữ “Sử dụng tốt nhất trước ngày” khỏi các sản phẩm sữa, hoa quả của họ, qua đó kéo dài chu kỳ “sống” của thực phẩm, đồng thời ngăn việc đồ ăn bị vứt bỏ.

Về phía nhà sản xuất, phân phối, các biện pháp thu hoạch công nghiệp hóa cùng toàn bộ quá trình đóng gói, lưu trữ và phân phối cũng cần được xem xét lại. The Guardian đề cao yếu tố công nghệ và năng lượng “xanh” trong khâu này. Thí dụ, mã vạch được in ấn trên bao bì để quản lý hành trình và tình trạng thực phẩm. Kích thước đồ đóng gói, đóng hộp được điều chỉnh phù hợp hơn, bảo đảm đồ ăn được dùng hết chỉ trong một lần bóc, không còn đồ thừa bị bỏ lại.

Ở cấp độ cao nhất, vai trò của các chính phủ là rất quan trọng. Những chính sách hỗ trợ sản xuất và phân phối lương thực hợp lý chỉ có thể xuất phát từ vĩ mô. Nhà nước cũng cần có các chương trình giáo dục, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhất là những bà nội trợ.

Siết chặt các chính sách về môi trường, đặt ra mức phạt cho hành vi lãng phí, thất thoát thực phẩm cũng là giải pháp được triển khai ở nhiều nước. Các tập đoàn lớn phải thể hiện trách nhiệm với xã hội và môi trường, phải được giám sát và báo cáo về tình trạng lãng phí thực phẩm tại doanh nghiệp của mình.

Kế hoạch 10 điểm của Viện Tài nguyên thế giới khẳng định yêu cầu quan trọng nhất trong chống lãng phí thực phẩm là chiến lược quốc gia. Báo cáo của viện này khẳng định: “Vấn đề lương thực là quá hệ trọng để có thể sử dụng những luật lệ và giải pháp rời rạc. Không thể để doanh nghiệp tự do xử lý vấn đề này và cũng không thể để doanh nghiệp nằm ngoài sự quản lý của chính phủ về lương thực”.