Bảo vệ rừng cộng đồng ở Bangladesh

|

Người dân địa phương ở một ngôi làng hẻo lánh của Bangladesh đã cùng tham gia ​​bảo tồn và chăm sóc rừng cộng đồng, nhờ đó vừa giữ gìn những cây thuốc quý trong tự nhiên, vừa góp phần bảo vệ nguồn nước dùng cho sinh hoạt.

Trước đây, chị Sudarshana Chakma (35 tuổi), một người dân làng Digholchari Debarmatha thuộc huyện Rangamati, vùng đồi Chittagong miền đông nam Bangladesh, vẫn luôn phải đi chặng đường dài băng qua đồi để lấy nước cho gia đình vì nơi họ sống không có sẵn nguồn nước. Theo IPS, các cộng đồng dân tộc ở vùng đồi Chittagong gần như phụ thuộc phần lớn vào việc du canh và nguồn nước từ rừng có vai trò đặc biệt sống còn, giúp họ duy trì cuộc sống và sinh kế. Họ lấy nước từ khe suối và du canh trong các khu rừng gần nơi sinh sống. Tuy nhiên, nạn phá rừng bừa bãi đã làm cạn kiệt tài nguyên cũng như các dòng suối, gây ra tình trạng khan hiếm nước ở nhiều nơi.

Đứng trước tình trạng đó, năm 2020, chính quyền địa phương đã triển khai sáng kiến đồng quản lý lưu vực đầu nguồn vùng đồi Chittagong, kêu gọi sự tham gia của các khu dân cư chung quanh, bao gồm cả những người sống ở làng Digholchari Debarmatha. Theo đó, mỗi người dân trở thành tình nguyện viên bảo tồn và tham gia chăm sóc, trồng thêm cây con cho Rừng cộng đồng (VCF). Đến nay, sau bốn năm triển khai, sáng kiến ​​này đã hồi sinh thành công các dòng suối, bảo đảm cung cấp nước quanh năm cho người dân sinh hoạt.

Không chỉ tự nguyện tham gia, Silica Chakma còn kêu gọi những người phụ nữ trong làng cùng chung tay “giữ nước cho mùa khô”. “Trước khi phục hồi rừng, chúng tôi luôn thiếu nước nghiêm trọng. Bây giờ, khi không còn nạn chặt phá rừng bừa bãi, những con suối trong rừng cũng được hồi sinh”, cô nói. Silica nhấn mạnh, rừng cộng đồng của làng được bảo tồn tự nguyện, có quy định nghiêm ngặt về việc khai thác tài nguyên rừng. Bất kỳ hoạt động du canh nào cũng cần được sự chấp thuận của ban quản lý VCF. Người dân cũng tham gia giám sát nạn chặt phá rừng trái phép, báo cáo và nhận được phần thưởng khuyến khích khi phát hiện sai phạm. Quan trọng hơn, họ đã giữ được nguồn nước sống còn cho cuộc sống của mình.

“Hiện nay, chúng tôi dễ dàng lấy nước từ những con suối gần làng. Phụ nữ không phải vượt qua chặng đường gian khổ như trước đây để đi lấy nước, giữa các gia đình cũng không phải tranh cãi xem ai là người đi lấy nước. Chúng tôi sống rất hòa thuận”, Sudarshana, một bà mẹ bốn con ở làng Digholchari Debarmatha cho biết. Còn theo ông Barun Chakma, Trưởng ban quản lý VCF làng Digholchari Debarmatha, người dân địa phương hiện tự nguyện bảo vệ rừng, trái ngược với tập quán trước đây là chặt cây bừa bãi.

Ông cũng nhấn mạnh việc bảo vệ rừng cộng đồng đã giúp tăng cường tính bền vững cho những hộ làm nông nghiệp nhỏ ở làng. “Những hộ làm nông nghiệp hiện nay có thể tích trữ nước suối trong hồ chứa để tưới cho đất trồng trọt trong mùa khô. Vì vậy, họ cũng rất ủng hộ sáng kiến này và đóng góp giúp chúng tôi duy trì rừng cộng đồng”, ông Chakma cho biết thêm.

Khi ngăn chặn nạn phá rừng bừa bãi và hồi sinh những dòng suối, ngành nông nghiệp địa phương nhờ đó hưởng lợi trực tiếp. Bằng cách đa dạng loại cây trồng, ngoài canh tác cây lương thực, còn có thể phát triển những giống cây dược liệu quý theo các bài thuốc truyền thống ở địa phương. Điều này càng có ý nghĩa hơn cho cộng đồng khi khả năng tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở những vùng đồi núi xa xôi như làng Digholchari Debarmatha, còn nhiều hạn chế.

Ông Barun Chakma giải thích: “Chúng tôi bảo tồn cây thuốc trong rừng địa phương để dùng khi bị bệnh và mong muốn có thể sản xuất dược liệu từ rừng”. Theo ông, nhờ nguồn nước dồi dào hơn, hiện nay người dân làng đã có thể trồng nhiều loại cây thuốc khác nhau. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng vào các phương pháp điều trị sức khỏe dựa vào dược liệu thiên nhiên, có thể nâng cao chất lượng y tế ở địa phương, cũng như tăng giá trị cho những giống cây thuốc quý hiếm ở Chittagong.